Theo Trưởng bộ phận châu Á và Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Steven Barnett, mặc dù tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu chậm lại nhưng sự phát triển của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang thể hiện độ an toàn và ổn định hơn.
Ông Steven Barnett đã nhận định như vậy tại Hội thảo tăng trưởng kinh tế châu Á do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tổ chức tại Washington (Mỹ) tuần trước.
Theo ông Barnett, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, kinh tế Trung Quốc đã phát triển thiếu bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro do tăng trưởng tín dụng cao, đầu tư tăng nhanh, thị trường địa ốc và ngân hàng "ngầm" phát triển.
Ông Barnett cho biết trước tình hình đó, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp để hạn chế tốc độ tăng trưởng nhưng ở mức an toàn hơn. Cụ thể là tăng trưởng tín dụng chậm lại, giảm bớt đầu tư, điều chỉnh thị trường bất động sản, củng cố năng lực quản lý và giám sát tài chính của chính quyền địa phương.
Ông Barnett dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ chậm lại ở mức 6,75% trong năm nay, thấp hơn con số 7,4% mà quốc gia này đạt được trong năm 2014.
Ông Barnett cho rằng Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ trong tiến trình cải cách kinh tế vào năm ngoái. Tuy nhiên, nước này "vẫn còn nhiều việc cần phải làm," trong đó cần ưu tiên nhiều hơn cho việc tái cấu trúc lĩnh vực tài chính và các doanh nghiệp nhà nước (SOE).
Theo ông Barnett, kinh tế thế giới cũng sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển ổn định, cân bằng và khả năng mở rộng thị trường của Trung Quốc. Kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Trung Quốc đã trở thành quốc gia đóng góp tới 1/4 tăng trưởng kinh tế thế giới.
Tại Hội nghị Trung ương 3 khóa 18 vào cuối năm 2013 Trung Quốc đã đưa ra chương trình cải cách tổng thể nhằm chuyển đổi nền kinh tế theo mô hình bền vững và thân thiện với môi trường hơn./.