Kinh tế châu Âu bị tác động thế nào từ các lệnh trừng phạt chống Nga?

Tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) đối với các biện pháp đối phó của Điện Kremlin có thể vượt ngoài lĩnh vực năng lượng.
Kinh tế châu Âu bị tác động thế nào từ các lệnh trừng phạt chống Nga? ảnh 1Đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cắt giảm nguồn khí đốt đến châu Âu là con bài kinh tế chủ chốt của Moskva nếu phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn trong trường hợp Nga can thiệp quân sự với Ukraine.

Tuy nhiên, tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) đối với các biện pháp đối phó của Điện Kremlin có thể vượt ngoài lĩnh vực năng lượng.

Các nhà hoạch định chính sách lo ngại khối này ít chuẩn bị hơn so với Moskva, nơi chiến lược "Pháo đài nước Nga" của Tổng thống Vladimir Putin đã sẵn sàng để giúp nước này vượt qua mọi lệnh trừng phạt khắc nghiệt hơn.

Từ các nhà cho vay và cung cấp công nghệ, các nhà xuất khẩu và sản xuất hàng hóa phụ thuộc vào nguyên liệu thô, đến các liên kết thương mại bị gián đoạn, sẽ làm tăng áp lực lạm phát và hạn chế hoạt động của hàng loạt doanh nghiệp châu Âu.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde tuần trước cho biết: “Những đám mây địa chính trị bao phủ châu Âu, nếu hiện thực hóa, chắc chắn sẽ tác động đến giá năng lượng và tăng trưởng do giảm thu nhập và tiêu dùng, và đầu tư bị trì hoãn.”

Phụ thuộc về năng lượng

Nga là nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của EU, chiếm khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của khối và gần 1/3 lượng dầu thô nhập khẩu. Mỹ, nhà xuất khẩu năng lượng ròng, và EU đang thảo luận về khả năng đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng thay thế.

Dự trữ khí đốt thấp hơn mức lịch sử và giá cả tăng vọt trong những tháng gần đây giúp Nga tăng đòn bẩy tài chính. Nhà phân tích dầu khí cấp cao tại BCS Global Markets, Ronald Smith, cho biết: “Sự thật là châu Âu không có nguồn thay thế khí đốt Nga.”

Nhà kinh tế trưởng về châu Âu tại Capital Economics, Andrew Kenningham, cho biết trong trường hợp xảy ra xung đột, giá khí đốt tự nhiên “có thể dễ dàng đạt mức đỉnh 180 euro/MWh (khoảng 200 USD) hồi tháng 12/2021, và việc phân bổ lượng cung điện có thể đẩy kinh tế vào suy thoái.

[Các nước EU chia rẽ quan điểm về mức độ trừng phạt Nga]

Theo tổ chức nghiên cứu Bruegel ở Brussels, EU sẽ cần những “quyết định khó khăn và tốn kém” trong việc hạn chế nhu cầu tiêu dùng và công nghiệp để có thể đối phó với tình trạng gián đoạn nguồn cung khí đốt trên quy mô lớn cho đến mùa Hè. Hơn nữa, các quốc gia như Đức có ít lựa chọn chuyển đổi sang các nguồn năng lượng khác trong ngắn hạn do đã từ bỏ điện hạt nhân và than đá.

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) từ Nga đến Đức cũng có thể bị áp đặt các lệnh trừng phạt, trong khi Anh và EU đang thảo luận về việc cắt giảm các dự án khí đốt mới của Nga.

Tuy nhiên, như vào năm 2014, khi các lệnh trừng phạt được áp đặt đối với Nga sau khi nước này sáp nhập Crimea, hầu hết các nhà kinh tế không kỳ vọng nguồn cung khí đốt sẽ cạn kiệt hoàn toàn, do Nga muốn được coi là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy.

Ông Smith cho rằng vũ khí khí đốt của Nga quá mạnh để có thể được sử dụng hoặc thậm chí được đề cập trực tiếp trong các cuộc đàm phán về vấn đề này.

Trong khi đó, các tập đoàn dầu khí châu Âu như BP, Total và Shell có thể thấy các liên doanh của họ ở Nga bị gián đoạn nếu các lệnh trừng phạt mới được đưa ra.

Rủi ro nguồn cung nguyên liệu thô

Nga là nước xuất khẩu hàng hóa hàng đầu và nằm trong danh sách các nhà cung cấp nguyên liệu thô quan trọng của Ủy ban châu Âu (EC). Nga cung cấp khoảng 40% lượng palladium của thế giới, kim loại quan trọng trong việc giảm lượng khí thải độc hại từ các phương tiện giao thông, và khoảng 30% titan, kim loại thiết yếu cho ngành hàng không vũ trụ.

Công ty sản xuất máy bay Airbus của châu Âu mua khoảng một nửa lượng titan từ Nga, và Boeing của Mỹ đều sử dụng lượng lớn kim loại trong sản xuất máy bay. Airbus cho biết sẽ “tuân thủ nghiêm ngặt mọi lệnh trừng phạt và các quy định kiểm soát xuất khẩu.”

Các quan chức EU cũng thảo luận về việc áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu cứng rắn đối với công nghệ phương Tây.

Warren Patterson, phụ trách chiến lược hàng hóa tại ING, cho biết các lệnh trừng phạt áp đặt đối với các ngân hàng hoặc ngành công nghiệp của Nga có khả năng "tác động sâu rộng đến khu vực sản xuất hàng hóa." Tác động này có thể lan rộng tới các thị trường mà nước này là nhà xuất khẩu hàng đầu, bao gồm nhôm, niken, đồng và bạch kim.

Thị trường và các nhà đầu tư lo ngại

Căng thẳng Nga-Ukraine đã thúc đẩy biến động trên thị trường chứng khoán trong năm nay. Các công ty có lợi ích trong khu vực, chẳng hạn như hãng chế tạo Nokian Tyres (Phần Lan) hay nhà sản xuất bia Carlsberg (Đan Mạch), đã chứng kiến giá cổ phiếu giảm trong những tuần gần đây.

Chuyên gia Angel Talavera tại Oxford Economics cho biết: “Sự lo lắng của nhà đầu tư có thể lan nhanh sang các lĩnh vực tương đối an toàn hơn.”

Các tổ chức cho vay cũng gặp rủi ro, như Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã cảnh báo. Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, các thực thể của Nga nợ các ngân hàng EU khoảng 60 tỷ USD, gần gấp 4 lần số nợ các ngân hàng Mỹ. Một lượng lớn tiền gửi vào các ngân hàng EU của các thực thể Nga có thể bị đóng băng.

Trong khi đó, Chính phủ Ukraine nợ các tổ chức nắm giữ trái phiếu chính phủ khoảng 23 tỷ USD. Các trái chủ ngày càng lo lắng về khả năng vỡ nợ hoặc tái cơ cấu. Chi phí bảo hiểm chống vỡ nợ đã tăng gấp đôi kể từ tháng 9/2021.

Các nhà đầu tư cho biết một cuộc can thiệp quân sự toàn diện vào Ukraine sẽ kích hoạt một “chuyến bay an toàn” trên thị trường toàn cầu. Nhà đầu tư có thể rời xa cổ phiếu và tìm đến các tài sản trú ẩn truyền thống như đồng franc Thụy Sỹ, yen và vàng. Việc loại bỏ Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế hoặc cản trở nước này tiếp cận nguồn USD cũng sẽ ảnh hưởng đến các đối tác ở châu Âu.

Suy thoái thương mại và đầu tư

Từ hóa chất Ba Lan đến rượu mạnh của Latvia, quan hệ thương mại giữa Nga và các nước Đông Âu đặc biệt bền chặt trong một số lĩnh vực. Nga là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Latvia và lớn thứ hai đối với các sản phẩm của Litva. Nhìn chung, Nga là thị trường xuất khẩu lớn thứ năm của khối, chiếm 4% xuất khẩu hàng hóa của EU năm 2020.

Tuy nhiên, thương mại từ các nền kinh tế lớn của EU sang Nga đã giảm từ khi nước này sáp nhập Crimea. Xuất khẩu sang Nga của Đức, Italy hoặc Pháp chỉ chiếm chưa đến 2% tổng xuất khẩu của các nước này.

Nhà kinh tế cấp cao tại Pictet Wealth Management, Nadia Gharbi, cho biết các liên kết thương mại trực tiếp giữa Nga và châu Âu bị hạn chế và suy giảm kể từ cuộc khủng hoảng Crimea.

EU vẫn là nhà đầu tư lớn nhất của Nga, song đầu tư trực tiếp nước ngoài của khối vào nước này vào năm ngoái chưa bằng một nửa con số 6 tỷ USD vào thập kỷ trước, theo fDi Markets.

Mặc dù các nhà phân tích cho biết hầu hết các doanh nghiệp có lợi ích ở Nga đủ kiên cường để đối phó với sự gián đoạn, bà Lagarde cảnh báo căng thẳng gia tăng có thể khiến “chi phí tăng trong toàn bộ cấu trúc giá cả” trong nền kinh tế khu vực đồng euro. Bà cho rằng từ góc độ kinh tế, hòa bình vẫn hơn rất nhiều so với bất kỳ hình thức chiến tranh nào./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục