Kỹ thuật mang thai hộ: Nhìn lại những thành công từ năm 2015

Trong thời gian một năm triển khai kỹ thuật mang thai hộ, đến nay trên cả nước có gần 100 hồ sơ đăng ký và có những em bé đã ra đời, mang niềm vui và hy vọng cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn.
Kỹ thuật mang thai hộ: Nhìn lại những thành công từ năm 2015 ảnh 1Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe sinh sản cho một phụ nữ. (Ảnh: TTXVN)

Vô sinh là một thách thức lớn của ngành sản khoa Việt Nam hiện nay. Tình trạng vô sinh, hiếm muộn ở Việt Nam hiện tác động đến 700.000-1.000.000 cặp vợ chồng.

Ngày 28/01/2015 Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2015/NĐ-CP của quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, được áp dụng cho các cặp vợ chồng chưa có con chung, người vợ không thể mang thai, sinh nở do các bệnh lý (tim, thận, gan, phổi) và bệnh lý sản phụ khoa, như: không có tử cung, phải cắt bỏ tử cung, sảy thai nhiều lần không rõ nguyên nhân, làm thụ tinh ống nghiệm nhiều lần nhưng chuyển phôi thất bại.

Nghị định trên đi vào hiệu lực mang niềm vui, niềm hy vọng cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn và vướng mắc. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã có những trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

Tỷ lệ thành công cao

- Thứ trưởng có thể cho biết, từ khi nghị định về cho phép mang thai hộ được ban hành, cho đến nay đã có bao nhiêu trường hợp thực hiện được mang thai hộ?

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: Hiện nay Bộ Y tế đang cho phép 3 cơ sở thực hiện kỹ thuật mang thai hộ gồm: Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Từ Dũ (Thành phố Hồ Chí Minh).

Trong thời gian một năm triển khai kỹ thuật mang thai hộ sau khi Nghị định của Chính phủ được ban hành, đến nay trên cả nước có gần 100 hồ sơ đăng ký.

Kỹ thuật mang thai hộ: Nhìn lại những thành công từ năm 2015 ảnh 2Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến. (Ảnh: TTXVN)

Tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản quốc gia (Hà Nội) đã có 60 hồ sơ được duyệt, trong đó đã thực hiện 46 ca; tại Trung tâm hiếm muộn bệnh viện Từ Dũ (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng đã có 33 hồ sơ từ các cặp vợ chồng hiếm muộn và đủ điều kiện mang thai hộ và đã thực hiện 19 ca, còn tại Bệnh viện Trung ương Huế ít hơn nhiều.

Về tỷ lệ thành công khá bất ngờ. Tỷ lệ thành công ngay tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương đạt khoảng 50%.


- Ông đánh giá như thế nào về nghị định mang thai hộ đối với các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn?

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: Đây là một nghị định tốt, giải quyết vấn đề cho nhiều cặp vợ chồng không có khả năng sinh con. Nếu không có kỹ thuật này chắc chắn họ sẽ không bao giờ có con được.

Nếu như nghị định trên chưa ban hành nhiều trường hợp có thể họ lựa chọn giải pháp ra nước ngoài để thực hiện.

Chúng ta làm tốt kỹ thuật này, đúng về mặt pháp lý thì tạo điều kiện tốt cho nhiều cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn cần phải thực hiện mang thai hộ thực hiện trong nước.

Mang thai hộ đòi hỏi kỹ thuật cao

- Qua 1 năm cho phép triển khai cho phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ, Thứ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả?

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: Trong quá trình chúng tôi triển khai có những thuận lợi và không ít khó khăn. Về mặt kỹ thuật, khi chúng ta nói về kỹ thuật mang thai hộ giống như kỹ thuật xin noãn, xin phôi, xin tinh trùng nhưng thực ra không phải như vậy. Những cặp vợ chồng phải nhờ đến kỹ thuật mang thai hộ vì bản thân họ như trường hợp người phụ nữ không có tử cung hay một số bệnh lý ngay từ khi sinh ra họ không có tử cung nhưng vẫn có buồng trứng.

Kỹ thuật mang thai hộ: Nhìn lại những thành công từ năm 2015 ảnh 3Một em bé được sinh ra từ kỹ thuật mang thai hộ. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Đối với những trường hợp như vậy thì kỹ thuật lấy trứng, lấy noãn khó khăn hơn nhiều và thậm chí có trường hợp chúng tôi phải thực hiện kỹ thuật lấy qua đường thành bụng.

Kỹ thuật này được thực hiện cho những người vợ bị bệnh lý nặng mà không thể mang thai được, chẳng hạn như bệnh về huyết áp, bệnh về tim mạch, gan, thận… bệnh lý về máu. Đối với những trường hợp này mặc dù buồng trứng của họ vẫn bình thường nhưng trong quá trình thực hiện kỹ thuật có rất nhiều rủi ro, nguy cơ, thậm chí có nguy cơ tử vong đối với người phụ nữ cao hơn rất nhiều so với những người phụ nữ không mắc bệnh gì cả.

Ngoài ra kỹ thuật này còn áp dụng cho các trường hợp như tử cung bất thường . Do vậy nếu nói kỹ thuật mang thai hộ cũng giống như các kỹ thuật khác thì hoàn toàn không phải như vậy, bởi nó đòi hỏi kỹ thuật cao hơn.

Vẫn cần sự thay đổi

- Theo ông, trong quá trình triển khai nghị định cho phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ, là một người trực tiếp đồng hành với những cặp vợ chồng thực hiện kỹ thuật này trong thực tế gặp phải khó khăn và vướng mắc gì?

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: Theo tôi, khó khăn lớn nhất hiện nay về mặt pháp lý. Như chúng ta biết, một hồ sơ để duyệt được mang thai hộ phải có rất nhiều dấu ở trong đó, nào là dấu chứng nhận người mang thai hộ cùng huyết thống, cùng dòng máu họ hàng, rồi chứng nhận về hôn nhân gia đình...

Tôi thấy rằng một tập hồ sơ phải rất rất dày. Nếu như không đầy đủ như vậy thì trung tâm hỗ trợ sinh sản không dám làm bởi làm nó sẽ liên quan đến các mặt pháp lý, mặc dù chỉ định về chuyên môn là có. Nhiều khi nó trở nên quá khó khăn cho các cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ mà không có cách nào khác.

Nhưng khi thực hiện kỹ thuật này, nghị định này để đưa vào áp dụng, tôi thấy có một số vấn đề chưa thật sự hoàn toàn phù hợp nhưng tôi cho rằng để một nghị định, một thông tư ra nói đời hỏi nhiều yếu tố, nó đòi hỏi thực tiễn.

Tôi cho rằng nghị định này, thông tư này như thế là tốt rồi. Tôi thấy có điểm mà sau này chúng ta cần chỉnh sửa lại, giống như trước đây, nghị định về sinh con theo phương pháp khoa học như việc quy định những người trên 45 tuổi không được thực hiện kỹ thuật này. Song, trên thực tế khi họ đến thì 45 tuổi nhưng qua quá trình thực hiện làm các kỹ thuật xét nghiệm khi bắt đầu đưa vào thực hiện họ bước sang tuổi 46 rồi và nếu như theo quy định sang tuổi 46 không thực hiện nữa. Chính vì lẽ đó mà vừa rồi nghị định này chúng ta đã sửa phần tuổi.

Kỹ thuật mang thai hộ: Nhìn lại những thành công từ năm 2015 ảnh 4
Kỹ thuật mang thai hộ: Nhìn lại những thành công từ năm 2015 ảnh 5Nhân viên y tế tư vấn về sức khỏe sinh sản cho các bạn trẻ. (Ảnh: TTXVN)

Về vấn đề mang thai hộ, một bất cập nữa đó là trong luật quy định những cặp vợ chồng nào mà chưa có con chung nào mới được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Tuy nhiên, trong thực tế có nhưng cặp vợ chồng đã có con chung rồi nhưng đứng về mặt chuyên môn và đứng về góc độ nhân đạo chúng ta nên làm cho họ.

Chẳng hạn như những cặp vợ chồng có con chung nhưng đứa bé ấy bị tật nguyền, tàn tật và trong quá trình sinh nở lần trước của họ. Vì vậy, họ cần phải can thiệp các thủ thuật trong sản khoa và vì thủ thuật trong sản khoa ấy mà đứa con của họ bị liệt và không may còn có cả tai biến. Hậu quả là người vợ bắt buộc phải cắt tử cung để cứu sống người mẹ.

Một đứa trẻ sinh ra bị tàn tật như vậy trong khi noãn, trứng của người vợ vẫn bình thường, tinh trùng của người chồng cũng bình thường nếu như người ta được sinh thêm một đứa con thì nhân đạo hơn và đứa con ấy sau này sẽ là nguồn chính để nuôi dưỡng chăm sóc anh/chị và bố mẹ họ. Luật hiện giờ chưa cho phép.

Theo tôi, trong thời gian tới chúng ta nên thay đổi, nên sửa thêm một số điểm, điều chưa phù hợp với thực tiễn. Như vậy, nghị định này rất tốt và chắc chắn rằng nếu như các nhà chuyên môn đưa ra các trường hợp cụ thể, thực tiễn thì sẽ nhận được sự đồng tình.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến!./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục