Lãnh đạo Pháp và Israel hội đàm tìm lối thoát cho hòa bình Trung Đông

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có "những bước đi táo bạo" đối với người Palestine để "phá vỡ bế tắc" của cuộc khủng hoảng Israel-Palestine.
Lãnh đạo Pháp và Israel hội đàm tìm lối thoát cho hòa bình Trung Đông ảnh 1Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 10/12 đã kêu gọi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có "những bước đi táo bạo" đối với người Palestine để "phá vỡ bế tắc" của cuộc khủng hoảng Israel-Palestine.

Trong cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo tại thủ đô Paris của Pháp, vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, Tổng thống Pháp cũng lên án mọi hình thức tấn công chống lại Israel.

Trong tuyên bố của mình tại Paris, Thủ tướng Benjamin Netanyahu khẳng định lại rằng Jerusalem là thủ đô của Israel, của người Do Thái, chứ không phải của dân tộc nào khác.

Ông Netanyahu cho rằng hòa bình sẽ tiến triển nếu người Palestine công nhận "thực tế" trên.


[Quyết định của Mỹ về Jerusalem sẽ gây "những hậu quả chính trị"]

Ông Netanyahu nhấn mạnh rằng nếu Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas muốn có hòa bình, cần đàm phán với Israel.

Về phần mình, sau cuộc hội đàm, Tổng thống Macron cho hay ông đã hối thúc Thủ tướng Netanyahu thể hiện "sự can đảm" trong việc đàm phán với Palestine để thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay.

Bên cạnh đó, Tổng thống Macron cũng hối thúc Thủ tướng Netanyahu ngừng việc xây dựng các khu định cư của người Do Thái.

Trước đó, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, Chính quyền Palestine đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với quyết định trên của Washington, cho rằng đây là hành động thù địch chống lại người dân Palestine.

Lâu nay, quy chế chính thức của Jerusalem là vấn đề hết sức nhạy cảm và là tâm điểm của cuộc xung đột Israel-Palestine.

Israel coi Jerusalem là thủ đô "vĩnh viễn và không thể chia cắt" của mình, trong khi người Palestine muốn Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai.

Đông Jerusalem đã bị Israel chiếm đóng trái phép trong cuộc chiến tranh năm 1967 và sáp nhập vào lãnh thổ nước mình trong một động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục