Liên hợp quốc và Nga thảo luận về xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen

Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen có hiệu lực trong vòng 120 ngày, sẽ hết hiệu lực vào nửa cuối tháng 11. Liên hợp quốc đã nhiều lần bày tỏ ủng hộ gia hạn thỏa thuận này.
Liên hợp quốc và Nga thảo luận về xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen ảnh 1Ngũ cốc được lưu trữ tại kho ở Izmail thuộc vùng Odessa, Ukraine, ngày 14/6/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 16/10, Bộ Ngoại giao Nga thông báo Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Vershinin đã có cuộc gặp Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Martin Griffiths và Tổng Thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) Rebeca Grynspan để thảo luận về thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen, cùng một số vấn đề cấp bách khác.

Trước đó, hãng tin TASS dẫn một nguồn tin cho biết ông Griffiths cũng dự kiến tham dự các cuộc họp tại Bộ Quốc phòng Nga.

Ngày 22/7, tại thành phố Istanbul, Nga và Ukraine đã ký các thỏa thuận riêng rẽ với Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giải quyết vấn đề cung cấp lương thực và phân bón ra thị trường toàn cầu.

[Nga đang cân nhắc dỡ bỏ hạn ngạch xuất khẩu ngũ cốc]

Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen có hiệu lực trong vòng 120 ngày, sẽ hết hiệu lực vào nửa cuối tháng 11 tới. Liên hợp quốc đã nhiều lần bày tỏ ủng hộ gia hạn thỏa thuận này.

Ngoài ra, một biên bản ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng Nga và Liên hợp quốc về việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga có thời hạn 3 năm.

Trong khuôn khổ thỏa thuận trên, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên hợp quốc đã nhất trí thành lập một trung tâm điều phối chung (JCC) để giám sát các tàu chở ngũ cốc.

Theo JCC, số chuyến tàu chở ngũ cốc đã rời các cảng ở Ukraine bên bờ Biển Đen trong khuôn khổ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc tính đến ngày 16/10 đạt 345 chuyến và vận chuyển khoảng 7,7 triệu tấn lương thực.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 16/10 cho biết Ukraine đã xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn ngũ cốc bằng đường biển.

Theo ông Zelensky, 60% lượng hàng này được chuyển đến các nước ở châu Phi và châu Á./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục