Liên minh châu Âu cho phép Anh hỗ trợ xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Tòa án tối cao châu Âu đã "bật đèn xanh" cho phép Anh hỗ trợ xây dựng nhà máy Hinkley Point C, ở Tây Nam vùng England, dự kiến hoàn thành vào năm 2025, bất chấp Áo phản đối.
Liên minh châu Âu cho phép Anh hỗ trợ xây dựng nhà máy điện hạt nhân ảnh 1Quang cảnh xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C. (Nguồn: EDF Energy)

Ngày 22/9, tòa án tối cao châu Âu đã "bật đèn xanh" cho phép Chính phủ Anh hỗ trợ xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mới, đồng thời bác bỏ kiến nghị của Áo ngăn chặn động thái.

Mặc dù Anh đã rời Liên minh châu Âu (EU) nhưng vụ việc trên tồn tại từ năm 2014, thời điểm Ủy ban châu Âu (EC) cho phép Chính phủ Anh hỗ trợ xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C, ở Tây Nam vùng England, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Áo đã phản đối động thái trên của EC với lập luận rằng đây là hành vi vi phạm các quy định của EU về hỗ trợ nhà nước. Sau khi không đạt được mục tiêu tại Tòa sơ thẩm EU, Áo đã khiếu nại lên Tòa án Công lý châu Âu (ECJ - tòa án cao nhất tại châu Âu).

Tuy nhiên, ECJ đã ra phán quyết rằng các quy định của EU không cấm các chính phủ hỗ trợ các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Trong thông báo về phán quyết trên, ECJ khẳng định bất kỳ quốc gia thành viên nào cũng có "toàn quyền xác định điều kiện khai thác các nguồn năng lượng, cũng như lựa chọn giữa các nguồn năng lượng khác nhau và cơ cấu chung về cung cấp năng lượng," và không loại trừ việc lựa chọn sử dụng năng lượng hạt nhân.

Bộ trưởng Môi trường Áo Leonore Gewessler đã bày tỏ thất vọng về phán quyết trên.

[Anh ký hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C]

Hiện tập đoàn năng lượng khổng lồ của Pháp là EDF đang hợp tác với Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) trong dự án xây dựng nhà máy điện Hinkley Point C, trị giá 19,6 tỷ bảng (khoảng 26 tỷ USD). Dự án này được xem là kế hoạch năng lượng dài hạn chủ chốt của Chính phủ Anh.

Dự án được thực hiện trong bối cảnh London đang hướng tới mục tiêu tới năm 2050, cắt giảm hoàn toàn lượng khí thải carbon thông qua việc sử dụng điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Tuy nhiên, căng thẳng ngoại giao với Trung Quốc có chiều hướng leo thang đã làm gia tăng lo ngại về việc cho phép Bắc Kinh tham gia những dự án cơ sở hạ tầng lớn tại nước này.

Từ lâu, Áo đã đẩy mạnh việc ngăn chặn điện hạt nhân phát triển, điển hình là cuộc trưng cầu ý dân năm 1978 nhằm phản đối loại năng lượng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục