Liệu Bitcoin có thể trở thành công cụ trú ẩn rủi ro hay không?

Cùng với sự ủng hộ của những nhân vật tiếng tăm trong giới công nghệ và tài chính, rốt cuộc Bitcoin có phải công cụ tiền tệ lưu thông trong tương lai hay không là vấn đề đang được quan tâm.
Liệu Bitcoin có thể trở thành công cụ trú ẩn rủi ro hay không? ảnh 1(Nguồn: Getty Images)

Ngày 13/4/2021, giá đồng Bitcoin tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay, đạt 63.500 USD trước thông tin sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất Coinbase sẽ niêm yết ngày 14/3.

Tuy nhiên, ngày 18/4, đồng Bitcoin biến động dữ dội, lao dốc không phanh từ ngưỡng 60.000 USD xuống mức thấp 53.000 USD, tức là giảm hơn 12%, trước khi phục hồi trở lại. Nhưng sự phục hồi không lâu, tuần đầu tháng 5 chứng kiến sự sụt giảm liên tục của đồng Bitcoin, đến 21/5, đồng tiền này chỉ còn 35.000 USD và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Đây không phải là đợt biến động đầu tiên của đồng tiền này. Năm 2021, sau khi giá Bitcoin vượt ngưỡng 30.000 USD, đã xuất hiện 3 đợt sụt giảm lớn về giá, song mỗi lần biến động đều không tuột xuống dưới mức giá trị số nguyên (chẳng hạn 40.000 USD hoặc 50.000 USD).

Cùng với sự ủng hộ của những nhân vật tiếng tăm trong giới công nghệ và tài chính, rốt cuộc Bitcoin có phải công cụ tiền tệ lưu thông trong tương lai hay không là vấn đề đang nhận được sự quan tâm của nhiều người.

Sau khi được Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cử vào vị trí Bộ trưởng Tài chính, bà Janet Yellen cũng đã nêu lập trường của mình đối với đồng Bitcoin và tiền mã hóa.

Theo bà, các nhà lập pháp cần hạn chế sử dụng các đồng tiền mã hóa như Bitcoin. Bà cũng nhấn mạnh về khía cạnh giao dịch, có nhiều loại tiền mã hóa chủ yếu được sử dụng để huy động vốn bất hợp pháp, cần phải đưa ra một số biện pháp để hạn chế những hành vi này để đảm bảo tiền mã hóa sẽ không trở thành kênh rửa tiền.

Sau phát biểu này của bà Janet Yellen, thị trường quan ngại Chính quyền ông Joe Biden sẽ tăng cường quản lý giám sát, khiến cho giá Bitcoin có thời điểm rớt xuống mức 30.000 USD.

[Lượng vốn chảy khỏi thị trường bitcoin lên mức cao kỷ lục]

Tuy nhiên, mặt khác do tính chất khan hiếm nên Bitcoin thường được so sánh với vàng, một số nhà phân tích cho rằng nếu chuyển tất cả các khoản đầu tư vàng sang Bitcoin thì giá Bitcoin có thể sẽ tăng lên 146.000 USD. Hiện nay, rất nhiều người hiếu kỳ đặt câu hỏi rốt cuộc Bitcoin có thể thay thế vàng để trở thành phương tiện trú ẩn an toàn mới hay không?

Vàng được coi là tài sản trú ẩn an toàn do tính chất không liên quan giữa vàng và cổ phiếu, có thể vượt qua sự mất giá và lạm phát của đồng tiền pháp định. Kể từ khi ra đời vào năm 2009 đến nay, giá Bitcoin lúc tăng mạnh lúc giảm sâu, có trên 63 lần lao dốc 10% trong vòng 1 tuần.

Theo Ngân hàng DBS, Bitcoin khác với đặc tính của vàng ở rất nhiều phương diện và sẽ không bao giờ có thể thay thế vàng trở thành đích phân tán rủi ro.

Nguyên nhân thứ nhất: Bitcoin không phải là vàng kỹ thuật số

DBS nhấn mạnh trong một báo cáo phân tích, hiện nay Bitcoin vẫn chưa có một nền tảng được sử dụng rộng rãi mà chỉ tạm dùng cho một số giao dịch thương mại hợp pháp.

Trên thực tế, năm 2020 khi Paypal tuyên bố sẽ sử dụng Bitcoin và các đồng tiền mã hóa khác làm phương thức thanh toán, giá Bitcoin lần đầu tiên vượt ngưỡng 12.000 USD.

Tuy nhiên, cân nhắc đến mức độ biến động cao và thiếu cơ chế quản lý giám sát, liệu có bao nhiêu dịch vụ thanh toán kỹ thuật số sẽ sử dụng Bitcoin? Điều này cần phải được tiếp tục theo dõi.

Trong khi đó, ngân hàng DBS cũng nhấn mạnh trong báo cáo rằng vàng đã chuyển từ vật chất (physical) sang thực ảo song hành (phygital), có tính thanh khoản giao dịch rất cao, nghĩa là có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt để sử dụng vật chất.

Theo số liệu của Hội đồng vàng thế giới (WGC), giao dịch vàng có tính thanh khoản giống như giao dịch cổ phiếu và trái phiếu chính phủ Mỹ, và tốt hơn một số thị trường trái phiếu.

Nguyên nhân thứ hai: Bitcoin không phải là vàng vật chất

Bitcoin và vàng đều có được thông qua "khai thác", song điểm khác nhau cơ bản là Bitcoin tồn tại dưới dạng ảo. DBS cho rằng không nên xem Bitcoin là "tài sản có tính an toàn."

Ngoài ra, bên cạnh đầu tư, vàng còn được sử dụng rộng rãi, bao gồm chế tác đồ dùng và trang sức có độ tinh xảo cao, đây là công dụng thương mại rất quan trọng, con người có thể xây dựng một ngôi nhà bằng vàng, nhưng không thể xây dựng một ngôi nhà bằng Bitcoin.

Có thể so sánh sự khác biệt giữa vàng và Bitcoin thông qua một số thông tin dưới đây:

Lịch sử giao dịch vàng có thể bắt nguồn từ năm 2600 trước công nguyên và từ đó đến nay, vàng là một loại hàng hóa đặc biệt có giá trị. "Đạo luật bản vị vàng" ban hành năm 1900 đã trực tiếp liên kết giá trị của tiền tệ với giá trị của vàng, những quốc gia áp dụng chế độ bản vị vàng không thể tăng cung tiền nếu không tăng dự trữ vàng.

Năm 1933, Mỹ đã từ bỏ chế độ bản vị vàng để ngăn chặn suy thoái kinh tế, hiện nay tất cả các nước đều có hệ thống tiền tệ pháp định, nghĩa là giá trị của đồng tiền tệ không liên quan đến bất kỳ tài sản đặc biệt nào.

Do việc nới lỏng định lượng không giới hạn, mức nợ tăng và tiền tệ không có sự hỗ trợ của bất cứ tài sản đặc biệt nào, nên mức độ tin cậy của tiền tệ pháp định bị hoài nghi.

Hiện nay, Chính phủ Mỹ hiện đang nắm giữ 261 triệu ounce vàng, nếu muốn thiết lập lại chế độ bản vị vàng chỉ để hỗ trợ tiền tệ và tiền gửi USD hiện nay (khoảng 2.700 tỷ USD), thì giá vàng có thể cao tới ngưỡng 10.000 USD/ounce.

Theo DBS, khi các ngân hàng trung ương chủ chốt bơm một lượng tiền lớn vào hệ thống tài chính, vàng có thể đóng vai trò chống lạm phát rất tốt. Về cơ bản, các ngân hàng trung ương cũng đang tăng cường dự trữ vàng. Điều này không chỉ để thực hiện mục đích đa dạng hóa, mà còn nhằm nâng cao mức độ tin cậy của hệ thống tiền tệ pháp định.

Mạng lưới Bitcoin được thành lập vào tháng 1/2009, và Bitcoin không phải là vật chất, số dư tài khoản được lưu giữ trên sổ cái công khai mọi người đều có thể kiểm tra.

Ngoài ra, tất cả các giao dịch Bitcoin đều cần được nghiệm chứng bởi nhiều phép tính. Bitcoin và chỉ số USD (DXY) thể hiện rõ sự tương quan, song Bitcoin không phù hợp để làm công cụ trú ẩn và phân tán rủi ro của chỉ số S&P 500. So với vàng, tính nhạy cảm của Bitcoin đối với lợi tức trái phiếu và lãi suất thực tế tương đối thấp, do đó hiệu quả trú ẩn rủi ro là không cao.

Nguyên nhân thứ ba: Không thể đánh giá quy tắc cơ bản của Bitcoin

Xuất phát từ quy mô giao dịch không ổn định và lịch sử tương đối ngắn, mối tương quan giữa Bitcoin và các chỉ số kinh tế quan trọng chưa hoàn thiện. DBS nhấn mạnh, việc theo sát giá trị cơ bản của Bitcoin là không dễ dàng, giá trị được quyết định thông qua cung cầu, nhưng hiện nay lại chỉ có nhu cầu mang tính đầu cơ. Mặc dù giá vàng cũng do cung cầu quyết định, nhưng đã thiết lập được mối quan hệ với các chỉ số tài chính chủ chốt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục