Tạo chuyển biến lớn trong hoạt động đấu thầu

Luật Đấu thầu sẽ tạo sự chuyển biến lớn trong đầu tư

Theo Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Luật Đấu thầu 2013 có hai cái lợi, đó là tính nhất quán và không có sự mâu thuẫn, chồng chéo như trước.

Luật Đấu thầu mới vừa được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2013 với mục tiêu sẽ đảm nhận vai trò là “Luật gốc” quản lý hoạt động toàn bộ hoạt động đấu thầu. Với những quy định mới, Luật đấu thầu được các chuyên gia kinh tế, các nhà tài trợ, các chủ đầu tư kỳ vọng sẽ cải thiện, góp phần tăng cường hiệu quả sử dụng vốn của Nhà nước.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã trao đổi với ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu-Bộ Kế hoạch và Đầu tư xung quanh vấn đề này.

- Xin ông cho biết một số nội dung mới về phạm vi điều chỉnh của Luật lần này?

Ông Lê Văn Tăng: Luật Đấu thầu 2013 có nhiều điểm mới, trên diện rộng và tích cực. Theo đó, phạm vi điều chỉnh của luật rộng hơn, bao trùm lên toàn bộ lĩnh vực mua sắm sử dụng vốn Nhà nước mà trước đây chúng ta chưa đề cập đến, bao gồm: Lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp đối với: Dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn Nhà nước của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập; Dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước (không phân biệt nguồn vốn).

Dự án đầu tư phát triển (không thuộc hai khoản trên) có sử dụng vốn Nhà nước, vốn của doanh nghiệp Nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án; mua sắm sử dụng vốn Nhà nước nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập...; mua sắm sử dụng vốn Nhà nước nhằm cung cấp sản phẩm dich vụ công; mua hàng dự trữ quốc gia sử dụng vốn Nhà nước; mua thuốc, vật tư y tế sử dụng vốn Nhà nước, nguồn quỹ bảo hiểm y tế…

Luật cũng quy định lựa chọn nhà thầu thực hiện cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa trên lãnh thổ Việt Nam để thực hiện dự án đầu tư nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam mà dự án đó sử dụng vốn Nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng; lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức đối tác công-tư (PPP); lựa chọn nhà thầu trong lĩnh vực dầu khí, trừ việc lực chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ liên quan trực tiếp đến hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ và khai thác đầu khí theo quy định của pháp luật về dầu khí…

- Trong suốt quá trình soạn thảo, Luật đã đạt được 10 mục tiêu cơ bản đã đặt ra. Trong đó, có mục phân cấp triệt để trong đấu thầu. Xin ông cho biết, sự phân cấp trong đấu thầu lần này khác so với trong Luật Đấu thầu năm 2005 như thế nào?

Ông Lê Văn Tăng: Trước đây, đã có phân cấp nhưng không quy định rõ ràng. Luật Đấu thầu 2013 về tổng thể vẫn triển khai phân cấp. Tuy nhiên, lần này trong Luật quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong phân cấp. Và từng chủ thể phải làm như thế nào cho rõ ràng. Tôi thấy, trước đây, phân cấp nhưng quy định trong quá trình tổ chức đấu thầu phải bí mật, khép kín cho nên khi các cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan cấp trên thấy có vấn đề thì lúc đó không can thiệp được ngay mà phải đợi cho cuộc đấu thầu xong.

Lần này, Luật mở ra những điểm mới hoàn toàn. Theo đó, trong quá trình triển khai thì cơ quan có thẩm quyền, có trách nhiệm, hoàn toàn có quyền yêu cầu báo cáo. Đối với khái niệm “bí mật’ là “bí mật” với người hoàn toàn không có liên quan. Còn trước đây, chúng ta “bí mật” tuyệt đối. Bây giờ, cơ quan có thẩm quyền có quyền yêu cầu báo cáo, kiểm tra cần thiết có thể có ý kiến để cho cuộc đấu thầu tốt hơn và hiệu quả hơn. Và đối với chủ đầu tư phải có trách nhiệm giải trình ngay khi đang đấu thầu. Đây là điểm mới trong Luật, phân cấp, bảo mật nhưng không phải khép kín hoàn toàn.

- Thưa ông, Luật Đấu thầu được ban hành lần này nhằm khắc phục như thế nào những mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật trong cùng một lĩnh vực nhằm đảm bảo tính thống nhất, minh bạch của hệ thống pháp luật?

Ông Lê Văn Tăng: Trước đây lĩnh vực đấu thầu quy định tản mạn ở rất nhiều văn bản khác nhau như Luật Đấu thầu năm 2005; một chương lựa chọn nhà thầu xây dựng trong Luật Xây dựng; Luật sửa đổi một số điều của các luật có liên quan đến xây dựng cơ bản (số 38), Nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn về mua sắm tập trung, mua sắm thường xuyên... Lần này, tất cả nội dung trên đều được quy định trong Luật Đấu thầu nhằm đảm bảo tính thống nhất, nhất quán, thuận tiện cho việc hướng dẫn, áp dụng, quản lý, thanh tra, kiểm tra.

Theo tôi, Luật Đấu thầu 2013 có hai cái lợi, đó là tính nhất quán và không có sự mâu thuẫn, chồng chéo như trước đây. Sắp tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Chính phủ ban hành hai nghị định: Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu trong lựa chọn nhà thầu và Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu trong lựa chọn nhà đầu tư, như vậy Luật sẽ nhất quán từ trên xuống dưới, tạo cho người sử dụng sau này rất dễ dàng, không có sự mâu thuẫn chồng chéo nữa

- Khi Luật Đấu thầu có hiệu lực, ông đánh giá thế nào về hiệu quả trong việc sử dụng nguồn vốn Nhà nước trong đầu tư công?

Ông Lê Văn Tăng: Luật Đấu thầu bao quát hầu hết các chi tiêu công, đương nhiên hiệu quả sẽ được tăng lên vì trước đây một số dự án phải tuân thủ Luật và một số khác thì không phải tuân thủ Luật. Có nghĩa là số gói thầu dự án tuân thủ theo Luật Đấu thầu sẽ tăng lên gấp đôi, gấp ba thì, chi tiêu công của quốc gia sẽ có hiệu quả hơn.

Để làm được việc này, trong Luật Đấu thầu đã đưa ra hàng loạt các giải pháp khác, ví dụ cho phép áp dụng phương thức đấu thầu. một giai đoạn hai túi hồ sơ đối với gói thầu xây lắp, mua sắm hàng hóa, hỗn hợp , nghĩa là túi hồ sơ đề xuất về kỹ thuật sẽ được đánh giá trước và nhà thầu nào đáp ứng về kinh nghiệm kỹ thuật thì mới được bóc túi hồ sơ về tài chính ra để cùng so sánh.

Như vậy, chúng ta sẽ loại ra được nhà thầu yếu, năng lực kém. Trước đây, chúng ta mở đồng thời túi về tài chính và túi về kỹ thuật. Do vậy, trong một số trường hợp thì nhà thầu yếu nhưng họ chào với giá thấp thì tổ chuyên gia lúng túng trong việc đánh giá. Còn lần này, không bóc túi tài chính nên không bị tác động, ảnh hưởng của việc giá thấp, tổ chuyên gia sẽ đánh giá một cách khách quan.

- Xin ông cho biết, việc tiết kiệm và sẽ làm lợi cho Nhà nước bao nhiêu tỷ đồng khi Luật đi vào cuộc sống?

Ông Lê Văn Tăng: Theo tôi chắc chắn sẽ tiết kiệm nhiều hơn vì việc chỉ định thầu theo Luật 2013 hạn chế hơn so với trước đây, số lượng gói thầu tham gia đấu thầu thầu sẽ tăng lên chắc chắn có sự tiết kiệm cho Nhà nước, còn bao nhiêu phần trăm thực tiễn sẽ trả lời.

Xin chân thành cảm ơn ông!

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục