Lufthansa hoạt động có lãi trở lại sau hai năm thua lỗ liên tiếp

Lufthansa báo cáo lợi nhuận ròng đạt 791 triệu euro (839 triệu USD) cho năm ngoái; con số này khởi sắc đáng kể so với khoản lỗ ròng 2,2 tỷ euro vào năm 2021 và 6,7 tỷ euro vào năm 2020.
Lufthansa hoạt động có lãi trở lại sau hai năm thua lỗ liên tiếp ảnh 1Máy bay của hãng hàng không Lufthansa tại sân bay Berlin Brandenburg, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tập đoàn hàng không khổng lồ của Đức Lufthansa hôm 3/3 cho biết họ đã hoạt động có lãi trở lại vào năm 2022 sau hai năm thua lỗ liên tiếp, nhờ nhu cầu phục hồi khi các nền kinh tế mở cửa trở lại khi đại dịch COVID-19 dần được kiểm soát.

Tập đoàn đã báo cáo lợi nhuận ròng đạt 791 triệu euro (839 triệu USD) cho năm ngoái. Con số này khởi sắc đáng kể so với khoản lỗ ròng 2,2 tỷ euro vào năm 2021 và 6,7 tỷ euro vào năm 2020.

Lufthansa cũng báo cáo lợi nhuận hoạt động đã qua điều chỉnh đạt 1,5 tỷ euro, phù hợp với kỳ vọng của thị trường.

Báo cáo từ Lufthansa cho biết đã có 102 triệu lượt hành khách bay với các hãng hàng không thuộc sở hữu của tập đoàn vào năm 2022 - nhiều hơn gấp đôi so với năm 2021. Dự kiến nhu cầu đối với các chuyến bay sẽ vẫn tăng mạnh vào năm 2023, đặc biệt là vào dịp lễ Phục sinh và kỳ nghỉ Hè.

Tuy nhiên, tập đoàn lưu ý rằng có "sự quá tải về ngắn hạn của toàn bộ hệ thống" trong mùa Hè này, dẫn đến việc Lufthansa cùng các hãng hàng không khác phải hủy các chuyến bay.

[Tập đoàn hàng không Lufthansa tăng lương cho phi hành đoàn tại Đức]

Ngoài ra, khả năng tăng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu hành khách bay cũng sẽ bị hạn chế bởi "các nút cổ chai vẫn còn tồn tại trong hệ thống hàng không châu Âu."

Vào tháng 11/2022, Lufthansa đã phát động chiến dịch tuyển dụng 20.000 nhân viên ở Đức, Thụy Sỹ, Áo và Bỉ cho các vị trí khác nhau, từ phi công, tiếp viên hàng không đến kỹ thuật viên và chuyên gia công nghệ thông tin.

Dù vậy, họ vẫn đối mặt rủi ro về các cuộc đình công của nhân viên. Tháng trước, công nhân tại 8 sân bay của Đức đã đình công đòi được trả lương cao hơn khi lạm phát gia tăng, làm giảm thu nhập của người lao động. Điều đó khiến Lufthansa phải cắt bỏ hơn 1.300 chuyến bay chỉ riêng tại các trung tâm bận rộn nhất của họ, gồm Frankfurt và Munich.

Các phi công của Lufthansa đã đồng ý đình chỉ các cuộc đình công cho đến cuối tháng Sáu theo thỏa thuận trả lương đạt được vào năm ngoái, nhưng họ vẫn có thể tiến hành bãi công trong kỳ nghỉ Hè quan trọng.

Ngoài ra, cũng tồn tại nguy cơ nhân viên mặt đất của các sân bay có thể ra đi một lần nữa nếu nhu cầu của họ không được đáp ứng.

Khi đại dịch COVID-19 khiến hoạt động du lịch hàng không toàn cầu bị đình trệ, Lufthansa đã chịu tổn thất lớn và phải nhờ Chính phủ Đức cứu trợ vào năm 2020.

Nhưng khi các nước triển khai tiêm chủng và chuyển sang sống chung với virus, hãng hàng không thuộc top đầu châu Âu đã được hưởng lợi từ nhu cầu bị dồn nén và phục hồi nhanh hơn dự kiến.

Đến tháng 9/2022, Chính phủ Đức đã bán số cổ phần còn lại do họ nắm giữ tại Lufthansa, đưa tập đoàn hàng không này trở lại quyền kiểm soát hoàn toàn của các nhà đầu tư tư nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục