Lý do siêu dự án tàu đệm từ trường Nhật Bản-Mỹ "đắp chiếu" sau 10 năm

Đến nay vẫn còn rất nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ về dự án như liên quan đến chi phí xây dựng, hay liệu các phương tiện đệm từ của Nhật Bản có đáp ứng được các quy định an toàn của Mỹ hay không.

Một dự án tàu đệm từ trường do Nhật Bản đứng đầu dự kiến triển khai ở bờ biển phía Đông nước Mỹ vẫn chưa đạt được tiến bộ nào sau 10 năm kể từ khi lãnh đạo hai nước thảo luận về dự án này trong khi ngày càng nhiều thách thức phát sinh liên quan chi phí xây dựng và thủ tục pháp lý.

Tại một sự kiện diễn ra tháng trước ở Manhattan, New York, Công ty Đường sắt miền Trung Nhật Bản (JR Central), đi đầu trong ngành phát triển tàu đệm từ siêu dẫn, cho biết sẵn sàng hỗ trợ xây dựng một hệ thống giao thông kết nối giữa thủ đô Washington và thành phố New York, với thời gian di chuyển chỉ mất 1 giờ đồng hồ, tức là bằng 1/3 thời gian di chuyển hiện tại bằng tàu tốc hành Acela của Amtrak hiện nay.

Chủ tịch JR Central, ông Koei Tsuge, cho biết sau khi hoàn thành, dự án mang tên “Hành lang Đông Bắc” còn có 2 điểm dừng tại thành phố Philadelphia và Baltimore, hình thành một “siêu khu vực” được kỳ vọng mang lại hiệu ứng kinh tế rộng lớn và tác động tích cực tới cuộc sống của người dân. Có khoảng 17% dân số Mỹ đang sinh sống tại các khu vực mà dự án “Hành lang Đông Bắc” chạy qua, với tổng sản phẩm địa phương hằng năm khoảng 3.900 tỷ USD, gần tương đương với GDP thực hằng năm của Nhật Bản.

Ông Tsuge cũng cho biết JR Central đã đề nghị cung cấp miễn phí công nghệ tàu đệm từ siêu dẫn, cho phép tàu chạy với tốc độ 500km/h.

Cũng phát biểu tại sự kiện, Giám đốc điều hành của công ty Northeast Maglev, ông Wayne Rogers, nhận định việc bổ sung hệ thống tàu cao tốc mới phục vụ khu vực này sẽ giúp giảm áp lực cho Amtrak, tránh quá tải vào giờ cao điểm đồng thời giúp công ty này tập trung đầu tư cho việc nâng cấp các tuyến đường cũng như cơ sở vật chất đã cũ kỹ.

[Trung Quốc ra mắt tàu đệm từ trường siêu tốc đầu tiên trên thế giớ]

Trước đó, năm 2013, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Shinzo Abe đã thảo luận với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama về tính khả thi của một dự án tàu đệm từ tại Mỹ. Dự án tiếp tục được ông Abe trao đổi với cựu Tổng thống Donald Trump trong một cuộc hội đàm diễn ra vào năm 2017. Dù vậy, đến nay vẫn còn rất nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ, liên quan đến chi phí xây dựng, hay liệu các phương tiện đệm từ của Nhật Bản có đáp ứng được các quy định an toàn của Mỹ hay không.

Một quan chức của JR Central thừa nhận dự án này như một "giấc mơ viển vông" nếu không có tiến triển đáng chú ý nào. Theo thông tin sơ bộ, khoản đầu tư ban đầu vào việc xây dựng đường ray, nhà ga và các cơ sở khác đã ước tính lên tới 15 tỷ USD. Tổng chi phí xây dựng, bao gồm cả sản xuất tàu hỏa, chắc chắn sẽ ở mức cao hơn rất nhiều. Khoảng 70% tuyến đường ray sẽ nằm trong các đường hầm dưới lòng đất.

Công ty Northeast Maglev đặt mục tiêu hoàn thành đoạn đầu tiên dài 65km vào năm 2035, kết nối giữa thủ đô Washington và thành phố Baltimore. Cựu Thống đốc bang New York đồng thời là thành viên ban cố vấn của Northeast Maglev, ông George Pataki, đã mô tả dự án là "khả thi" và "thiết thực."

Trong khi đó, một nhà tài chính nhận định sẽ không dễ dàng để thu hút các nhà đầu tư, do các công ty tư nhân ở Mỹ cho rằng ngành đường sắt vận tải hành khách không sinh lãi. Bên cạnh đó, những toa tàu thử nghiệm của JR Central không đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn do các cơ quan quản lý Mỹ đề ra. Theo đó, nếu muốn đưa công nghệ tàu đệm từ trường vào Mỹ điều đầu tiên là phải nới lỏng quy định an toàn.

Chính phủ Nhật Bản đã cấp ngân sách tổng cộng 1,4 tỷ yen cho nghiên cứu về tính khả thi của dự án tàu đệm từ trường “Hành lang Đông Bắc." Quá trình soạn thảo Tuyên bố Tác động Môi trường của Mỹ cho dự án này đã bắt đầu được triển khai vào tháng 8/2016. Tuy ước tính thời gian xây dựng lên tới 10 năm chỉ riêng đoạn kết nối Washington và Baltimore nhưng chính Northeast Maglev cũng chưa thể dự báo về khung thời gian hoàn thiện dự án trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục