Mali: Chính quyền quân sự thành lập cơ quan soạn thảo hiến pháp mới

Trước đó, hôm 6/6, người đứng đầu chính quyền quân sự Mali - Đại tá Assimi Goïta đã ký một sắc lệnh về việc quân đội sẽ nắm quyền điều hành đất nước đến tháng 3/2024, khi các cuộc bầu cử được tổ chức.
Mali: Chính quyền quân sự thành lập cơ quan soạn thảo hiến pháp mới ảnh 1Người đứng đầu chính quyền quân sự Mali - Đại tá Assimi Goïta - tại một sự kiện ở Kati, ngày 20/1/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính quyền quân sự tại Mali thông báo thành lập một cơ quan nhằm soạn thảo một bản hiến pháp mới sau khi kết thúc giai đoạn nắm quyền lâm thời của quân đội vào năm 2024.

Thông báo được đưa ra cuối ngày 10/6 trong một sắc lệnh tổng thống, theo đó ủy ban soạn thảo hiến pháp sẽ có hai tháng để hoàn tất công việc này.

Sắc lệnh nêu rõ cơ quan trên sẽ gồm một chủ tịch, hai người báo cáo viên và các chuyên gia và sẽ tham vấn các đảng phái chính trị, các nhóm xã hội dân sự, các nhóm vũ trang đã ký thỏa thuận hòa bình với chính phủ, các lãnh đạo tôn giáo và các nghiệp đoàn thương mại.

Ngày 6/6, người đứng đầu chính quyền quân sự Mali - Đại tá Assimi Goïta đã ký một sắc lệnh về việc quân đội sẽ nắm quyền điều hành đất nước đến tháng 3/2024, khi các cuộc bầu cử được tổ chức. Động thái này đi ngược lại các yêu cầu của Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) về việc giảm thời gian chuyển tiếp.

[Chính quyền quân sự Mali rút ngắn thời gian chuyển tiếp dân sự]

ECOWAS hiện đang áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại và tài chính nghiêm khắc đối với Mali nhằm buộc chính quyền quân sự phải đưa ra một lịch trình "có thể chấp nhận được" để khôi phục chế độ dân sự sau cuộc đảo chính.

Theo kế hoạch, ECOWAS sẽ tiến hành hội nghị thượng đỉnh tiếp theo về vấn đề Mali vào ngày 3/7 tới.

Mali đã chìm sâu trong khủng hoảng an ninh, chính trị và nhân đạo kể từ năm 2012. Hai cuộc đảo chính quân sự đã xảy ra tại nước này trong vòng chưa đầy một năm (tháng 8/2020 và tháng 5/2021).

Đầu năm nay, cơ quan lập pháp Mali do quân đội kiểm soát đã thông qua kế hoạch cho phép chính quyền quân sự nắm quyền lãnh đạo trong tối đa 5 năm. Trong khi đó, ECOWAS chỉ đồng ý thời hạn tối đa của quá trình chuyển đổi dân sự tại Mali là 16 tháng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục