Mối nguy từ cách tiếp cận của Mỹ với Iran, sẽ xảy ra một cuộc đối đầu?

Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như vẫn hài lòng khi áp dụng kết hợp các lệnh trừng phạt và lời nói để gây áp lực với Tehran xung quanh thỏa thuận hạt nhân.
Mối nguy từ cách tiếp cận của Mỹ với Iran, sẽ xảy ra một cuộc đối đầu? ảnh 1Tổng thống Iran Hassan Rouhani (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng aspistrategist.org.au đưa tin sự leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran những tuần vừa qua đã thay đổi đáng kể động cơ của cách tiếp cận của Washington với Tehran, khiến khả năng xảy ra đối đầu giữa hai quốc gia này càng gia tăng.

Cho đến gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như vẫn hài lòng khi áp dụng kết hợp các lệnh trừng phạt và lời nói để gây áp lực với Tehran xung quanh thỏa thuận hạt nhân và vai trò của Iran trong các cuộc xung đột trên khắp Trung Đông, một chiến lược được cho là nhắm vào một sự thay đổi chế độ ở Tehran.

Tuy nhiên, lập trường của Washington đã thay đổi từ đầu tháng Năm này, khi Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton ra một tuyên bố cho biết Mỹ đã triển khai đội tàu tác chiến sân bay USS Abraham Lincoln và một biệt đội máy bay ném bom đến Vịnh Persian nhằm đối phó với “một loạt dấu hiệu leo thang, bất ổn và những cảnh báo.”

[Tàu chiến Mỹ ở vùng Vịnh nằm trong tầm bắn của tên lửa Iran]

Động thái này nhằm mục đích gửi đến Iran một thông điệp rằng “bất kỳ hành động tấn công nào nhằm vào các lợi ích của Mỹ hay của các đồng minh của Mỹ đều sẽ phải hứng chịu sức mạnh không khoan nhượng."

Tuy nhiên, những dấu hiệu và sự cảnh báo này chính xác là gì thì Washington vẫn không nói rõ.

Sau tuyên bố của ông Bolton, các quan chức quân đội Mỹ nhấn mạnh rằng: “Giới phân tích quân sự chưa phát hiện ra bất cứ mối đe dọa rõ ràng, mới hay sắp xảy ra nào từ Iran hoặc các lực lượng được Iran hậu thuẫn chống lại các lực lượng Mỹ ở Iraq hay trong khu vực."

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ đang nghiên cứu bước tiếp theo trong chiến lược với Iran chứ không phải là đáp trả các mối đe dọa mới.

Giữa tháng Năm, ông Pompeo cũng thảo luận với các đồng nghiệp ở châu Âu về vấn đề Iran và vạch ra hàng loạt âm mưu của Iran.

Tuy nhiên, những người đối thoại với Pompeo ở châu Âu có vẻ không mấy đồng tình với những phân tích của ông về Iran.

Một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên được dẫn lời cho biết cuộc gặp này “không thể xác định được rõ lý do và mục đích của việc Washington gây áp lực cực đại lên Iran."

Ngày 21/5, Nhà Trắng cũng thảo luận với các thành viên lưỡng viện quốc hội về tình hình Iran nhưng vẫn không thể thuyết phục họ về mối đe dọa từ Iran.

Các nghị sỹ đảng Dân chủ cho biết không có thông tin mới nào cho thấy mối đe dọa từ Iran đã gia tăng, đồng thời chỉ trích Nhà trắng đã quá sốt sắng trong việc tấn công Iran.

Tuy nhiên, vụ phá hoại bốn xe tăng chở dầu hôm cuối tuần 11/5 đã khiến căng thẳng tại vùng Vịnh càng dâng cao, mặc dù trách nhiệm chưa chắc đã thuộc về Iran.

Tương tự, việc Iran triển khai các tên lửa vào các xuồng máy của quân đội hôm 16/5 cũng khiến tình hình ở vùng Vịnh thêm bất ổn, và cuộc khẩu chiến giữa Washington và Tehran ngày càng trở thành những lời đe dọa tấn công quân sự lẫn nhau.

Nhà Trắng dường như vẫn quyết tâm khiến cho tình hình vốn đã sục sôi lại càng thêm trầm trọng khi lợi dụng những sự cố này để củng cố giọng điệu của mình về mối đe dọa an ninh mà Iran đặt ra.

Chẳng hạn, ông Trump đã đáp trả vụ tấn công tên lửa vào Vùng Xanh ở Baghdad hôm 19/5 bằng dòng Tweet “nếu Iran muốn chiến đấu, thì đó sẽ đồng nghĩa với sự kết thúc chính thức của Iran. Đừng bao giờ đe dọa nước Mỹ  thêm một lần nào nữa.”

Tuyên bố này của ông Trump được đưa ra dù chưa có bằng chứng xác thực nào cho thấy Iran hay lực lượng ủy nhiệm của Iran đứng sau vụ tấn công này. Washington còn bị cáo buộc đã thổi phồng mối đe dọa mà Iran đặt ra với các tàu quân sự và thương mại Mỹ khi triển khai tàu cao tốc.

Rõ ràng là những lời khẳng định của Washington rằng họ không muốn chiến tranh với Iran đang đi ngược lại những hành động thực tế của họ ở Trung Đông.

Và, một điểm đáng lo ngại khác, là sự thiếu vắng một kênh ngoại giao để đối thoại giữa Tehran và Washington có khả năng xoa dịu căng thẳng.

Cách tiếp cận của ông Trump với Iran là điển hình cho sự “áp bức và không ngoại giao,” cho thấy ông không thực sự quan tâm đến việc đàm phán một thỏa thuận hạt nhân tốt hơn với Iran mà đang tìm kiếm một sự “đầu hàng hay rút lui” của chế độ Iran.

Với tuyên bố rõ ràng của Washington rằng Iran sẽ phải chịu trách nhiệm với bất cứ vụ tấn công nào từ họ hay các lực lượng ủy nhiệm của họ, Mỹ cũng đã vô tình tạo ra một bối cảnh mà ở đó một nhân tố thứ ba - chẳng hạn như nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng - có thể lao vào cuộc xung đột trực tiếp giữa hai quốc gia.

IS vẫn đang là một mối đe dọa an ninh tiềm tàng trên khắp khu vực và sẽ là bên hưởng lợi đầu tiên nếu có bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào xảy ra giữa Iran và Mỹ.

Có thể suy đoán rằng IS sẽ tiến hành một chiến dịch “cờ giả” chống các lực lượng Mỹ, hay thậm chí các tuyến đường vận chuyển ở vùng Vịnh, nhằm kích động Mỹ đáp trả Iran.

Bằng biện pháp leo thang trừng phạt, gia tăng những lời lẽ thù địch và mới đây là triển khai thêm các năng lực chiến đấu đến Vịnh Persian, Washington đã thành công trong việc đẩy Tehran vào ngõ cụt.

Nhà Trắng có thể chưa cho thấy rõ ý đồ cuối cùng của mình, song có vẻ như họ đã quyết tâm sử dụng mọi biện pháp có thể để kích động một sự đáp trả từ Tehran.

Ông Bolton - có vẻ là người sắp đặt đường lối hiện nay của Washington với Tehran – cũng hạ thấp giá trị của ngoại giao trong việc giải quyết vấn đề về tham vọng hạt nhân của Iran, và thể hiện sự ưu tiên rõ ràng đối với việc sử dụng vũ lực nhằm thay đổi chế độ Tehran, qua đó giải quyết vấn đề hạt nhân Iran.

Mối nguy từ cách tiếp cận của Mỹ với Iran, sẽ xảy ra một cuộc đối đầu? ảnh 2Tàu sân bay USS Abraham Lincoln di chuyển qua kênh đào Suez, gần thành phố Ismailia, phía Đông Cairo của Ai Cập ngày 9/5/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ông còn được cho là đã ủng hộ cuộc xâm lược Iraq 2003 khi tuyên bố rằng “mối lo của chúng tôi không phải là sự đe dọa mà Saddam có thể mang tới, mà là sự tồn tại của chế độ ông ta.”

Sự thừa nhận nói trên vào lúc này rất có ý nghĩa khi đem so sánh chính sách Iraq của Washington giai đoạn năm 2003 với tình hình hiện nay của Iran.

Sự thay đổi chế độ tại Tehran rõ ràng là mục tiêu then chốt của Washington. Tuy nhiên, cũng chính ở điểm này mà mọi so sánh giữa Iraq và Iran đều phải chấm dứt.

Khả năng theo đuổi chiến tranh với Iran hiện khó hơn nhiều so với việc họ xâm lược Iraq và họ cũng không thể giới hạn lãnh thổ của Iran. Iran sở hữu kho vũ khí tiềm lực nhất Trung Đông và họ cũng có khả năng vận động các lực lượng ủy nhiệm khắp Iraq, Syria và Liban.

Các nước khác, bao gồm Iraq, Saudi Arabia, Israel, Syria và thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ, cũng có thể bị cuốn vào cuộc xung đột, từ đó thổi bùng lên một cuộc xung đột diện rộng có thể nhấn chìm khu vực Trung Đông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục