Diễn ra từ ngày 4-6/9 tại Bắc Kinh với sự tham dự của lãnh đạo Trung Quốc và hơn 50 nhà lãnh đạo các nước châu Phi cùng Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC) 2024 là sự kiện ngoại giao lớn nhất do Trung Quốc tổ chức trong nhiều năm.
Tại hội nghị năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng trong 3 năm tới, nước này cam kết tài trợ 50 tỷ USD cho châu Phi, tạo ra 1 triệu việc làm tại lục địa này và cùng châu Phi triển khai 10 hành động đối tác lớn thúc đẩy hiện đại hóa.
Điều này cho thấy Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi, đã đưa ra cam kết và các kế hoạch cụ thể để giúp châu Phi đạt được những tiến bộ thực sự.
Hai bên đã thảo luận về các chính sách và thỏa thuận hợp tác, được đánh giá là sẽ định hình mối quan hệ song phương đang trên đà phát triển những năm tới.
Hai bên cũng xác định được định vị mới của mối quan hệ, cùng nhau vạch ra kế hoạch mới phát triển quan hệ giữa hai bên, cùng chung tay thúc đẩy hiện đại hóa, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai.
FOCAC được thành lập tại Bắc Kinh vào tháng 10/2000, đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong quan hệ chiến lược của Trung Quốc với châu Phi.
Giới chuyên gia, phân tích cho rằng FOCAC đã trở thành nền tảng của sự hợp tác lâu dài giữa cường quốc thế giới này với "Lục địa Đen."
Sự ra đời của diễn đàn đã mở ra một kỷ nguyên năng động, với các dự án cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, trao đổi quản trị và hỗ trợ tài chính quan trọng.
Hội nghị thượng đỉnh là cơ hội quan trọng để giải quyết những thách thức lớn, đặc biệt là khoảng cách tài trợ cơ sở hạ tầng của lục địa này, mà Ngân hàng Phát triển châu Phi ước tính dao động từ 130-170 tỷ USD mỗi năm.
Hợp tác Trung Quốc-châu Phi không ngừng sâu sắc, quy mô thương mại hai chiều đã thể hiện đà tăng trưởng nhanh chóng trong hơn 20 năm qua.
Theo số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố, từ năm 2000-2023, quy mô thương mại Trung Quốc-châu Phi đã tăng từ dưới 100 tỷ nhân dân tệ (khoảng 14 tỷ USD) lên 1.980 tỷ nhân dân tệ, tăng trung bình 17,2% mỗi năm, vượt xa tốc độ tăng trung bình hằng năm 4,6% của thương mại hàng hóa Trung Quốc trong cùng kỳ.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại cũng được phản ánh trong chỉ số thương mại song phương. Năm 2023, chỉ số này lần đầu tiên vượt 1.000 điểm (đạt 1.010,83), tăng 20,28 điểm so với năm 2022.
Tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc sang châu Phi đạt 1.190 tỷ nhân dân tệ trong 7 tháng đầu năm nay, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt mức cao kỷ lục trong cùng kỳ. Xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc với châu Phi lần lượt là 697,93 tỷ nhân dân tệ và 490,89 tỷ nhân dân tệ.
Hợp tác Trung Quốc-châu Phi đi vào chiều sâu thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa hai bên trong các lĩnh vực nông nghiệp, cơ sở hạ tầng... Nhập khẩu nông sản của Trung Quốc từ châu Phi tăng 7,2% trong 7 tháng đầu năm nay, trong đó nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp đặc sản châu Phi như vừng, quả macca tăng mạnh, cho thấy triển vọng hợp tác tốt đẹp giữa hai bên trong lĩnh vực nông nghiệp.
Biến đổi Khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường là những vấn đề cấp bách mà cộng đồng quốc tế phải đối mặt và ảnh hưởng đến tương lai của nhân loại. Do đó, tăng cường hợp tác phát triển bền vững, xanh cũng là một trong những trọng tâm hợp tác giữa Trung Quốc và châu Phi thời gian tới.
Trung Quốc, quốc gia đang phát triển lớn nhất thế giới, và châu Phi, lục địa tập trung nhiều nhất các nước đang phát triển, phải đối mặt với những thách thức kép về bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế-xã hội.
Hai bên cần thúc đẩy đối thoại về chính sách môi trường và khí hậu, chia sẻ các thực tiễn tốt nhất trong các lĩnh vực như ứng phó với Biến đổi Khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý ô nhiễm môi trường, thúc đẩy hợp tác và trao đổi về các tiêu chuẩn và công nghệ.
Hợp tác Trung Quốc-châu Phi không chỉ giới hạn trong những lĩnh vực trên, mà còn mở rộng sang chính trị và xã hội. Trung Quốc đã thiết lập quan hệ hợp tác với hơn 120 đảng phái chính trị ở hơn 50 quốc gia châu Phi, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của quan hệ song phương.
Theo chuyên gia Dylan Loh - nhà nghiên cứu làm việc tại Chương trình Các vấn đề toàn cầu và Chính sách Công tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, Trung Quốc rất coi trọng châu Phi vì lý do kinh tế, ngoại giao và chính trị.
Về kinh tế, châu Phi giàu tài nguyên thiên nhiên đã trở thành nguồn cung cấp nguyên liệu quan trọng và thị trường xuất khẩu hàng hóa, thị trường tiêu thụ chính cho nền kinh tế đang phát triển của Trung Quốc. Đây cũng là điểm đến chủ yếu cho đầu tư nước ngoài của Trung Quốc.
Trong khi đó, Giáo sư Thời Ân Hoằng tại Học viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc phân tích rằng trong bối cảnh quan hệ với phương Tây có phần xấu đi, việc giao lưu với châu Phi trở nên quan trọng hơn đối với Trung Quốc. Không chỉ giúp Trung Quốc gia tăng tầm ảnh hưởng tại châu Phi, quan hệ tốt đẹp với các nước khu vực cũng khiến Bắc Kinh có được sự ủng hộ to lớn trên trường quốc tế.
Trong khi đó, các quốc gia châu Phi mong muốn thúc đẩy các công ty Trung Quốc tinh chế nguồn nguyên liệu thô. Những dự án theo hướng đó được cho là có thể mang lại nhiều doanh thu hơn cho các quốc gia châu Phi, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn cho lao động trẻ.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi. Khoảng 1/4 lượng hàng xuất khẩu của châu Phi - chủ yếu là khoáng sản, nhiên liệu và kim loại, là sang Trung Quốc và khoảng 16% lượng hàng nhập khẩu vào "Lục địa Đen" đến từ quốc gia này.
Ngoài ra, cuộc khảo sát của tổ chức tư vấn Ichikowitz Family ở Johannesburg (Nam Phi) cho thấy Trung Quốc vẫn là lực lượng nước ngoài chính có tác động tích cực nhất đến giới trẻ ở châu Phi.
Theo Bloomberg, trong 10 năm qua, Trung Quốc đã cung cấp khoản vay hơn 120 tỷ USD hỗ trợ cho châu Phi để xây dựng cơ sở hạ tầng như nhà máy thủy điện, đường bộ và đường sắt, đồng thời xuất khẩu năng suất dư thừa sang châu Phi.
Nhìn từ góc độ của Trung Quốc, khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi thể hiện cam kết của Bắc Kinh thúc đẩy phát triển bền vững châu Phi thông qua phương thức thiết thực, chú trọng thành quả. Mối quan hệ này phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh chuyển đổi mạnh mẽ đã diễn ra ở Trung Quốc trong 7 thập kỷ qua.
Cách tiếp cận này không chỉ nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc với tư cách là một bên có vị trí quan trọng trong sự phát triển toàn cầu mà còn là tiềm năng tăng cường hợp tác và cùng tiến bộ trong những năm tới.
Nhìn về tương lai, triển vọng hợp tác Trung Quốc-châu Phi rộng lớn. Đặc biệt, hợp tác trong các lĩnh vực mới nổi như kinh tế kỹ thuật số, phát triển xanh và sáng tạo khoa học-kỹ thuật, sẽ tiếp thêm động lực mới cho quan hệ song phương, tạo nền tảng vững chắc cho hai bên cùng phát triển. Giá trị kinh tế của lục địa này đối với Trung Quốc là không thể phủ nhận, nhưng ý nghĩa địa chính trị còn lớn hơn nhiều. Khi Bắc Kinh tăng cường quan hệ kinh tế với châu Phi, đồng thời giành được sự ủng hộ quan trọng tại các diễn đàn quốc tế, Trung Quốc có thể tăng cường ảnh hưởng đối với ngoại giao và an ninh toàn cầu.
Có thể nói, Hội nghị thượng đỉnh FOCAC 2024 mang lại cơ hội mới cho hợp tác Trung Quốc-châu Phi, tiếp tục thúc đẩy sâu sắc và phát triển thương mại Trung Quốc-châu Phi, cũng đáp ứng nhu cầu và lợi ích của hai bên./.
Chủ tịch Trung Quốc đánh giá cao mối quan hệ với châu Phi
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp các nhà lãnh đạo châu Phi đến dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi - sự kiện ngoại giao lớn nhất do Trung Quốc tổ chức trong nhiều năm.