Mục tiêu của Trung Quốc đằng sau kế hoạch tiền kỹ thuật số

Kế hoạch kỹ thuật số của Trung Quốc gắn liền với những tham vọng rộng lớn hơn cho đồng tiền của nước này bởi Bắc Kinh hy vọng sẽ giúp thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và làm suy yếu đồng USD.
(Nguồn: fpri.org)
(Nguồn: fpri.org)

Theo Financial Times, các hoạt động chào mừng Năm Mới Tân Sửu, bắt đầu từ ngày 12/2, tại Trung Quốc đã phần nào bị lu mờ bởi đại dịch COVID-19. Lượng người đi lại thăm họ hàng năm nay giảm mạnh, làm mất đi niềm vui của các buổi tụ họp gia đình.

Nhưng không phải mọi thứ đều ảm đạm. Các nhà chức trách ở một số thành phố đã phát hàng chục triệu nhân dân tệ dưới dạng “bao lì xì” Năm mới mà bao lì xì này có thể tải xuống điện thoại thông minh.

Riêng Bắc Kinh và Tô Châu đã phát ra 200.000 bao lì xì, mỗi bao trị giá 200 nhân dân tệ (31 USD), trong một buổi phân phát công khai.

Hoạt động từ thiện như vậy che giấu một chương trình nghị sự khó khăn hơn. Bằng cách phân phát các bao lì xì truyền thống dưới dạng “đồng nhân dân tệ kỹ thuật số,” các nhà chức trách của Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm một công nghệ quan trọng mới có thể dẫn đến việc thế giới chấp nhận các đồng tiền kỹ thuật số và thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật toàn cầu.

Mặc dù không tuyên bố ngày chính thức phát hành, nhưng Trung Quốc dường như đang kỳ vọng trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên giới thiệu đồng tiền kỹ thuật số, thể hiện với thế giới vị thế là nhà lãnh đạo toàn cầu về công nghệ thanh toán tại Thế vận hội mùa Đông 2022.

Một người giấu tên, đứng đầu bộ phận châu Á của một ngân hàng hàng đầu Phố Wall, cho biết: “Cho đến nay, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc là những người tiến bộ nhất trong suy nghĩ về tiền kỹ thuật số. Họ đang nghĩ về những điều mà phần còn lại của thế giới chưa bao giờ nghĩ đến.” Người này nói thêm rằng “đồng nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ đưa mọi giao dịch vào tầm ngắm của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương).”

Kế hoạch kỹ thuật số của Trung Quốc gắn liền với những tham vọng rộng lớn hơn cho đồng tiền của nước này bởi Bắc Kinh hy vọng công nghệ này sẽ giúp thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và làm suy yếu vị thế thống trị của đồng USD.

Mặc dù các lãnh đạo ngân hàng nói rằng trọng tâm ban đầu sẽ là việc sử dụng tiền kỹ thuật số trong nền kinh tế nội địa, nhưng nhiều nhà nghiên cứu về Trung Quốc cho rằng, trong một vài năm nữa, đồng tiền kỹ thuật số này sẽ chắc chắn được sử dụng để thanh toán thương mại.

Tuy nhiên, các mục tiêu khác đằng sau đồng tiền ảo của Trung Quốc thể hiện một sự đối lập sâu sắc với các thảo luận công khai về vấn đề này ở nhiều nơi khác trên thế giới.

Tại Trung Quốc, dự án tiền kỹ thuật số gắn với nỗ lực của chính phủ nhằm duy trì quyền kiểm soát đối với xã hội và nền kinh tế. Công nghệ này được cho là thiết kế nhằm góp phần củng cố giám sát nhà nước.

Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc là “đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương,” làm cho đồng tiền này ở góc độ nào đó đối lập với các loại tiền điện tử, chẳng hạn như Bitcoin.

Các đồng tiền điện tử thường được phân cấp, phi tập trung hóa. Chúng không được phát hành hay bảo lãnh bởi các chính phủ.

Ngược lại, “đồng nhân dân tệ điện tử” là một phần trong kế hoạch của Trung Quốc do đồng tiền này được phát hành và quản lý bởi ngân hàng trung ương và vị thế đồng tiền pháp định của nó được nhà nước Trung Quốc đảm bảo.

Định dạng kỹ thuật số của đồng nhân dân tệ cho phép ngân hàng trung ương Trung Quốc theo dõi tất cả các giao dịch ở cấp độ riêng rẽ theo thời gian thực. Bắc Kinh chủ ý sử dụng tính năng này để đấu tranh chống rửa tiền, tham nhũng và tài trợ cho “khủng bố” trong nước bằng cách tăng cường quyền giám sát.

Các nhà phân tích cho biết, Bắc Kinh cũng hy vọng sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số như một phương tiện để khẳng định lại quyền kiểm soát nhà nước đối với ngành công nghệ tài chính và thị trường thanh toán điện tử rộng lớn do hai công ty tư nhân khổng lồ Ant Group và Tencent thống trị.

Trên thực tế, công nghệ này có thể trở thành đối thủ của nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt của các doanh nghiệp trên.

Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một nỗ lực đa chiều nhằm kiềm chế quyền lực của các công ty thanh toán mới này, dẫn đến việc Ant Group hủy bỏ kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá ước tính là 37 tỷ USD vào cuối năm 2020.

Nắm quyền kiểm soát công nghệ tài chính

Các quan chức cho biết, chiến lược của Trung Quốc nhằm phổ biến đồng tiền kỹ thuật số bằng cách thử nghiệm ở cấp thành phố trong năm nay và năm sau, chuẩn bị sẵn sàng để sử dụng đồng tiền này vào thời điểm tổ chức Thế vận hội Olympic mùa Đông vào cuối năm 2022.

Thời gian biểu này đưa Bắc Kinh vượt xa hàng loạt chính phủ các nước đang bắt đầu thử nghiệm ý tưởng này.

Khoảng 60% trong số hơn 60 ngân hàng trung ương được Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) khảo sát vào năm ngoái cho biết, họ đang “thực hiện các thử nghiệm hoặc nghiên cứu khái niệm khả thi” về tiền kỹ thuật số, tăng từ mức 42% năm 2019. Trong số này, khảo sát cho thấy 14% đang hướng tới các chương trình thử nghiệm.

Ở Trung Quốc, cũng như các nơi khác, những chia rẽ trong việc chấp nhận đồng tiền kỹ thuật số là rất lớn.

Không chỉ là việc đồng nhân dân tệ kỹ thuật số thay thế tiền mặt, mà điều này cũng báo trước việc phát triển một hệ thống thanh toán mới đe dọa đến vị thế thị trường của Alipay và WeChat Pay, hai nền tảng phổ biến nhất và thuộc sở hữu tư nhân do Ant Group và Tencent điều hành.

Mục tiêu của Trung Quốc đằng sau kế hoạch tiền kỹ thuật số ảnh 1 Trụ sở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tại Bắc Kinh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lý do chính là đồng nhân dân tệ kỹ thuật số được các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước phân phối trực tiếp đến ví điện tử của người dùng, qua đó thiết lập các kênh thanh toán vượt qua Alipay và WeChat Pay.

Trong các thử nghiệm cho đến nay, người dùng đã có thể rút đồng nhân dân tệ điện tử qua máy ATM vào ví điện tử trên điện thoại thông minh của mình. Sau đó, họ thanh toán cho các mặt hàng bằng cách để ứng dụng trên điện thoại thông minh của mình gần thiết bị bán hàng bằng đồng nhân dân tệ điện tử.

Một hệ thống như vậy biểu trưng một giải pháp thay thế rõ ràng cho Alipay và WeChat Pay, những hệ thống ước tính đã có cơ sở người dùng trên toàn thế giới vào khoảng 1,9 tỷ người.

Wang Yongli, cựu Phó Chủ tịch của Bank of China, một trong những ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước lớn nhất Trung Quốc, cho biết: “Việc sử dụng rộng rãi đồng nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ ảnh hưởng đến vị thế thị trường và mô hình lợi nhuận của các nền tảng thanh toán bên thứ ba như Alipay và WeChat Pay.”

Alipay và WeChat Pay là xương sống cho hệ thống thanh toán của Trung Quốc trong một nền kinh tế phần lớn không dùng tiền mặt.

Hoạt động kinh doanh của các công ty này cũng hỗ trợ cho giá cổ phiếu của Tencent, một trong 10 công ty lớn nhất thế giới với vốn hóa trên 920 tỷ USD, và Alibaba, công ty có nắm giữ cổ phần tại Ant Group. Việc phổ biến đồng nhân dân tệ kỹ thuật số có thể ảnh hưởng trực tiếp đến Alipay và WeChat Pay được củng cố bởi thông điệp của Bắc Kinh trên các phương tiện truyền thông nhà nước.

[Tại sao các ngân hàng trung ương muốn có đồng tiền kỹ thuật số riêng?]

Trong một thông điệp từ đường phố Bắc Kinh vào dịp năm mới, một phóng viên của đài truyền hình CCTV cho biết việc sử dụng đồng nhân dân tệ điện tử "tiện lợi hơn" so với các hệ thống thanh toán khác.

Giám đốc một ngân hàng quốc doanh lớn cho biết “Đồng tiền kỹ thuật số này sẽ giáng một đòn mạnh vào Alipay và WeChat vì nó có thể thay thế chúng. Có khả năng chính phủ sẽ sử dụng quyền lực hành chính để thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số nhằm phá bỏ sự độc quyền về dữ liệu người tiêu dùng do các công ty công nghệ nắm giữ.”

Trên thực tế, các quyền lực hành chính như vậy là cố hữu đối với chính đồng nhân dân tệ kỹ thuật số.

Bởi vì đồng nhân dân tệ kỹ thuật số là đồng tiền pháp định, không người bán hàng nào có thể từ chối chấp nhận nó và do đó có nghĩa vụ phải cài đặt thiết bị đầu cuối và hệ thống thanh toán bằng đồng nhân dân tệ điện tử sau khi đồng tiền này chính thức được phát hành.

Điều này không xảy ra đối với Alipay và WeChat Pay, những người bán hàng có quyền từ chối.

Các bản tin trên phương tiện truyền thông nhà nước cũng nhấn mạnh một tính năng của đồng nhân dân tệ điện tử mà theo họ là khiến nó trở nên linh hoạt như tiền mặt, đó là khả năng thanh toán không trực tuyến (offline).

Nếu không có kết nối Internet, người dùng vẫn có thể chuyển tiền giữa hai thiết bị không trực tuyến bằng cách sử dụng cái mà phương tiện truyền thông nhà nước gọi là “công nghệ ngoại tuyến kép.”

Các nhà phân tích cho biết, tính năng này sử dụng một loại công nghệ truyền thông trường gần tương tự như Bluetooth.

Vẫn chưa rõ các hệ thống như vậy, hay nói chung là đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, sẽ trở nên đáng tin cậy đến mức nào, nhưng Mu Changchun, người đứng đầu Viện nghiên cứu tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương Trung Quốc, cho biết công nghệ “ngoại tuyến kép” đã “tương đối thành công.”

Trung Quốc coi hệ thống ngân hàng tập trung của mình như một công cụ quan trọng của sức mạnh kinh tế của nhà nước.

[Đồng tiền kỹ thuật số của Trung Quốc và những lựa chọn cho ASEAN]

Bất cứ khi nào quyền kiểm soát của mình bị đe dọa, như từng xảy ra trước sự nở rộ của lĩnh vực cho vay ngang hàng tự do năm 2016, các nhà chức trách sẽ quyết liệt ra tay để khẳng định lại uy thế của mình.

Hiện chỉ 29 trong số khoảng 6.000 công ty cho vay ngang hàng còn tồn tại sau chiến dịch làm sạch của Bắc Kinh.

Tương tự, thành công bất thường của Ant Group, trước khi đợt chào bán cổ phiếu bị hủy, bị một nhóm các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước đầy quyền lực của Trung Quốc coi là một mối đe dọa.

Mặc dù rõ ràng là hệ sinh thái thanh toán bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số đã được thiết kế để hoạt động độc lập với Alipay và WeChat Pay, nhưng theo các nhà phân tích, có khả năng hai nền tảng thanh toán tư nhân này cũng sẽ được sử dụng cho các giao dịch bằng đồng nhân dân tệ điện tử.

Mục tiêu của Trung Quốc đằng sau kế hoạch tiền kỹ thuật số ảnh 2(Nguồn: boxmining.com)

Do đó, ít nhất trong một thời gian, các nền tảng tư nhân này sẽ được tận dụng để thúc đẩy sự nổi lên của đồng nhân dân tệ điện tử.

Zou Chuanwei, chuyên gia về tiền kỹ thuật số tại Wanxiang Blockchain, một viện nghiên cứu ở Thượng Hải, cho biết: “Thị phần của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số tăng lên sẽ đến với sự tổn thất của WeChat Pay và Alipay.”

Ông nói thêm rằng “Chính phủ đang thắt chặt quy định kiểm soát đối với các tập đoàn công nghệ tài chính và việc đồng tiền kỹ thuật số thay thế Alipay và WeChat Pay sẽ gây thiệt hại đối với hoạt động kinh doanh cho vay tiêu dùng của các công ty này.”

Bức tường chống lại các đồng tiền kỹ thuật số nước ngoài

15 thế kỷ sau khi Trung Quốc phát minh ra tiền giấy, bản chất của tiền đã thay đổi cơ bản. Vào thời triều Đường (618 - 907), tiền giấy chỉ có giá trị hơn một chút giấy ghi nợ và được gọi là “đồng tiền bay” bởi vì, không giống như tiền kim loại, nó có chiều hướng “bị thổi bay.”

Nhưng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số cho thấy một bước thay đổi. Nó không chỉ là một phương tiện để trao đổi. Bắc Kinh coi đây vừa là bức tường thành chống lại sự xâm lấn tiềm tàng của các đồng tiền kỹ thuật số nước ngoài, chẳng hạn như đồng Diem của Facebook, vừa là một công cụ để dễ dàng thực hiện việc giám sát hàng loạt người dân Trung Quốc.

Giữa năm 2020, ông Mu Changchun từ Viện nghiên cứu tiền kỹ thuật số, lập luận rằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ ngăn đồng Libra, tên ban đầu của đồng Diem của Facebook, xâm nhập hệ thống tiền tệ của Trung Quốc.

Suy nghĩ như vậy diễn ra sau những ý kiến tương tự trong năm 2018 khi các nhà nghiên của cứu ngân hàng trung ương Trung Quốc cảnh báo rằng sự ra đời của các đồng tiền kỹ thuật số - được gọi là các đồng xu ổn định - gắn với đồng USD có thể phá hỏng những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.

Tuy nhiên, ngoài việc đóng vai trò như một bức tường thành chống lại các loại tiền điện tử nước ngoài không mong muốn, các nhà phân tích còn cho rằng tham vọng đối với đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của Bắc Kinh còn bắt nguồn từ mong muốn kiểm soát xã hội.

Tháng trước, Yaya Fanusie và Emily Jin viết trong một báo cáo cho Trung tâm An ninh Mỹ mới, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, rằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số có thể sẽ là yếu tố có lợi cho sự giám sát của nhà nước trong nền kinh tế và cho sự can thiệp của chính phủ vào cuộc sống của người dân Trung Quốc.

Họ cho rằng việc triển khai đồng nhân dân tệ điện tử sẽ khiến ngân hàng trung ương có khả năng khai thác một lượng dữ liệu lớn về hoạt động kinh tế của người dân.

Điều này khớp với kế hoạch về công nghệ tài chính được chính phủ ban hành cuối năm 2019 dự kiến tổng hợp dữ liệu tài chính để thúc đẩy việc xây dựng “trung tâm dữ liệu lớn tích hợp trên toàn quốc.”

Emily Jin nói: “Nếu ngân hàng trung ương có thể triển khai thành công đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, thì đó thực sự sẽ là một công cụ quan trọng để kiểm soát trong nước. Người dân có thể sẽ vẫn cố gắng phá vỡ khả năng giám sát (của đồng tiền này), nhưng tôi nghĩ rằng điều đó sẽ vô cùng khó khăn vì hệ thống sẽ cho phép ngân hàng trung ương theo dõi các giao dịch theo thời gian thực.”

Nếu những khả năng như vậy thành hiện thực, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) có thể nắm thêm các quyền thực thi kỷ luật và sẽ có khả năng thực hiện hành động trừng phạt bằng cách chặn các giao dịch nếu tình huống bắt buộc.

Samantha Hoffman, thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia – nơi năm ngoái đã xuất bản một trong những báo cáo chuyên sâu đầu tiên về đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, cho rằng đồng nhân dân tệ điện tử sẽ mở rộng đáng kể khả năng giám sát của Chính phủ Trung Quốc.

Bà nói: “Thông qua (đồng tiền ảo), nhà nước sẽ có khả năng nhìn rõ tất cả các giao dịch tài chính. Các giao dịch là hoàn toàn có thể bị theo dõi và sẽ không có cái gọi là ẩn danh thực sự cho người dùng.”

Thách thức đối với nỗ lực quốc tế hóa đồng nhân dân tệ

Mức độ ẩn danh dành cho các công dân Trung Quốc sử dụng tiền kỹ thuật số vẫn là một vùng xám.

Ông Mu Changchun, vào năm ngoái khi phát biểu tại một hội nghị ở Singapore, cho biết một hệ thống “ẩn danh có kiểm soát” sẽ được triển khai.

Ông nói: “Chúng tôi biết nhu cầu từ công chúng là giữ ẩn danh bằng cách sử dụng tiền giấy và tiền xu… chúng tôi sẽ cung cấp cho những người yêu cầu ẩn danh trong các giao dịch của họ.”

Ông Mu Changchun nói thêm rằng “nhưng đồng thời, chúng tôi sẽ giữ sự cân bằng giữa ‘ẩn danh có kiểm soát’ và chống rửa tiền, chống tài trợ cho khủng bố, cũng như các vấn đề về thuế, cờ bạc trực tuyến và bất kỳ hoạt động tội phạm điện tử nào.”

Bà Samantha Hoffman cho rằng sự mơ hồ như vậy làm dấy lên những lo ngại. Bà nói: “Các yêu cầu như chống tài trợ cho khủng bố hoặc chống rửa tiền là bình thường đối với các ngân hàng trung ương, nhưng điều khác biệt ở Trung Quốc là ai bị soi xét kỹ lưỡng.”

Những lo ngại như vậy có thể sẽ cản trở khát vọng lâu nay của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy việc sử dụng đồng tiền của họ trên phạm vi quốc tế như một phần trong tham vọng dài hạn của Trung Quốc nhằm giải phóng mình khỏi việc phải thực hiện hầu hết các giao dịch thương mại bằng đồng USD.

Một doanh nhân Hong Kong giấu tên cho biết: “Nếu nhà nước có thể nắm rõ mọi giao dịch chúng ta thực hiện bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, tôi nghĩ rằng nhiều người bên ngoài Trung Quốc sẽ không muốn sử dụng nó.”

Tuy nhiên, Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực quốc tế hóa của mình. Tháng trước, Trung Quốc đã đồng ý thành lập một liên doanh với Swift, hệ thống thanh toán xuyên biên giới toàn cầu có trụ sở tại Bỉ, trong một động thái mà giới quan sát cho rằng nhằm thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số.

Theo những người nắm rõ vấn đề này, tổ chức mới này, có tên là công ty Finance Gateway Information Services Co, chịu trách nhiệm hợp nhất các hệ thống thông tin để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai đồng tiền kỹ thuật số.

Các cổ đông khác trong liên doanh bao gồm Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới của Trung Quốc (Cips), một đối thủ cạnh tranh với Swift và xử lý các thanh toán thương mại bằng đồng nhân dân tệ.

Swift cho biết, liên doanh này không liên quan đến đồng nhân dân tệ kỹ thuật số mà là "tập trung vào tuân thủ.”

Tuy nhiên, ngay cả các lãnh đạo trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc mà sở hữu nhà nước chi phối cũng nói rằng sự lạc quan về sức hấp dẫn quốc tế của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số phải được củng cố bằng thực tế.

Giám đốc một ngân hàng quốc doanh lớn cho biết: “Mục tiêu lớn hơn của chúng tôi là thách thức sự thống trị của đồng USD trong thanh toán thương mại quốc tế. Tuy nhiên, tiến trình này sẽ chỉ diễn ra từ từ.”

Lý do đằng sau những kỳ vọng về sự tiến triển chậm chạp như vậy bắt nguồn từ một vấn đề đã có từ rất lâu. Người nước ngoài có rất ít động lực để nắm giữ đồng nhân dân tệ khi mà việc tiếp cận thị trường tài chính của Trung Quốc vẫn còn phức tạp và không rõ ràng đối với tất cả mọi người, trừ các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Maximilian Kärnfelt, chuyên gia tại Merics, một tổ chức tư vấn về Trung Quốc có trụ sở tại Berlin, cho biết: “Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ không giúp xóa bỏ hết các vấn đề khiến cho đồng nhân dân tệ không được sử dụng nhiều hơn trên toàn cầu. Phần lớn thị trường tài chính của Trung Quốc vẫn chưa mở cửa cho người nước ngoài và quyền sở hữu tài sản vẫn còn mong manh.”/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục