'Mỹ cần tôn trọng các công ty tham gia dự án Dòng chảy phương Bắc 2'

Trung Quốc không đồng tình với động thái của Mỹ về khả năng sẽ áp đặt trừng phạt đối với những công ty ủng hộ dự án xây dựng đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2.
'Mỹ cần tôn trọng các công ty tham gia dự án Dòng chảy phương Bắc 2' ảnh 1Hệ thống đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc tại Lubmin, Đức ngày 8/11/2011. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo đài Sputnik, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 15/1 kêu gọi tất cả các quốc gia cần tôn trọng đầy đủ quyền tự quyết của các công ty trong việc hợp tác với các công ty nước khác.

Bà Hoa đã đưa ra kêu gọi trên khi bình luận về lá thư của Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grennel gửi tới các công ty đầu tư vào dự án “Dòng chảy phương Bắc 2.”

Trước đó, các hãng truyền thông đưa tin ông Grennel đã gửi thư cho một số công ty Đức và gợi ý về khả năng Mỹ sẽ áp đặt trừng phạt nếu các công ty này ủng hộ việc xây dựng dự án Dòng chảy phương Bắc 2.

Đại diện của Đại sứ Grennel sau đó giải thích rằng không nên coi điều này một lời đe dọa, mà đó là một "biểu hiện rõ ràng trong chính sách của Mỹ."

Phát biểu họp báo, bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh: "Chúng tôi đã chú ý đến các thông điệp có liên quan cũng như phản ứng gay gắt đối với các công ty của chúng tôi ở Đức."

[Chuyên gia Nga: Mỹ gây áp lực với Đức để ngăn Dòng chảy Phương Bắc 2]

Bà nhấn mạnh rằng các công ty của tất cả các quốc gia có quyền đưa ra quyết định về hợp tác và duy trì liên lạc với các công ty từ các quốc gia khác.

Nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc nêu rõ: "Bất kỳ quốc gia và cá nhân nào cũng phải tôn trọng điều này một cách đầy đủ."

Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án liên doanh giữa Gazprom với 5 công ty của châu Âu. Khi hoàn thành (muộn nhất vào cuối năm 2019), các đường ống này hàng năm sẽ chuyên chở 55 tỷ m3 khí đốt tự nhiên từ Nga tới các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông qua Biển Baltic đến Đức, không đi qua lãnh thổ Ukraine.

Các nước Đức, Thụy Điển, Áo và Pháp đã cấp phép xây dựng dự án này. Tuy nhiên, dự án vấp phải sự phản đối của Ukraine, Latvia, Litva và Ba Lan vì cho rằng mang tính chính trị.

Về phần mình, Washington bày tỏ lo ngại về đường ống trên, vì cho rằng Ukraine sẽ mất đi một khoản thu đáng kể nếu kế hoạch này được thực hiện.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang chào hàng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) do các công ty Mỹ bán nhằm thay thế khí tự nhiên từ Nga./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục