Mỹ điều chỉnh giảm số liệu tăng trưởng GDP quý 4 năm 2022

Bộ Thương mại Mỹ cho biết tăng trưởng GDP quý 4/2022 của nước này chỉ đạt 2,7% do mức chi tiêu thực tế của người tiêu dùng Mỹ trong thời điểm mua sắm cuối năm ngoái thấp hơn so với ước tính trước đó.
Mỹ điều chỉnh giảm số liệu tăng trưởng GDP quý 4 năm 2022 ảnh 1Khách hàng mua sắm tại một cửa hàng ở Queens, New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 23/2, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố số liệu điều chỉnh về mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 4/2022.

Theo điều chỉnh mới, nền kinh tế số một thế giới chỉ đạt mức tăng trưởng 2,7% trong 3 tháng cuối năm 2022, thấp hơn so với mức 2,9% đưa ra hồi tháng 1 vừa qua.

Trong một báo cáo, Bộ Thương mại Mỹ cho biết mức chi tiêu thực tế của người tiêu dùng Mỹ trong thời điểm mua sắm cuối năm ngoái thấp hơn so với các ước tính đưa ra trước đó.

Tuy nhiên, kinh tế Mỹ hiện nay vẫn đang có những dấu hiệu phát triển mạnh mẽ như số lượng đơn đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp theo tuần tính đến ngày 23/2 chỉ là 192.000 đơn, thấp nhất trong 53 năm qua, hay doanh số bán lẻ trong tháng Một và hoạt động kinh doanh trong tháng Hai tiếp tục khả quan.

Tất cả những điều này có thể sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải tiếp tục kéo dài lộ trình tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát về mức mục tiêu.

Trong biên bản cuộc họp tháng 1 của Fed vừa được công bố, chỉ số lạm phát thực tế ở Mỹ vẫn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu là 2% trong khi thị trường lao động tiếp tục gây áp lực lên tiền lương và giá cả.

Điều này cho thấy việc Fed tăng lãi suất trong thời gian qua có thể vẫn chưa đủ mạnh để tác động vào phần lớn nền kinh tế và kéo lùi lạm phát theo tốc độ mong muốn.

Mỹ điều chỉnh giảm số liệu tăng trưởng GDP quý 4 năm 2022 ảnh 2Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở Washington DC. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hiện có nhiều ý kiến tại Mỹ cho rằng có thể Fed sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 3 tới, cùng với một vài lần tăng nữa sau đó để đưa lãi suất lên mức cao nhất là 5,5% trong năm nay.

Tuy nhiên, việc tăng nhanh và mạnh lãi suất cơ bản cũng sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, trong đó có nguy cơ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Các ngân hàng Goldman Sachs và Bank of America (BofA) dự báo Fed sẽ tăng lãi suất thêm 3 lần nữa trong năm 2023, cao hơn dự báo được 2 ngân hàng này đưa ra trước đó sau khi các số liệu mới của nền kinh tế Mỹ cho thấy tình trạng lạm phát dai dẳng và sự phục hồi của thị trường lao động.

Các nhà kinh tế của Goldman Sachs do ông Jan Hatzius dẫn đầu nhận định: “Trước những thông tin về sức tăng trưởng mạnh mẽ hơn và lạm phát dai dẳng hơn, chúng tôi bổ sung dự báo Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 6, nâng lãi suất ký quỹ lên phạm vi 5,25-5,5%."

[Chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ tăng cao nhất trong gần 2 năm qua]

Trước đó, các ngân hàng trên đã dự báo Fed sẽ đưa ra quyết định về 2 lần tăng lãi suất ở mức 25 điểm cơ bản tại những cuộc họp trong tháng 3 và tháng 7/2023.

Sau những dữ liệu gần đây của nền kinh tế Mỹ, ngân hàng đầu tư UBS của Thụy Sĩ cũng dự báo Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại những cuộc họp trong tháng 3 và tháng 5, khiến lãi suất ký quỹ của Fed ở mức 5-5,25%.

Trước những dữ liệu mới nhất, phần lớn các nhà kinh tế Mỹ cũng dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất ít nhất là 2 lần nữa trong những tháng tới và không ai kỳ vọng sẽ có một đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Mỹ điều chỉnh giảm số liệu tăng trưởng GDP quý 4 năm 2022 ảnh 3Xe chở container di chuyển tại khu cảng ở Oakland, California (Mỹ) ngày 24/10/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng, lạm phát dù đã hạ nhiệt, nhưng vẫn là một vấn đề lớn của kinh tế Mỹ.

Năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ đã tăng 6,5%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng cá nhân tăng 5%.

Mục tiêu của Fed là đưa tỷ lệ lạm phát hằng năm về mức 2%, nhưng một số nhà kinh tế tỏ ra nghi ngờ về khả năng Fed đạt được mục tiêu này mà không khiến nền kinh tế lâm vào suy thoái.

Một vấn đề đáng lo ngại nữa là trần nợ công đang đè nặng lên nguy cơ vỡ nợ của Mỹ.

Mỹ đã đạt đến giới hạn nợ liên bang vào tháng 1/2023, buộc Bộ Tài chính phải bắt đầu áp dụng các biện pháp đặc biệt để bảo đảm quốc gia không bị vỡ nợ.

Bộ trưởng Tài chính Yellen tuần trước đã kêu gọi Quốc hội nâng giới hạn trần nợ, cảnh báo rằng nếu không làm sẽ tạo ra “một thảm họa kinh tế và tài chính.”

Ngoài ba thách thức nêu trên, những “cơn gió ngược” từ các vấn đề toàn cầu như căng thẳng quan hệ Mỹ-Trung Quốc; cuộc chiến Nga-Ukraine, khó khăn chung của kinh tế thế giới… cũng tiếp tục đặt ra nhiều thách thức nghiêm trọng đối với nền kinh tế Mỹ trong năm nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục