Mỹ tấn công Iran có thể là cơ hội cho Bắc Kinh

Với việc sát hại ông Soleimani và đẩy khu vực vào tình thế bất ổn mới, Tổng thống Trump có thể đã khiến Bắc Kinh dễ dàng "soán ngôi" Washington trong những năm sắp tới
Mỹ tấn công Iran có thể là cơ hội cho Bắc Kinh ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Theo mạng tin edition.cnn.com, nằm ở độ cao hàng nghìn feet so với mực nước biển ở vùng núi Trung Á, Bishkek không phải là nơi người ta thường lui tới để đưa ra chính sách quốc tế.

Tuy nhiên, tháng 6/2019, các nhà lãnh đạo thế giới đã tới thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan để tham dự một cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, một liên minh an ninh và chính trị quan trọng của khu vực.

Những người tham dự bao gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và Tổng thống Iran Hassan Rouhani.

Cuộc họp này là một lời nhắc nhở về mối quan hệ vững mạnh của Tehran với hai cường quốc hàng đầu của thế giới, và được nhấn mạnh hơn nữa khi ba quốc gia này tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung gần eo biển Hormuz chiến lược nằm trên Ấn Độ Dương hồi tháng 12/2019.

Sau vụ Mỹ ám sát ông Qasem Soleimani ở Baghdad hồi tuần trước, các nhà lãnh đạo của Iran chắc chắn sẽ hướng tới những liên minh này để làm đối trọng với Mỹ, cho dù Tehran vẫn cân nhắc khả năng trả thù cho một trong số những nhân vật quan trọng nhất của quân đội Iran.

Trung Quốc đặc biệt có thể đóng một vai trò then chốt trong việc hạn chế hậu quả có thể xảy ra và ngăn chặn một cuộc xung đột khác ở Trung Đông.

Trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Iran hôm 4/1, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã lên án "hành động phiêu lưu quân sự của Mỹ" vốn "đi ngược lại những tiêu chuẩn cơ bản trong quản lý quan hệ quốc tế và sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng cũng như bất ổn tại khu vực."

[Cuộc chiến Mỹ-Trung sẽ tiến tới "chiến tranh lạnh" vào năm 2020?]

Một tuyên bố khác còn nói thêm rằng Tehran hy vọng Trung Quốc có thể "đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn leo thang căng thẳng khu vực."

Nhiều nước khác cũng có chung quan điểm như vậy, bao gồm cả những cường quốc khác ở Trung Đông vốn không phải là những nước ủng hộ Tehran.

Vụ ám sát ông Soleimani có thể trao cho Bắc Kinh một cơ hội lớn, không chỉ để ngăn chặn một cuộc chiến tranh thảm họa khác, mà còn giúp tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này, và thay thế một Washington ngày càng trở nên khó lường.

Mềm mỏng, mềm mỏng

Trong nhiều thập kỷ, chính sách đối ngoại của Trung Quốc đi theo hướng mềm mỏng (nếu không phải lúc nào cũng là hành động trên thực tế, thì ít nhất là về giọng điệu).

Lập trường của Bắc Kinh đối với các nước khác rất đơn giản: không giống Washington, vốn thường phàn nàn về vấn đề dân chủ và nhân quyền, hay khăng khăng phải thực hiện chính sách khắc khổ theo kiểu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Trung Quốc muốn "giải pháp cùng thắng" có lợi cho cả đôi bên.

Việc Trung Quốc chỉ tập trung vào phát triển và thương mại khiến nước này trở thành một đối tác hấp dẫn đối với các nước khác trên khắp thế giới - dù là chế độ chuyên quyền hay không.

Cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã mô tả cách tiếp cận này là "giấu mình chờ thời." Tuy nhiên, cách tiếp cận này không thể kéo dài mãi, và việc tăng cường can dự vào mọi ngóc ngách trên thế giới có nghĩa rằng thời điểm của Bắc Kinh có thể đã tới.

Những năm gần đây đã chứng kiến Bắc Kinh thay đổi và tiến tới một chính sách đối ngoại can thiệp nhiều hơn theo kiểu Mỹ. Chính sách này bao gồm tăng cường bán vũ khí - cho dù vẫn chưa thể bằng Mỹ, và một sự hiện diện quân sự ngày càng lớn ở nước ngoài. Trung Quốc hiện có căn cứ ở vùng Sừng châu Phi, Trung Á, và trên khắp Biển Đông, đồng thời có tin tức cho rằng nước này đang cân nhắc đặt một căn cứ ở Pakistan trên Ấn Độ Dương.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang dần thay thế Washington để trở thành quốc gia hỗ trợ tài chính hàng đầu cho các nước đang phát triển, bên cạnh đó là ký kết nhiều thỏa thuận thương mại lớn trên khắp châu Á, Trung Đông và châu Phi, như một phần trong đại chiến lược Vành đai và Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Theo hai nhà phân tích Lindsey Ford và Max Hill, mặc dù rất nhiều trong số những diễn biến nói trên đã diễn ra ở những khu vực có thể coi là phạm vi ảnh hưởng truyền thống của Bắc Kinh, song Trung Đông hiện "đóng một vai trò ngày càng quan trọng" trong bối cảnh Trung Quốc đang nổi lên trở thành siêu cường tiếp theo của thế giới.

Hai nhà phân tích này đã viết cho Viện Chính sách Xã hội châu Á hồi tháng 8/2019 như sau: "Mặc dù việc Trung Quốc mở rộng sự hiện diện ở Trung Đông xuất phát từ những tính toán kinh tế, song điều này cũng tạo ra những cơ hội chiến lược cho Bắc Kinh."

Hai tác giả này viết tiếp: "Việc Trung Quốc nhấn mạnh vào không can thiệp, phát triển kinh tế do nhà nước đi đầu, và sự ổn định của khu vực, phù hợp với quan điểm của nhiều nhà lãnh đạo chuyên quyền ở Trung Đông, giúp Trung Quốc thúc đẩy mô hình 'thay thế' của nước này về sự lãnh đạo của siêu cường."

Sự thay thế hấp dẫn

Là một khu vực nơi mà chính trị chủ yếu được định hình bằng quan hệ thù định giữa các cường quốc khu vực và quốc tế, Trung Đông không phải là nơi có thể dễ dàng duy trì một chính sách trung lập hay đứng ở ngoài lề.

Cho tới nay, chủ yếu nhờ vào sức mạnh tài chính to lớn, Trung Quốc đã cân bằng được việc duy trì quan hệ với các đồng minh truyền thồng như Iran và Syria, trong khi vẫn có thể cải thiện quan hệ với các đối thủ của những đồng minh này là Saudi Arabia, Israel và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Bắc Kinh cũng chống lại sức ép rất lớn từ Washington nhằm buộc họ phải bỏ rơi Tehran và Damascus, sử dụng vai trò là thành viên trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để ngăn cản một số hành động quốc tế chống lại các nước này.

Tuy nhiên, cũng như vấn đề Kashmir từng buộc Trung Quốc phải lựa chọn đồng minh lâu năm là Pakistan thay vì Ấn Độ - mục tiêu kinh tế của Trung Quốc, sớm hay muộn thì một cuộc khủng hoảng ở Trung Đông chắc chắn sẽ phá vỡ thế căng bằng ngoại giao mong manh mà Bắc Kinh đang duy trì.

Những kẻ thù của Tehran có thể sẽ cau mày khi Bắc Kinh từ chối bỏ rơi đồng minh cũ của mình để kết giao với những đồng minh mới, nhưng chính sách này dường như sẽ trở nên khả thi hơn rất nhiều sau cái chết của trung tướng Soleimani.

Và khả năng tiến tới một cuộc xung đột khác ở Trung Đông- hay ít nhất là một giai đoạn đe dọa và làm gián đoạn thương mại toàn cầu- sẽ giúp tăng cường khả năng của Bắc Kinh trong mọi mặt.

Viết cho Hội đồng Đại Tây Dương - một cơ quan tham mưu của NATO, nhà phân tích Jonathan Fulton cho rằng: "Trung Quốc không phải là quốc gia theo chủ nghĩa xét lại. Nước này không muốn tái định hình Trung Đông và tiếp quản trách nhiệm bảo đảm cho khu vực này. Trung Quốc muốn một khu vực ổn định và có thể đoán định - nhiều nhất có thể - mà trong đó nước này có thể trao đổi thương mại và đầu tư."

Ngoài ra ông Fulton còn viết: "Trong vụ sát hại Soleimani, (Tổng thống Donald Trump đã khiến) mọi thứ trở nên khó khăn hơn. Trong ngắn hạn, vụ việc này sẽ làm tăng thêm phí tổn trong làm ăn kinh doanh và gần như chắc chắn sẽ đẩy nhiều người vào rủi ro. Tuy nhiên, trong dài hạn, vụ ám sát này có thể làm tăng sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Đông khi nước này tiếp nhận một trách nhiệm lớn hơn để đảm bảo các lợi ích của họ ở khu vực."

Một vai trò như vậy chắc chắn sẽ được nhiều chủ thể trong khu vực hoan nghênh. Thật khó để tìm ra một ví dụ nào thích hợp hơn thể hiện sự đối lập giữa chính sách của Mỹ và Trung Quốc: trong khi Tổng thống Trump đe dọa sẽ tấn công các địa điểm văn hóa của Iran - điều có thể trở thành một tội ác chiến tranh nếu xảy ra, thì Bắc Kinh lại đang kêu gọi các bên kiềm chế.

Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã trở thành cường quốc hùng mạnh nhất không chỉ ở Trung Đông mà còn trên khắp toàn cầu. Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng thách thức vị thế siêu cường của Mỹ, Trung Đông chắc chắn sẽ nổi lên là một vũ đài quan trọng trong cuộc đối đầu này.

Với việc sát hại ông Soleimani và đẩy khu vực vào tình thế bất ổn mới, Tổng thống Trump có thể đã khiến Bắc Kinh dễ dàng "soán ngôi" Washington trong những năm sắp tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục