Nguồn thu từ vận tải biển giảm, VIMC hạ kế hoạch doanh thu, lợi nhuận

Nguồn thu từ vận tải biển sụt giảm, VIMC làm gì để vượt khó?

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam vẫn tiếp tục tập trung lĩnh vực hoạt động chính được ví như “kiềng 3 chân” gồm cảng biển, vận tải biển và dịch vụ logistics trong giai đoạn tới đây.
Nguồn thu từ vận tải biển sụt giảm, VIMC làm gì để vượt khó? ảnh 1Xếp dỡ hàng hóa container tại một cảng biển Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Dù lĩnh vực cảng biển và dịch vụ hàng hải vẫn còn triển vọng, tuy nhiên, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đưa ra kế hoạch doanh thu và lợi nhuận của năm 2023 sẽ giảm so với năm trước đó bởi nguồn thu chính từ khối vận tải biển đã sụt giảm.

Thị trường vận tải biển gặp khó

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 vào sáng 20/4, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc VIMC cho biết năm nay đơn vị này đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 13.354 tỷ đồng (bằng 87% so với năm 2022), lợi nhuận trước thuế 2.330 tỷ đồng (bằng 76% so với thực hiện năm 2022).

Trong đó, doanh thu dự kiến giảm mạnh ở khối vận tải biển (giảm 1.671 tỷ đồng) do thị trường vận tải biển năm 2023 sẽ rất khó khăn, nhu cầu vận chuyển giảm, lượng tàu đóng mới xuất xưởng nhiều; lợi nhuận khối cảng biển và dịch vụ hàng hải dự kiến có sự tăng trưởng so với năm 2022.

“Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 của VIMC giảm so với ước thực hiện năm 2022 chủ yếu do ảnh hưởng của thị trường vận tải biển dự kiến gặp nhiều khó khăn dẫn đến lợi nhuận kế hoạch năm 2023 giảm mạnh,” ông Tĩnh thừa nhận.

Vị Tổng giám đốc VIMC chỉ ra những nguyên nhân khiến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của năm nay giảm so với năm trước đó bởi lạm phát cao và gia tăng ở nhiều quốc gia làm tăng gánh nặng lên nền kinh tế thế giới; nguồn cung tàu tăng trưởng mạnh mẽ ở cả thị trường vận tải tàu hàng rời và tàu container dẫn đến dư thừa; biến động mạnh về giá dầu trong bối cảnh nguồn cung không chắc chắn như hiện nay làm tăng chi phí hoạt động khai thác tàu, tác động mạnh mẽ tới doanh thu, lợi nhuận trong năm 2023…

['Ông lớn' hàng hải vượt lợi nhuận bất chấp COVID-19 và giá nhiên liệu]

Khối cảng biển đối mặt với áp lực cạnh tranh mạnh mẽ khi nhiều địa phương và doanh nghiệp tiếp tục triển khai các dự án đầu tư và xây dựng cảng biển để hoàn thiện và mở rộng hoạt động. Trong khi đó, nguồn hàng có nguy cơ suy giảm sau một năm bùng nổ do nhiều yếu tố (dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh, chính sách…).

Mặt khác, ông Tĩnh phân tích thêm, các trung tâm logistics, cảng cạn (ICD) mới tại các địa phương tiếp tục được triển khai đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động tạo ra chuỗi dịch vụ trọn gói khép kín dịch vụ khiến VIMC bị mất nhiều thị phần khi quy mô hoạt động còn hạn chế, chưa có bước đột phá, thiếu tính đồng bộ và tạo kết nối chuỗi; chính sách giá kém linh hoạt, khả năng chống đỡ với áp lực cạnh tranh ngày càng kém.

Trong năm 2023, VIMC sẽ tập trung phát triển các hoạt động kinh doanh mang lại hiệu quả bền vững, ưu tiên với các dự án trọng điểm như đảm bảo tiến độ bến 3, 4 Lạch Huyện, hoàn thành tiến độ các thủ tục cho dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, dự án Cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng), phát triển đội tàu container...; mở rộng mạng lưới khách hàng; tập trung tái cấu trúc các doanh nghiệp dịch vụ hàng hải, logistics...

Chú trọng “kiềng 3 chân” và hệ sinh thái tích hợp

Đưa ra đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025, theo ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIMC, Tổng công ty vẫn tiếp tục tập trung hoạt động trong 3 lĩnh vực kinh doanh chính được ví như “kiềng 3 chân” bao gồm: Cảng biển, vận tải biển và dịch vụ logistics; phát triển hệ sinh thái tích hợp, kết nối hoạt động cảng biển-vận tải biển-dịch vụ logistics trên nền tảng công nghệ số.

Cụ thể, dự kiến đến năm 2025, đội tàu của VIMC có tổng số 40 tàu, tổng trọng tải khoảng 1,2 triệu tấn. Trong đó, đội tàu container đạt trọng tải khoảng 200.000 tấn DWT (13.000-16.000 TEU), tương đương 30% trọng tải đội tàu container Việt Nam.

VIMC phát triển hệ thống cảng cho tàu trọng tải lớn; nghiên cứu đầu tư các cơ sở hạ tầng cảng biển tại các vị trí mới, tập trung phát triển hệ thống cảng ở các khu vực trọng điểm như Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long; nâng cấp, mở rộng đầu tư với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện hữu và đầu tư chiều sâu (thiết bị, công nghệ thông tin) nhằm tăng năng lực khai thác và cạnh tranh.

Nguồn thu từ vận tải biển sụt giảm, VIMC làm gì để vượt khó? ảnh 2Ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng hải Việt Nam phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Về lĩnh vực dịch vụ hàng hải, Tổng công ty đề ra định hướng phát triển cơ sở hạ tầng hoặc hợp tác với các đối tác để đầu tư, triển khai các dự án cảng cạn (ICD), Depot (bãi chứa container), trung tâm phân phối, trung tâm logistics, ... tại các khu vực Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long nhằm kết nối với hệ thống cảng biển hiện có, kéo dài chuỗi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.

Song song đó, VIMC cũng cơ cấu lại mô hình tổ chức (thực hiện sắp xếp, thoái vốn, chuyển đổi, thành lập mới các doanh nghiệp); tiếp tục tái cơ cấu tài chính, xử lý tài sản gắn với tái cơ cấu các khoản vay, nợ xấu của các doanh nghiệp nhằm lành mạnh hóa tình hình tài chính.

[Vận tải và cảng biển góp phần đem lại lợi nhuận lớn cho VIMC]

Nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển của VIMC nhằm tận dụng cơ hội về nguồn lực để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh (đầu tư phát triển cảng cho tàu trọng tải lớn, đầu tư phát triển đội tàu, đầu tư tăng vốn tại các công ty có hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, ...), VIMC sẽ nghiên cứu, xây dựng phương án tăng vốn điều lệ của VIMC và báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sau khi có sự chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền về tỷ lệ vốn Nhà nước tại Tổng công ty.

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khẳng định, thời gian tới, nền kinh tế tiếp tục chịu nhiều tác động của dịch bệnh COVID-19, tình hình kinh tế phức tạp gây ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng, sản xuất.

Vì vậy, ông Cảnh đề nghị VIMC cần nâng cao các dự báo biến động về kinh tế vĩ mô để xây dựng chỉ tiêu sát hơn so với thực tiễn, bù đắp những sự sụt giảm bằng các chương trình cụ thể như giảm chi phí, tăng thị phần. Doanh nghiệp cũng cần tránh đầu tư dàn trải, lãng phí, gây thất thoát tài sản của doanh nghiệp và Nhà nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục