Nhà đầu tư BOT lo tài xế gây rối làm tê liệt trạm thu phí dịp Tết

Tại một số trạm thu phí BOT có dấu hiệu mất an ninh trật tự, nguy cơ ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân trong dịp Tết, khiến cho nhà đầu tư gặp khó trong công tác vận hành.
Nhà đầu tư BOT lo tài xế gây rối làm tê liệt trạm thu phí dịp Tết ảnh 1(Ảnh minh họa: Thanh Sang/TTXVN)

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tại một số trạm thu phí BOT có dấu hiệu mất an ninh trật tự, nguy cơ ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân trong dịp Tết, khiến cho nhà đầu tư gặp khó trong công tác vận hành.

Nhà đầu tư BOT lo... Tết

Trạm thu phí BOT Ninh Lộc (xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) vào khoảng 12 giờ ngày 1/2, một số tài xế đã dừng xe ngay trạm thu phí với lý do xe bị hư hỏng, khiến Quốc lộ 1 theo hướng Nam-Bắc qua Trạm BOT Ninh Lộc kẹt cứng. Hàng trăm phương tiện “chôn chân”, ùn ứ kéo dài hàng km. Đến khoảng 13 giờ cùng ngày, trạm thu phí này phải xả trạm. Các xe hư hỏng đã di chuyển khỏi làn thu phí.

Ông Nguyễn Hải Long, Phó Giám đốc Công ty cổ phần BOT Đèo Cả Khánh Hòa cho biết, đơn vị đã làm việc với công an địa phương để phối hợp việc điều phối giao thông thông suốt dịp Tết Kỷ Hợi.

[Bộ trưởng GTVT: Xử lý nghiêm đối tượng kích động, gây rối trạm phí BOT]

Trước đó, vào tháng 12/2017, nhiều tài xế đã trả tiền lẻ khi qua BOT Ninh Lộc, làm cho tình hình trở nên căng thẳng, gây ùn tắc kéo dài. Thời điểm đó, chủ đầu tư trạm Ninh Lộc đã đứng ra tổ chức đối thoại để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của tài xế. Sau cuộc đối thoại, chủ đầu tư đã thực hiện đúng cam kết với tài xế khi miễn giảm 100% phí cho các phương tiện loại 1 của người dân thuộc 17 xã, phường xung quanh trạm BOT Ninh Lộc.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam lại thông báo, kể từ ngày 1/5, chỉ giảm phí từ 40%-50% cho các phương tiện loại 1 và phạm vi giảm cũng thu hẹp chỉ còn 8 xã, phường khiến tình hình căng thẳng trở lại. Ngay những ngày đầu tháng 5/2018, nhiều tài xế tiếp tục phản ứng không chỉ dừng đỗ gây ùn tắc mà còn tiến hành đập phá tài sản và hành hung nhân viên.

Một lần nữa, chủ đầu tư lại kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận mức miễn giảm rộng hơn cho người dân, đúng như cam kết trước đó trong đối thoại. Lần này, Bộ đã đồng ý với phương án đó. Điểm “nóng” lại được hạ nhiệt một lần nữa.

Trước đây, nguyên nhân của hành vi được cho là cản trở giao thông tại BOT Ninh Lộc xuất phát từ việc Bộ Giao thông Vận tải không chấp thuận phương án miễn giảm phí do chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa kiến nghị. Tuy nhiên, sau khi nhà đầu tư đã “xuống nước” thì các đối tượng vẫn tiếp tục gây rối khi các vấn đề về mức phí và đối tượng thu phí đã được giải quyết thỏa đáng.

Trong buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa về vấn đề tại BOT Ninh Lộc vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ nhấn mạnh, có một số đối tượng quá kích, gây mất an ninh trật tự, đề nghị tỉnh tập trung chỉ đạo lực lượng làm rõ.

Cần phải nhắc lại rằng, Công ty Cổ phần đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa đã nhiều lần có văn bản kiến nghị lên cơ quan chức năng đề nghị phối hợp giải quyết tình trạng căng thẳng tại BOT Ninh Lộc. Nhiều cuộc họp giữa nhà đầu tư và cơ quan chức năng liên quan được tổ chức và đưa ra các phát ngôn mạnh mẽ, những thông điệp cứng rắn của cơ quan quản lý Nhà nước nhưng những đối tượng gây rối vẫn tiếp tục hành động.

Thực hiện công tác đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán, thành phố Cần Thơ đã ên phương án xử lý hành vi gây mất trật tự các trạm BOT dịp Tết đó là chủ động và sẵn sàng phân công, bố trí lực lượng (24/24 giờ) tham gia phối hợp, hỗ trợ khi xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, tình hình diễn biến phức tạp và các hoạt động gây mất an ninh trật tự tại các trạm thu phí...

“Không thể quyết dừng hay tháo dỡ trạm phí BOT”

Tại hội thảo “BOT-Từ góc nhìn đa chiều” mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật đánh giá, để những vấn đề này xảy ra tồn tại tại một số công trình BOT, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Bộ Giao thông Vận tải. Hiện Bộ đang kiểm tra tổng thể, sẽ nghiêm khắc thẩm định lại chất lượng tại các dự án, sai ở khâu nào, khâu đó sẽ chịu trách nhiệm.

Khẳng định tất cả các dự án BOT khi triển khai đều được các bộ ngành, địa phương giám sát chặt chẽ, theo đúng căn cứ pháp luật, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, hạn chế lớn nhất vừa qua là chưa lường trước được tác động, mặt trái là số lượng các trạm BOT trên một vùng quá lớn làm tăng chi phí vận tải của người dân. Với một số dự án BOT còn bất cập Bộ đang xử lý, hàng tháng chúng tôi đều báo cáo Chính phủ đưa ra các phương án.

[Bộ Giao thông bác đề xuất miễn phí tất cả các trạm BOT 3 ngày Tết]

Tuy nhiên, ông Thể cũng thừa nhận không phải Bộ Giao thông Vận tải, Chính phủ tự quyết được vì còn liên quan đến kinh phí. Bộ cũng đã xem xét miễn giảm, nhiều dự án đã giảm từ 35.000 xuống 15.000 đồng/lượt/xe con, giảm thiểu bức xúc của người dân. Còn nếu không thu phí thì sao? Nhà nước phải bỏ tiền mua lại các trạm phí BOT, nhưng ngân sách đang rất khó khăn.

“Bài toán tổng thể xử lý BOT rất lớn, nên Bộ vẫn đang báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội hướng xử lý trong nhiệm kỳ tới. Mình Bộ Giao thông không thể quyết định dừng hay tháo dỡ trạm thu phí nào,” Bộ trưởng Thể cho hay.

Với một số trạm gây bức xúc, Bộ hy vọng Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội sớm có ý kiến giải quyết. Nếu Quốc hội đồng ý, chúng ta có thể bỏ kinh phí khoảng vài chục nghìn tỷ đồng để giải quyết dứt điểm một số dự án gây bức xúc, nhưng ngân sách 5 năm đã phân bổ gần hết, nên hy vọng có thể bố trí vốn trong nhiệm kỳ 2020-2025./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục