Nhật Bản: Các ứng cử viên Taro Kono và Fumio Kishida so kè quyết liệt

Kết quả cuộc thăm dò cho thấy có 47,4% người được hỏi ủng hộ ứng cử viên Kono, giảm 1,2% so với cuộc thăm dò vào đầu tháng này, trong khi tỷ lệ ủng hộ đối với ông Kishida là 22,4%, tăng 3,9%.
Nhật Bản: Các ứng cử viên Taro Kono và Fumio Kishida so kè quyết liệt ảnh 1Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida (trái) và Bộ trưởng Cải cách hành chính Taro Kono trong cuộc họp báo chung tại Tokyo, ngày 20/9/2021. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, kết quả thăm dò dư luận mới nhất của hãng tin Kyodo cho thấy trong cuộc đua vào chiếc ghế chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở Nhật Bản, Bộ trưởng Cải cách hành chính Taro Kono và cựu Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida đang so kè quyết liệt.

Chủ tịch LDP sẽ kế nhiệm ông Suga Yoshihide ở vị trí Thủ tướng.

Cuộc thăm dò được thực hiện qua điện thoại trong hai ngày 25 và 26/9, với sự tham gia của 1.014 đảng viên cơ sở LDP.

Kết quả cho thấy có 47,4% người được hỏi ủng hộ ứng cử viên Kono, giảm 1,2% so với cuộc thăm dò vào đầu tháng này, trong khi tỷ lệ ủng hộ đối với ông Kishida là 22,4%, tăng 3,9%.

Tỷ lệ ủng hộ cựu Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông Sanae Takaichi và quyền Tổng Thư ký điều hành LDP Seiko Noda tương ứng là 16,2% và 3,4%.

[Nhật Bản: Ông Kishida tạm chiếm ưu thế trong cuộc đua lãnh đạo LDP]

Vẫn còn 10,7% người được hỏi chưa quyết định hoặc không tiết lộ sẽ bỏ phiếu cho ai.

Nếu đổi tỷ lệ ủng hộ trên thành phiếu bầu theo các quy định bỏ phiếu bầu chủ tịch LDP, ông Kono sẽ giành hơn 200 trong tổng số 382 phiếu từ các đảng viên cơ sở, trong khi ông Kishida sẽ nhận được 90 phiếu.

Các nữ chính trị gia Takaichi và Noda tương ứng sẽ nhận được khoảng 70 và 10 phiếu.

Bên cạnh đó, kết quả thăm dò cho thấy ông Kishida nhận được sự ủng hộ của hơn 30% trong tổng số 382 nghị sỹ LDP có quyền bỏ phiếu trong cuộc bầu cử này.

Tỷ lệ ủng hộ đối với các ứng cử viên Kono và Takaichi đều ở mức hơn 20%, nhưng vẫn còn nhiều nghị sỹ chưa quyết định hoặc không tiết lộ sẽ bỏ phiếu cho ai.

LDP dự kiến sẽ tổ chức bỏ phiếu bầu chủ tịch mới vào ngày 29/9.

Theo Kyodo, nếu thống kê số phiếu từ cả hai nhóm cử tri, nhiều khả năng không ai trong số 4 ứng cử viên giành được đa số phiếu ở vòng 1 và kết quả bầu cử sẽ được phân định ở vòng 2, vòng quyết đấu giữa hai ứng cử viên có số phiếu cao nhất ở vòng 1.

Liên quan tới các chính sách mà cử tri hy vọng lãnh đạo mới ưu tiên chú trọng, 30,2% hy vọng tập trung vào các chính sách kinh tế, 22,3% muốn ưu tiên về ứng phó với dịch COVID-19, 15,4% muốn chú trọng tới chính sách an sinh xã hội và 14,7% đề cập chính sách đối ngoại và an ninh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục