Nhật phản đối hành động nhằm thay đổi hiện trạng Biển Đông bằng vũ lực

Bộ trưởng Motegi cảnh báo các hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông bằng vũ lực vẫn tiếp tục và đang gia tăng.
Nhật phản đối hành động nhằm thay đổi hiện trạng Biển Đông bằng vũ lực ảnh 1Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ các hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông bằng vũ lực.

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, phát biểu tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 28 ngày 6/8, Bộ trưởng Motegi cảnh báo các hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông bằng vũ lực vẫn tiếp tục và đang gia tăng.

Ông cũng nhấn mạnh phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) về Biển Đông là phán quyết cuối cùng và có tính ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên liên quan, đồng thời cho rằng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cần phải nhất quán với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 và không gây tổn hại cho các quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các bên sử dụng Biển Đông.

Liên quan tới sáng kiến xây dựng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở cửa, Bộ trưởng Motegi tuyên bố việc duy trì và củng cố các nguyên tắc thượng tôn pháp luật, công khai, minh bạch và bao trùm ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn của dịch COVID-19.

[ASEAN giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông dựa trên luật quốc tế]

Nhật Bản sẽ bắt đầu các dự án giúp định hình các nguyên tắc của Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) phù hợp với “Tuyên bố chung hợp tác về AOIP” được công bố tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản năm ngoái.

Đối với vấn đề Myanmar, Bộ trưởng Motegi khẳng định rằng Đồng thuận 5 điểm mà các nhà lãnh đạo ASEAN đạt được đòi hỏi một bước đi tích cực hướng tới việc chấm dứt tình trạng bạo lực và bắt đầu đối thoại.

Ông cũng hoan nghênh việc ASEAN bổ nhiệm Bộ trưởng thứ hai Bộ Ngoại giao Brunei làm Đặc phái viên ASEAN về Myanmar, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn của Nhật Bản đối với các hoạt động của đặc phái viên này.

Bên cạnh đó, ông hy vọng đặc phái viên ASEAN về Myanmar sẽ sớm bắt đầu các hoạt động và mang lại những biến chuyển trong tương lai gần, trong đó có cuộc đối thoại giữa các bên liên quan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục