Nhiều cổ phiếu mới lên sàn giảm mạnh khi thị trường điều chỉnh

Nhìn vào lịch sử giao dịch của các mã cổ phiếu mới lên sàn kể từ đầu năm đến nay, có thể thấy nhiều mã giảm mạnh ngay khi vừa lên sàn, thậm chí là nhiều phiên giảm sàn.
Nhiều cổ phiếu mới lên sàn giảm mạnh khi thị trường điều chỉnh ảnh 116,5 triệu cổ phiếu GMH chính thức được niêm yết trên HOSE. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 22.000 đồng/cổ phiếu, biên độ giao động giá +/-20%. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo lẽ thông thường, nhiều cổ phiếu mới lên sàn hoặc chuyển sàn sẽ tăng giá rất mạnh, thậm chí nhiều phiên tăng trần liên tiếp.

Tuy nhiên, nhìn vào lịch sử giao dịch của các mã cổ phiếu mới lên sàn kể từ đầu năm đến nay thì hoàn toàn ngược lại. Nhiều mã giảm mạnh ngay khi vừa lên sàn, thậm chí là nhiều phiên giảm sàn.

Diễn biến giảm giá của các cổ phiếu này khá tương đồng với thị trường chung. Tính từ phiên 7/1 đến hết phiên 24/1, VN-Index đã giảm 5,8%. Có thể kể đến trường hợp cổ phiếu GMH của Công ty cổ phần Minh Hưng Quảng Trị đã liên tiếp giảm hết biên độ từ khi lên sàn.

Theo đó, 16,5 triệu cổ phiếu GMH được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) từ ngày 12/1/2022. Giá tham chiếu ngày giao dịch đầu tiên là 22.000 đồng/cổ phần.

Sau khi tăng lên mức 28.200 cổ phiếu (chốt phiên 13/1), GMH đã có 6 phiên liên tiếp giảm sàn. Chốt phiên 25/1, GMH có giá 18.500 đồng/cổ phiếu, giảm gần 12% kể từ lúc lên sàn HOSE.

Công ty cổ phần Minh Hưng Quảng Trị là công ty sản xuất vật liệu xây dựng với hai sản phẩm chủ lực là gạch xây dựng và ximăng, chiếm thị phần lớn nhất ở tỉnh Quảng Trị và các tỉnh lân cận, nơi cơ sở hạ tầng phát triển mạnh thúc đẩy tăng trưởng tiêu thụ vật liệu xây dựng.

Công ty Cổ phần Minh Hưng Quảng Trị có vốn điều lệ 165 tỷ đồng, sở hữu 1 nhà máy xi măng công suất 160.000 tấn/năm, 3 nhà máy sản xuất gạch tuynel và 1 nhà máy sản xuất gạch không nung.

Ước tính doanh thu năm 2021 của công ty đạt khoảng 170 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 25,3 tỷ đồng tương đương EPS (thu nhập trên mỗi cổ phiếu) ước tính đạt 1.600 đồng/cổ phiếu.

Cũng vào ngày 12/1, tại HOSE, Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance) đã tổ chức khai trương niêm yết hơn 304,7 triệu cổ phiếu EVF trên sàn HOSE.

Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 19.050 đồng/cổ phiếu, biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên là +/-20% giá tham chiếu. Kết thúc phiên giao dịch 25/1, EVF có giá 15.850 đồng/cổ phiếu, giảm gần 17% kể từ khi chào sàn HOSE.

Ngày 13/1, hơn 5,6 triệu cổ phiếu HMR của Công ty cổ phần Đá Hoàng Mai vào giao dịch chính thức trên thị trường cổ phiếu niêm yết trên sàn HXN, với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 15.700 đồng/cổ phiếu.

Tổng giá trị cổ phiếu đăng ký niêm yết hơn 56 tỷ đồng. Từ khi niêm yết đến hết phiên 25/1, HMR đã giảm 4,4%.

[Ủy ban chứng khoán Nhà nước hủy 7 triệu cổ phiếu của Công ty ASA]

Ngày 20/1, HOSE đã tổ chức Lễ trao quyết định niêm yết và đưa hơn 267 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã chứng khoán: HHV), thuộc công ty mẹ là Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả.

Giá chào sàn 25.660 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị vốn hóa 6.861 tỷ đồng, biên độ giao động giá +/- 20% so với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên.

Nhiều cổ phiếu mới lên sàn giảm mạnh khi thị trường điều chỉnh ảnh 2Cổ phiếu EVF niêm yết giao dịch trên HOSE. (Ảnh: TTXVN phát)

Tại phiên giao dịch đầu tiên trên sàn HOSE, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả kỳ vọng, việc niêm yết tại HOSE là một dấu mốc quan trọng, khẳng định uy tín, sự minh bạch trong quản trị doanh nghiệp, mở ra nhiều cơ hội hợp tác phát triển, thu hút nguồn vốn trong nước và nước ngoài để đầu tư xây dựng nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Tuy nhiên, ngay sau khi chào sàn HOSE, HHV đã liên tiếp giảm mạnh, thậm chí giảm sàn. Tính từ phiên 21/1 đến hết phiên 25/1, HHV liên tục giảm mạnh với mức giảm 14,5%.

Ở chiều ngược lại, các mã mới lên sàn UPCOM tăng mạnh, nhưng thanh khoản thấp và diễn biến rất thất thường, biên độ dao động rất lớn, tăng trần hoặc giảm sàn.

Theo đó, 10 triệu cổ phiếu ODE của Công ty cổ phần Tập đoàn truyền thông và Giải trí ODE chính thức chào sàn UPCOM vào ngày 10/1/2022 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 36.000 đồng/cổ phiếu, tương đương vốn hóa tại giá chào sàn đạt 360 tỷ đồng.

Chốt phiên giao dịch 24/1, ODE tăng lên 60.600 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng 68,3%. Tuy nhiên, thanh khoản của ODE ở mức thấp.

Tập đoàn truyền thông và Giải trí ODE-ODE Group được thành lập vào năm 2016, hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực truyền thông, giải trí-truyền hình và tổ chức sự kiện… với quy mô vốn điều lệ tính đến hiện tại là 100 tỷ đồng.

Tương tự, ngày 10/1/2022, Công ty cổ phần Big Invest Group 5 triệu cổ phiếu BIG, tương ứng tổng giá trị đăng ký giao dịch là 50 tỷ đồng giao dịch trên thị trường UPCoM. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 10.900 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu này từ lúc lên UPCOM chỉ tăng trần hoặc giảm sàn. Theo đó, BIG có tới 6 phiên tăng trần liên tiếp, trước khi có 4 phiên liên tiếp giảm sàn. Dù vậy, tính từ lúc lên sàn đến hết phiên 25/1, BIG tăng gần 102%.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn với kỳ vọng sẽ có khởi đầu thuận lợi. Tuy nhiên, diễn biến thị trường chứng khoán trong tháng 1 không mấy tích cực, thậm chí có những nhóm cổ phiếu liên tiếp giảm sàn đã ảnh hưởng đến các cổ phiếu lên sàn hoặc chuyển sàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục