Nhìn lại những sự kiện ngành tài chính gây xôn xao năm 2018

Năm 2018 được nhớ tới với loạt đề xuất gây sóng dư luận như: tăng thuế bảo vệ môi trường, trao chức năng điều tra cho cơ quan thuế hay vấn đề tới hiện tại vẫn nhận nhiều tranh cãi: đánh thuế tài sản.
Nhìn lại những sự kiện ngành tài chính gây xôn xao năm 2018 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Năm 2018 được nhớ tới không chỉ bởi những kết quả vượt chỉ tiêu về thu ngân sách mà còn bởi loạt đề xuất gây sóng dư luận như: tăng thuế bảo vệ môi trường, trao chức năng điều tra cho cơ quan thuế hay vấn đề tới hiện tại vẫn nhận nhiều tranh cãi: đánh thuế tài sản.

Thu ngân sách vượt dự toán

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thu ngân sách 11 tháng đạt hơn 1,22 triệu tỷ đồng, bằng 92,7% dự toán năm, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017. Đáng chú ý trong số này là thu ngân sách ngành hải quan sau 11 tháng bằng tới 100,3% dự toán.

Qua đó, Bộ Tài chính dự kiến thu ngân sách năm nay là trên 1,358 triệu tỷ đồng, vượt 39.000 tỷ đồng so với dự toán (tăng 3% so với dự toán).

Tuy nhiên, theo đánh giá, số thu vượt dự toán chủ yếu từ các nguồn thu về nhà, đất và dầu thô, trong đó nhà, đất tăng 35,9% (38.705 tỷ đồng), dầu thô tăng 53,2% (19.100 tỷ đồng).

Nguồn thu từ 3 khu vực không đạt dự toán là khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 2,9% (4.908 tỷ đồng), thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 15,1%, (33.646 tỷ đồng), thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh giảm 2,2% (4.855 tỷ đồng).

Nhìn lại những sự kiện ngành tài chính gây xôn xao năm 2018 ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
 

Dậy sóng vì đề xuất đánh thuế đất, nhà trên 700 triệu đồng

Dự thảo Luật Thuế tài sản được công bố hồi đầu năm khiến dư luận được phen hốt hoảng.

Cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính đã nêu đề xuất đánh thuế ở mức 0,3%-0,4% với tài sản là đất và nhà ở. Riêng với nhà, Bộ Tài chính xây dựng đã nêu 2 phương án là lấy ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng hoặc lấy ngưỡng không chịu thuế là 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ quan này nghiêng về phương án ngưỡng chịu thuế là 700 triệu đồng.

Ngay sau khi dự thảo được công bố, nhiều ý kiến đã bày tỏ lo lắng vì riêng với thuế đất, người dân có thể phải nộp gấp 10 lần tiền sử dụng đất hiện tại. Hiện tại, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp khoảng 0,03%, thấp hơn nhiều so mức đề ra là 0,3-0,4%. Ngoài ra, người dân còn phải gánh thêm thuế nhà ở có thể lên tới tiền triệu mỗi năm.

Mới đây, ngày 12/12, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã công bố tính toán cho thấy, nếu áp thuế tài sản, mỗi gia đình tại Việt Nam sẽ phải rút ví khoảng 1,3 triệu đồng mỗi năm.

Trả lời báo chí, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Quốc hội chưa xem xét dự thảo Luật Thuế tài sản tới hết năm 2019. Theo ông, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về nội dung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và năm 2019 và không có dự án luật trên.

Nâng lên, đặt xuống chức năng điều tra cho cơ quan thuế

Chức năng điều tra cho cơ quan thuế là cụm từ được nhắc tới nhiều trong suốt năm qua. Đây là đề xuất được nêu trong dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi công bố lần đầu hồi tháng Bảy.

Cụ thể, thẩm quyền của cơ quan thuế là yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu để phục vụ việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, xác minh hành vi vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế. Ngoài ra, cơ quan này cũng được yêu cầu người nộp thuế cung cấp hồ sơ, chứng từ để kiểm tra khi có căn cứ cho rằng người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế.

Tuy nhiên, góp ý sau đó, một số bộ, ngành tỏ ra không đồng tình. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ lo lắng, cùng 1 cơ quan, cùng 1 bộ máy vừa thực hiện thu thuế, vừa thực hiện thanh tra rồi lại thực hiện hoạt động điều tra thuế.

Bộ Thông tin và Truyền thông thì đề nghị không bổ sung chức năng điều tra thuế vì hiện nay chức năng điều tra theo quy định hiện hành không thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý thuế.

Trước những ý kiến này, Bộ Tài chính bày tỏ tiếp thu nhưng vẫn khẳng định việc thêm chức năng điều tra trong dự thảo là cần thiết. Tuy nhiên, tới cuối tháng 8, bản dự thảo sửa đổi được công bố đã không còn đề xuất trên...

Nhìn lại những sự kiện ngành tài chính gây xôn xao năm 2018 ảnh 3Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Chính thức tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường

Bộ Tài chính hồi đầu năm đã đề xuất nâng mức thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 3.000 đồng/lít lên kịch khung hiện tại là 4.000 đồng/lít. Dầu diesel cũng được đề nghị nâng mức thuế từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít. Tương tự, mức thuế với dầu mazut và dầu nhờn cũng được đề nghị nâng từ 900 đồng/lít lên kịch trần là 2.000 đồng/lít.

Phát biểu sau đó tại phiên họp báo Chính phủ tháng Tư, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định, đề xuất trên có cơ sở từ Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm cơ cấu lại ngân sách Nhà nước theo hướng đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Việc tăng mức thuế với xăng, dầu cũng căn cứ vào chiến lược thuế và tăng trưởng xanh, hạn chế các sản phẩm gây ô nhiễm.

Tới tháng 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo với các mức thuế như trên. Thời gian mức thuế này có hiệu lực là từ 1/1/2019.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vận tải đã tỏ ra lo lắng vì với mức tăng thêm 500-1.000 đồng sẽ là chi phí lớn với các đơn vị.

Chỉ số nộp thuế tụt sốc 45 bậc

Báo cáo môi trường kinh doanh 2019 (Doing Business 2019) được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cho thấy, chỉ số nộp thuế của Việt Nam tụt xuống vị trí 131, “rơi” 45 bậc so với năm ngoái. Đây là điều khá bất ngờ vì trong Báo cáo môi trường kinh doanh năm ngoái, chỉ số nộp thuế chính là điểm sáng khi tăng tới 81 bậc.

Theo lý giải của bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn PwC Việt Nam, lý do lớn nhất khiến thứ hạng thay đổi là sự thay đổi chính sách trong khâu hoàn thuế giá trị gia tăng.

Doanh nghiệp đánh giá được WB đưa ra là một doanh nghiệp nhỏ không có hoạt động đầu tư, không có hoạt động xuất khẩu trong năm khảo sát. Trước kia, tại Việt Nam, đây là doanh nghiệp có thể được hoàn thuế giá trị gia tăng nhưng hiện tại, các đơn vị này không thuộc diện được hoàn thuế. Bởi vậy, điểm số riêng phần này của Việt Nam bằng 0.

Tuy nhiên, một vấn đề cũng không thể phủ nhận trong Báo cáo môi trường kinh doanh 2019 là thời gian doanh nghiệp bỏ ra để chuẩn bị số liệu, tờ khai thuế vẫn chưa được cải thiện so với năm ngoái. Doanh nghiệp hiện vẫn làm tờ khai thuế chiết xuất số liệu từ sổ kế toán ra bảng excel. Việc này tốn nhiều thời gian. Trong khi ấy, doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý số liệu từ phần mềm tài chính kế toán.

Nhìn lại những sự kiện ngành tài chính gây xôn xao năm 2018 ảnh 4Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Chuyển hóa đơn giấy sang điện tử

Một trong những thay đổi lớn nay là quyết định chuyển từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử.

Cụ thể, nghị định số 119/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/11 đã quy định hộ, cá nhân kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên và có doanh thu năm trước liền kề từ 3 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng phải dùng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.

Ngoài ra, hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu năm trước liền kề từ 10 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ cũng phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.

Lý giải sự thay đổi trên, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân, Tổng cục Thuế cho biết, những quy định trên nhằm góp phần thúc đẩy các hộ kinh doanh lên doanh nghiệp và tránh tình trạng doanh nghiệp núp bóng hộ.

Tuy nhiên, phía ngành thuế cũng "trấn an" các hộ kinh doanh bởi Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2018 và các bên liên quan sẽ có thời gian 24 tháng để chuẩn bị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục