Những người cứu hộ tự nguyện tại các 'điểm đen' giao thông Quốc lộ 5

Từ 20 năm nay, người dân sinh sống gần các "điểm đen" giao thông trên quốc lộ 5 đoạn qua tỉnh Hải Dương đã thành lập các đội sơ cứu tự nguyện, sẵn sàng ứng cứu các nạn nhân bị tai nạn giao thông.
Các thành viên tại chốt sơ cấp cứu đang chuẩn bị những thiết bị cấp cứu khi có tai nạn xảy ra. (Ảnh: Tiến Vĩnh/TTXVN)
Các thành viên tại chốt sơ cấp cứu đang chuẩn bị những thiết bị cấp cứu khi có tai nạn xảy ra. (Ảnh: Tiến Vĩnh/TTXVN)

Những năm gần đây, mật độ các phương tiện tham gia giao thông trên quốc lộ 5 tăng cao, nhiều tuyến đường ngang nối với quốc lộ này là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông.

Với chiều dài 45km chạy qua địa bàn tỉnh Hải Dương, mỗi năm, trên tuyến quốc lộ này, hàng trăm vụ tai nạn giao thông lớn nhỏ đã xảy ra. Đặc biệt, khu vực huyện Kim Thành, xuất hiện nhiều "điểm đen" về tai nạn giao thông như: ga Phạm Xá, xã Cộng Hòa…

Nhiều vụ tai nạn giao thông đã làm chết và bị thương nhiều người. Tai nạn nghiêm trọng thường xảy ra vào thời điểm sáng sớm hoặc đêm khuya.

Để giúp đỡ những người gặp tai nạn, người dân sinh sống gần các "điểm đen" đã thành lập các đội sơ cứu và cấp cứu được nhiều người bị tan nạn khi tham gia giao thông trên quốc lộ 5.

Có người đã làm công việc cứu người như vậy trên 20 năm như ông Nguyễn Ngọc Tuy ở ga Phạm Xá, huyện Kim Thành.

Ông Nguyễn Ngọc Tuy tâm sự: "Chúng tôi làm việc này là tự nguyện, không nghĩ đến công xá gì cả. Nhà ở sát quốc lộ, khi thấy người bị tai nạn nằm đau đớn, tôi thấy không cầm lòng được nên đã đến giúp đỡ họ. Thấy thương xót thì tôi làm chứ không tính toán gì. Lâu dần, tôi có kinh nghiệm hơn thành quen, nên cứ thế là làm. Không chỉ cứu giúp người bị nạn ở gần nhà mà những vụ tai nạn ở cách nhà vài cây số trên tuyến quốc lộ 5, chúng tôi không kể ngày nắng, mưa, đêm tối đến tận nơi giúp đỡ họ."

Không chỉ có ông Tuy, nhiều người trong đội sơ cứu cũng đã có thâm niên hàng chục năm về cứu giúp người bị tai nạn giao thông trên quốc lộ 5.

[Hải Dương: Tai nạn giao thông nghiêm trọng, hai người tử vong]

Ông Nguyễn Văn Muôn, thôn Tân Hưng, xã Tuấn Việt, huyện Kim Thành cho biết: "Đội cứu nạn cứu hộ gồm có 5 thành viên. Khi có tai nạn xảy ra, được người dân trên tuyến đường thông báo qua điện thoại, chúng tôi đến ngay hiện trường. Tại đây, chúng tôi đánh giá về mức độ người bị nạn nhẹ hay nặng, nếu nhẹ sẽ đưa về trạm xá. Nặng hơn, chúng tôi đưa đi cấp cứu ở bệnh viện. Với những trường hợp bị thương, bằng kinh nghiệm và những kiến thức được tập huấn, chúng tôi tổ chức sơ cứu như nẹp chân, dùng cồn khử trùng vết thương và băng bó tạm thời để đưa đi bệnh viện."

Những người cứu hộ tự nguyện tại các 'điểm đen' giao thông Quốc lộ 5 ảnh 1Vị trí thường xuyên xảy ra tai nạn được chốt giao thông hỗ trợ tại xã Cộng Hòa huyện Kim Thành. (Ảnh: Tiến Vĩnh/TTXVN)

Ông Đào Quang Xuyên, thành viên của đội sơ cứu tai nạn giao thông, ở xã Cộng Hòa, huyện Kim Thành nhớ lại vụ tai nạn làm chết và bị thương nhiều người vào năm 2019 tại khu vực đường ngang trên quốc lộ 5, đối diện Ủy ban Nhân dân xã Cộng Hòa. Khi nhận được thông tin tai nạn lúc sáng sớm, ông và các thành viên đội sơ cứu ra ngay hiện trường.

Thấy người bị gãy chân, gãy tay, các thành viên lấy nẹp bó lại, sau đó gọi cho các y, bác sỹ đến hiện trường. Những trường hợp bị tai nạn nhưng có thể cõng được, đội đưa lên cáng hoặc trực tiếp cõng vào bệnh viện để cứu chữa".

Những năm trước, đội sơ cứu tai nạn giao thông trên quốc lộ 5 chủ yếu hoạt động tự phát, theo kinh nghiệm và bằng tình thương đối với người bị tai nạn. Chuyên môn và kiến thức chăm sóc y tế với người bị tai nạn còn hạn chế.

Năm 2006, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hải Dương phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh và được sự hỗ trợ của Đoàn y tế Tây Bắc Mỹ với dự án nâng cao năng lực hệ thống sơ cấp cứu quốc lộ 5, thành lập 7 trạm và 5 điểm sơ cấp cứu trên toàn tuyến quốc lộ này qua địa bàn tỉnh Hải Dương.

Chương trình đã hỗ trợ các trang thiết bị, dụng cụ y tế để các trạm, điểm sơ cấp cứu hoạt động; đồng thời tập huấn cho 100 tình nguyện viên dọc tuyến quốc lộ 5 và đào tạo cho 20 tình nguyện viên cấp tỉnh, 270 thanh niên, công nhân lao động tại các doanh nghiệp trên tuyến đường các phương pháp và kỹ năng sơ cứu.

Năm 2002, Hội Chữ thập đỏ tỉnh thành lập thêm hai điểm chốt sơ cấp cứu tại huyện Kim Thành, nâng tổng số các điểm chốt sơ cấp cứu dọc tuyến đường quốc lộ 5 lên 14 điểm.

Theo thống kê của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, hàng năm, mỗi chốt sơ cấp cứu đã sơ cấp cứu cho 165 người bị tai nạn giao thông của 70-80 vụ tai nạn trên quốc lộ.

Anh Nguyễn Văn Thế, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hải Dương cho biết, trước đây, các thành viên tại các trạm, điểm sơ cấp cứu chưa được tập huấn về kỹ năng nghiệp vụ. Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức tập huấn về kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu cho 150-200 tình nguyện viên tại các trạm, điểm sơ cấp cứu.

Đến nay, hầu hết các tình nguyện viên này đều có chứng chỉ và đảm bảo về chuyên môn sơ cấp cứu ban đầu cho người bị tai nạn giao thông.

Các thành viên của tổ sơ cấp cứu chủ yếu là người dân địa phương, cũng là thành viên của Hội Chữ thập đỏ của xã. Những thành viên này làm việc với tâm huyết và mong muốn chia sẻ những khó khăn với những nạn nhân không may bị tai nạn giao thông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục