Nối lại cuộc đàm phán về tái thống nhất đảo Cyprus

Lãnh đạo cộng đồng người Cyprus gốc Hy Lạp và người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ gặp nhau tại Nicosia để nối lại cuộc đàm phán tái thống nhất quốc đảo này. 

Ngày 11/2, lãnh đạo cộng đồng người Cyprus gốc Hy Lạp Nicos Anastasiades và người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ Dervis Eroglu gặp nhau tại Nicosia để nối lại cuộc đàm phán tái thống nhất quốc đảo này, vốn bị ngưng trệ từ năm 2012.

Cuộc gặp dự kiến được tổ chức ở địa điểm trung lập tại khu vực vốn là một sân bay bị bỏ hoang ở thủ đô Nicosia, hiện đang là căn cứ đóng quân của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Theo kế hoạch, Tổng thống Cộng hòa Cyprus Anastasiades - người được quốc tế thừa nhận - và lãnh đạo khu vực phía Bắc đảo này Eroglu sẽ ủy nhiệm cho phái viên Liên hợp quốc đọc tuyên bố chung giữa hai bên, trong đó xác định những nguyên tắc cơ bản trong đàm phán tái thống nhất.

Các thành viên đoàn đàm phán hai bên sẽ thảo luận về nội dung chi tiết của thỏa thuận nhằm chấm dứt sự chia cắt giữa hai vùng lãnh thổ sau cuộc chiến tranh năm 1974, thời điểm mà lợi dụng cuộc đảo chính của người Cyprus gốc Hy Lạp theo chủ nghĩa dân tộc, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa quân chiếm đóng khu vực phía Bắc đảo Cyprus, lập nên "Cộng hòa miền Bắc đảo Cyprus", đồng thời ủng hộ về chính trị và hỗ trợ tài chính cho chính quyền ở khu vực này.

Lãnh đạo đoàn đàm phán hai bên hy vọng cuộc gặp ngày 11/2 sẽ là điểm khởi đầu của các vòng đàm phán mang lại kết quả tiếp theo và tuyên bố sẽ nỗ lực nhằm đạt mục tiêu này.

Cuộc gặp chính thức đầu tiên trong vòng 18 tháng qua của lãnh đạo các bên tại đảo Cyprus đã nhận được sự quan tâm của dư luận quốc tế.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels (Bỉ), Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu và Ủy viên phụ trách việc mở rộng Liên minh châu Âu (EU) Stefan Füle trong cuộc hội đàm chung đã bày tỏ sự ủng hộ và hoan nghênh việc nối lại đàm phán tái thống nhất đảo Cyprus.

Thời gian qua, sự chia cắt ở Cyprus được xem là một trong những trở ngại của mối quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là đối với mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU, do Cộng hòa Cyprus hiện là thành viên có quyền phủ quyết của EU.

Trong khi đó, các chuyên gia quan hệ quốc tế đánh giá việc đạt được tuyên bố chung nêu trên là một "tín hiệu tốt" sau hàng loạt các vòng đàm phán thất bại trước đó.

Tuyên bố chung này giúp xác định phương hướng cho các vòng đàm phán tiếp theo nhằm hướng tới mục tiêu chấm dứt sự chia cắt, hình thành một chính phủ thống nhất ở Cyprus.

Tuy nhiên, lãnh đạo đảng Dân chủ trong chính phủ liên minh trung hữu của Tổng thống Nicos Anastasiades, ông Nicholas Papadopoulos thì cho rằng tuyên bố chung nói trên là "không cân bằng" và tuyên bố sẽ rút khỏi chính phủ liên minh; đe dọa tới việc triển khai chương trình cải cách kinh tế trong khuôn khổ gói cứu trợ trị giá 10 tỉ euro mà Chính phủ Cộng hòa Cyprus đã cam kết với EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi năm ngoái./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục