Nước Mỹ với quyết tâm hình thành chuẩn mực và thỏa thuận toàn cầu mới

Nước Mỹ với quyết tâm hình thành chuẩn mực, thỏa thuận toàn cầu mới

Một số nhà phân tích cho rằng các dấu hiệu cho thấy trọng tâm an ninh quốc gia của Mỹ đã chuyển từ các mối đe dọa như khủng bố sang cạnh tranh với các "cường quốc" như Trung Quốc.
Nước Mỹ với quyết tâm hình thành chuẩn mực, thỏa thuận toàn cầu mới ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Washington, DC. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Mạng Quan sát Thượng Hải đưa tin ngày 3/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony John Blinken đã có bài phát biểu quan trọng đầu tiên kể từ khi nhậm chức, trong đó khái quát những vấn đề ưu tiên của Chính quyền tân Tổng thống Biden trong lĩnh vực ngoại giao, đặc biệt coi Trung Quốc là một thách thức lớn.

Cùng ngày, Chính quyền ông Biden cũng ban hành tài liệu "Chỉ dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia lâm thời," nội dung của tài liệu này cũng gần tương tự bài phát biểu của Ngoại trưởng Blinken.

Một số nhà phân tích cho rằng các dấu hiệu cho thấy trọng tâm an ninh quốc gia của Mỹ đã chuyển từ các mối đe dọa như khủng bố sang cạnh tranh với các "cường quốc" như Trung Quốc.

8 ưu tiên của tân Ngoại trưởng

Ông Blinken đã liệt kê 8 ưu tiên cấp bách nhất trong chính sách đối ngoại của Chính quyền ông Biden, gồm chấm dứt đại dịch COVID-19, khôi phục nền kinh tế trong và ngoài nước, phục hồi nền dân chủ, cải cách nhập cư, khôi phục quan hệ đồng minh, ứng phó với biến đổi khí hậu, duy trì vị trí dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ và đối phó với Trung Quốc.

Về vấn đề chấm dứt đại dịch COVID-19, ông Blinken cho rằng Mỹ cần tập trung vào việc tiêm chủng cho tất cả người dân Mỹ và tài trợ cho công tác tiêm chủng toàn cầu. Ông lưu ý: "Trước khi hầu hết các quốc gia trên thế giới được miễn dịch, sẽ không có ai trong chúng ta hoàn toàn an toàn."

Về vấn đề nhập cư, Ngoại trưởng Mỹ cho rằng Chính quyền ông Biden sẽ tiếp tục bảo vệ biên giới Mỹ, đồng thời tìm kiếm một "giải pháp đơn giản mà giữ được thể diện" cho hàng nghìn người Trung Mỹ đang cố gắng tìm mọi cách vào nước này.

Ông Blinken thừa nhận chính sách đối ngoại của Mỹ trước đây tồn tại nhiều bất cập: "Một số người trong chúng tôi trước đây chủ trương ủng hộ các hiệp định thương mại tự do, bởi chúng tôi tin rằng điều này sẽ giúp người Mỹ sẽ chia sẻ rộng rãi những lợi ích kinh tế.

Tuy nhiên, chúng tôi chưa tìm hiểu ai sẽ bị tác động tiêu cực và cần thực hiện những biện pháp nào để làm giảm nỗi khổ của họ. Chúng tôi vẫn chưa làm đủ."

[Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đưa nước Mỹ trở lại thời kỳ hoàng kim? ]

Về thương mại, ông Blinken cho biết, "cách tiếp cận hiện tại của chúng tôi sẽ khác so với trước. Chúng tôi sẽ đấu tranh vì công việc của mỗi người dân Mỹ và sẽ phấn đấu vì quyền lợi, sự bảo vệ và lợi ích của tất cả người lao động Mỹ."

Truyền thông Mỹ cho rằng không rõ ông Biden sẽ tiếp cận đường lối cứng rắn về thương mại toàn cầu của người tiền nhiệm Donald Trump ở mức độ nào, song theo ông Blinken, Chính quyền Tổng thống Biden sẽ "sử dụng mọi công cụ" để ngăn chặn hành vi thao túng tỷ giá hối đoái và đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ.

Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh rằng trong thời kỳ ông Biden cầm quyền, các chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ gắn chặt với nhau. Sau cuộc bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội, việc củng cố nền dân chủ là ưu tiên hàng đầu của chính sách đối ngoại, trong khi sự khôi phục trong nước hoàn toàn gắn liền với thực lực nước Mỹ trên thế giới.

Mỹ coi Trung Quốc là trọng điểm

Trong bài phát biểu, ông Blinken cho rằng một số quốc gia đã đặt ra "những thách thức nghiêm trọng" đối với Mỹ, bao gồm Nga, Iran và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Ngoài ra, Washington còn phải đối phó với một số cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, trong đó có khủng hoảng ở Yemen, Ethiopia và Myanmar.

"Tuy nhiên, những thách thức mà Trung Quốc đặt ra lại khác". Ông Blinken mô tả mối quan hệ Mỹ-Trung là "cuộc khảo nghiệm địa chính trị lớn nhất thế kỷ XXI," và coi Trung Quốc là "quốc gia duy nhất có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ và tạo nên những thách thức nghiêm trọng trong mối quan hệ quốc tế ổn định và cởi mở."

Theo quan điểm của ông Blinken, mối quan hệ của nước Mỹ với Trung Quốc phải là cạnh tranh khi phải cạnh tranh, hợp tác khi có thể hợp tác và đối đầu khi cần phải đối đầu. Đặc điểm chung là cần phải tiếp xúc với Trung Quốc với địa vị thực lực.

Theo nhà lãnh đạo, điều này đòi hỏi nước Mỹ đầu tư vào "công nhân, công ty và công nghệ Mỹ" và đối với bên ngoài phải hợp tác với các đồng minh và đối tác, thông qua các biện pháp ngoại giao và các tổ chức quốc tế.

Theo Reuters, trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc có nhiều bất đồng trong các vấn đề như mức độ ảnh hưởng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, kinh tế-thương mại, vấn đề của Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, Chính quyền ông Biden coi "cạnh tranh ngày càng tăng với Trung Quốc" là thách thức chính mà Mỹ phải đối mặt.

Ông Biden hy vọng sẽ đi theo một con đường khác với chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của cựu Tổng thống Trump bằng cách thiết lập lại quan hệ với các đồng minh và tập trung vào ngoại giao đa phương, song ông cũng nhận thức được rằng kể từ thời của hai cựu Tổng thống Obama và Trump, thế giới đã không còn như trước.

Các "chính khách" truyền thông Mỹ chỉ ra rằng hầu hết bài phát biểu của ông Blinken đều là những cam kết mà Tổng thống Biden và ông Blinken đã nhiều lần đưa ra trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2020 và sau khi ông Biden thắng cử.

Nhưng nhìn chung, nội dung bài phát biểu thể hiện rõ rằng trọng tâm của các cuộc thảo luận về an ninh quốc gia ở Washington ở mức độ tương đối lớn, đã chuyển từ các mối đe dọa như khủng bố sang cạnh tranh với các "cường quốc" như Trung Quốc.

Mặc dù vậy, cũng có quan điểm cho rằng chiến lược của Chính quyền Tổng thống Biden vẫn chưa rõ ràng. Cựu quan chức ngoại giao và là quan chức Nhà Trắng trong chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, Brett Bruen, cho hay: "Chúng ta không thể dễ dàng đối đầu với Trung Quốc."

Cùng ngày, Chính quyền Tổng thống Biden cũng công bố tài liệu "Chỉ dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia lâm thời" dài hơn 20 trang, nội dung cũng tương tự bài phát biểu của ông Blinken. Tài liệu có viết: "Bằng cách khôi phục uy tín của Mỹ và tái lập vai trò lãnh đạo toàn cầu hướng tới tương lai, chúng tôi sẽ đảm bảo rằng Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, sẽ thiết lập chương trình nghị sự quốc tế."

Mỹ sẽ "cùng nỗ lực với các các quốc gia khác để hình thành các chuẩn mực và thỏa thuận toàn cầu mới." Truyền thông Mỹ cho rằng "Chỉ dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia lâm thời" được coi là kế hoạch chính sách đối ngoại thời kỳ đầu của Chính quyền ông Biden và dự kiến sẽ công bố chiến lược an ninh quốc gia chính thức vào cuối năm nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục