Đường 500KV dễ tổn thương

“Phải đầu tư thêm đường dây 500KV hòa lưới điện”

Để tránh lặp lại sự cố mất điện diện rộng, Tập đoàn điện lực Việt Nam cần phải đầu tư và phân bổ hợp lý vào các đường dây 500KV.


Liên quan đến việc dư luận những ngày gần đây quan tâm tới sự cố mất điện ở 22 tỉnh thành miền Nam, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5/2013 của Văn phòng Chính phủ tổ chức vào trưa nay (26/5), Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, đất nước của chúng ta trải dài, lưới điện chằng chịt rất lớn nhưng đầu dẫn điện vào mới có vài mạch 500kV. Thời gian tới đây, chúng ta phải tăng cường đầu tư thêm các đường dây 500KV dẫn vào lưới này, cũng như đầu tư thêm một số nguồn phát điện được phân bổ hợp lý.

Đường dây 500KV "dễ tổn thương"

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng thừa nhận: "Sự cố mất điện này là chưa từng có, các đồng chí ngành điện dùng thuật ngữ là 'rã lưới', để khắc phục không phải đơn giản, không phải mất một cái là có thể đóng lại được ngay".

“Không chỉ 22 tỉnh, thành miền Nam mất điện mà ở Campuchia cũng bị mất theo. Ngay khi sự cố xảy ra, Chính phủ cũng nhận được ý kiến từ phía Campuchia là thủ đô Phnom Penh mất điện và phía nước bạn hỏi không biết có vấn đề gì không. Chúng ta phải giải thích rằng 22 tỉnh, thành của Việt Nam cũng mất điện. Hậu quả đến bây giờ chưa tính toán được chính xác, nhưng rất lớn, không chỉ về kinh tế mà còn về xã hội,” Bộ trưởng Vũ Đức Đam bộc bạch.

[Toàn TP.HCM mất điện do sự cố đường dây 500KV]


Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, ngay sau khi xảy ra sự cố mất điện tại các tỉnh thành Miền Nam, Chính phủ đã chỉ đạo giải quyết ngay tức thì, đồng thời đương nhiên sau mỗi sự cố cũng yêu cầu các cơ quan chức năng, trong trường hợp này là Bộ Công Thương báo cáo. Thủ tướng Chính phủ đã nghe ý kiến của Bộ Công Thương và yêu cầu Bộ này phải xem xét một cách rất nghiêm túc tất cả mọi mặt để làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm.

“Chính phủ cũng yêu cầu ngành điện xem xét lại toàn diện các vấn đề để đảm bảo không lặp lại các sự cố như vậy và các sự cố có tính nghiêm trọng tương tự,” Bộ trưởng Đam khẳng định.

Tham dự tại cuộc họp báo này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cũng thừa nhận, sự cố mất điện diện rộng ở miền Nam đã cho thấy tính dễ tổn thương của đường dây truyền tải 500KV.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Dương Quang cho rằng, sự cố mất điện diện rộng tại khu vực miền Nam không chỉ duy nhất xảy ra ở nước ta mà cũng đã xảy ra tương tự ở một số nước phát triển hơn nước ta rất nhiều. Nhưng ông Quang nhận định rằng quá trình xử lý sự cố là tương đối tốt, sau 2 tiếng đồng hồ đã khôi phục điện lưới, sau 5 tiếng đồng hồ Thành phố Hồ Chí Minh đã được cấp điện và sau 8 tiếng đồng hồ toàn bộ các tỉnh đã được cấp điện trở lại.

Ngoài ra, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng cho biết, theo sơ bộ báo cáo của Bộ Công Thương, ngoài lý do mang tính sự cố, cũng còn lý do mang tính kỹ thuật là đất nước của chúng ta trải dài, lưới điện chằng chịt rất lớn.

“Nếu đúng ra, với một mạng lưới mạng nhện chằng chịt lớn như vậy, chúng ta phải có nhiều đầu vào, có nghĩa là, tới đây chúng ta phải tăng cường đầu tư thêm các đường dây 500KV dẫn vào lưới này, cũng như đầu tư thêm một số nguồn phát điện được phân bổ hợp lý,” Bộ trưởng Vũ Đức Đam yêu cầu.

Gắn trách nhiệm của địa phương

Phản bác lại các ý kiến cho rằng, nghành điện chưa có phương án đối phó được với sự cố, Bộ trưởng Vũ Đức Đam thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Không phải chúng ta chưa lường được mà trong quy hoạch điện được duyệt đã tính hết các công trình này. Chính phủ cũng đang chỉ đạo Bộ Công Thương và ngành điện tích cực tìm các nguồn vốn đầu tư nhanh, bởi nếu không đầu tư nhanh, kịp thời, đất nước thiếu điện thì công nghiệp không phát triển. Điện như thức ăn của công nghiệp.”

Nhằm khắc phục và tránh gặp lại sự cố mất điện diện rộng, Thứ trưởng Lê Dương Quang cũng kiến nghị phải tìm mọi cách đẩy nhanh dự án nguồn điện ở khu vực phía Nam bởi hiện nay, khu vực này có nhu cầu về tiêu dùng điện cao hơn đồng thời ngành điện cũng phải tập trung đẩy nhanh triển khai một số công trình đường dây 500KV đã được phê duyệt.

[Đã khôi phục hoàn toàn hệ thống điện ở miền Nam]

“Hiện nay, việc triển khai công trình cũng đang gặp một số khó khăn khi các địa phương cũng chưa nhiệt tình trong việc thu hồi đất để triển khai những công trình đường dây 500KV. Công trình đã nằm trong quy hoạch được phê duyệt nên các địa phương cũng cần ủng hộ để chúng tôi thực hiện,” Thứ trưởng Lê Dương Quang giãi bày.

Liên quan đến trách nhiệm tham gia bảo vệ lưới điện, Thứ trưởng Lê Dương Quang cũng mong mỏi sự ủng hộ, giúp đỡ và vào cuộc của các địa phương phối hợp với lực lượng của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).

“Sự cố vừa rồi rất hy hữu, nếu tất cả địa phương, nhân dân, tổ chức, đơn vị tại nơi đường dây đi qua có trách nhiệm bảo vệ thì nguy cơ xảy ra sự cố sẽ ít hơn rất nhiều,” Thứ trưởng Lê Dương Quang bày tỏ quan điểm.

Đồng tình quan điểm đó, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng đặt ra câu hỏi cần quy trách nhiệm của ngành, cấp liên quan tới việc thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn hành lang này đã nghiêm túc chưa trong khi đã có Luật để bảo đảm an toàn các công trình, trong đó có các công trình điện, đặc biệt có công trình hành lang lưới điện cao áp.

Đề cập đến giá điện, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: “Chính phủ kiên trì lộ trình điều hành giá điện từng bước tiến tới thị trường. Ngoài việc đảm bảo yêu cầu về giá cho công nghiệp và cho đời sống của nhân dân, còn yêu cầu rất quan trọng nữa là phải có mặt bằng giá hợp lý để thị trường không bị méo mó, theo đúng cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và cũng là tạo sự hấp dẫn để huy động được các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh đầu tư không chỉ phát triển nguồn điện mà kể cả các công trình cần thiết trong mạng lưới điện.”/.

Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục