'Phao cứu sinh' thời đại dịch COVID-19 cho ngành dịch vụ

Trong tình huống khó khăn, các nhà hàng kinh doanh ăn uống, các cửa hiệu bán lẻ... đã chuyển đổi cách thức kinh doanh để giảm thiểu tối đa thiệt hại do đại dịch COVID-19.
'Phao cứu sinh' thời đại dịch COVID-19 cho ngành dịch vụ ảnh 1Dịch vụ mua hàng trên xe của McDonald. (Nguồn: news.sky.com)

Đại dịch COVID-19 đã gây tổn thất cho hầu hết ngành nghề trên toàn cầu, trong đó dịch vụ được cho là một trong những ngành chịu tác động nặng nề nhất.

Các lệnh phong tỏa đã làm gián đoạn nhiều loại hình chuỗi cung ứng khác nhau. Dịch bệnh gây ra những hệ lụy nghiêm trọng khi cướp đi 255 triệu việc làm toàn thời gian trong năm ngoái, gần gấp 4 lần số việc làm bị giảm sút trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế năm 2009, đồng thời khiến kinh tế thế giới suy giảm mạnh chưa từng thấy trong nhiều thập niên.

Trong tình huống khó khăn này, các nhà hàng kinh doanh ăn uống, các cửa hiệu bán lẻ... đã chuyển đổi cách thức kinh doanh để giảm thiểu tối đa thiệt hại do đại dịch COVID-19.

[ILO: Thế giới mất đi hơn 250 triệu việc làm trong năm 2020]

McDonald’s - chuỗi cửa hàng bán bánh mỳ kẹp thịt (còn gọi là burger) với hơn 38.000 nhà hàng ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đối mặt với tình huống doanh số bán hàng trong tháng 3/2020 giảm mạnh, tại Mỹ giảm 13,4%, trong khi ở thị trường quốc tế giảm 34,7%.

Để thoát khỏi đợt khủng hoảng này, McDonald’s đã thực hiện những cải tiến để không chỉ duy trì hoạt động kinh doanh mà thậm chí còn đạt kết quả ngoài mong đợi khi dịch bệnh vẫn chưa được giải quyết triệt để trên toàn cầu.

Vào tháng 4 cùng năm, hầu hết các nhà hàng McDonald's ở Mỹ chỉ hoạt động thông qua các hình thức bán hàng như mua hàng trên xe (drive-thru), giao hàng tận nơi (delivery) và mua hàng mang đi (take-away).

Tình hình tương tự cũng xảy ra ở thị trường nước ngoài nhưng chỉ có 45% số nhà hàng hoạt động theo kiểu này.

Chuỗi nhà hàng bán đồ ăn nhanh này tung ra chiến lược tăng trưởng mới, không chỉ tập trung vào chất lượng thực phẩm mà còn chú trọng vào việc giúp người tiêu dùng dễ dàng và thuận tiện hơn trong việc đặt hàng trong thời kỳ đại dịch.

Với nền tảng cơ bản gần 95% nhà hàng McDonald's tại Mỹ và 65% nhà hàng trên toàn thế giới có hệ thống “Drive-thru,” McDonald's đã đặc biệt tập trung phát triển hơn nữa kế hoạch mà “gã khổng lồ” trong lĩnh vực đồ ăn nhanh này gọi là “3D,” gồm Digital (kỹ thuật số), Delivery và Drive-thru, để nhanh chóng đáp ứng được yêu cầu hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp.

McDonald's đặt mục tiêu giúp khách hàng có trải nghiệm mới mẻ hơn và nhanh hơn khi đặt hàng qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, bảng thực đơn điện tử hay kiốt đặt hàng tự động tại các nhà hàng McDonald's.

Điều đáng chú ý là McDonald's đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các phần mềm đặt hàng, giúp khách hàng có thể đặt hàng bằng giọng nói mà không cần chạm - một yếu tố quan trọng có thể tránh nguy cơ mắc bệnh COVID-19, đồng thời tăng tốc độ đặt hàng tại các hệ thống “Drive-thru.”

Hệ thống “Drive-thru” giúp khách hàng không phải xuống xe mà chỉ cần đưa tay ra hoặc đặt hàng bằng giọng nói với bảng điện tử của hệ thống này ở các nhà hàng của McDonald's, sau đó di chuyển đến quầy nhận hàng và tiếp tục hành trình.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành McDonald's Chris Kempczinski cho rằng dịch vụ “càng nhanh thì càng an toàn” trong thời kỳ dịch bệnh.

Bên cạnh việc tăng tốc độ đặt hàng, McDonald's còn đẩy nhanh tốc độ phục vụ bằng cách đơn giản hóa thực đơn nhưng vẫn tập trung vào những món trứ danh đã làm nên tên tuổi của thương hiệu đồ ăn nhanh này như các loại burger Big Mac, Quarter Pounder, gà McNugget và khoai tây chiên - chiếm 70% số món trong thực đơn.

McDonald's cũng ra mắt nhiều món ăn mới mà không quá phức tạp trong khâu chế biến như món bánh táo nướng để rút ngắn thời gian chuẩn bị đơn hàng.

Nhờ những chiến lược cụ thể và kịp thời, tháng 9/2020, McDonald's đã đạt kết quả kinh doanh tháng tốt nhất trong gần một thập niên. Điều này đã giúp doanh số bán hàng toàn cầu của McDonald's trong quý 3/2020 chỉ giảm 2,2%, xuống 5,42 tỷ USD, một sự cải thiện đáng kể so với mức giảm của quý trước đó là hơn 30%.

Single O là thương hiệu kinh doanh đồ uống càphê và chế biến hạt càphê ở Sydney, Australia.

Không nằm ngoài vòng xoáy tác động của đại dịch, khi tất cả các quán càphê tại Sydney phải đóng cửa, Single O mất khách hàng tiêu thụ càphê xay.

'Phao cứu sinh' thời đại dịch COVID-19 cho ngành dịch vụ ảnh 2Thương hiệu Single O ra mắt mô hình kinh doanh mới, mang tên Stimulus Blend. (Nguồn: singleo.com.au)

Tuy nhiên, không cam chịu chứng kiến hoạt động kinh doanh được khởi nghiệp từ năm 2003 có nguy cơ “đắp chiếu,” chủ doanh nghiệp Dean và Emma đã nhanh chóng nghĩ ra mô hình kinh doanh mới, mang tên “Stimulus Blend” (Phối vị kích thích).

Thực chất đây là mô hình kinh doanh kiểu “bán hàng mang về nhà,” cung cấp càphê và đồ ăn đóng gói sẵn để giao đến tận nhà người tiêu dùng, thay cho việc phục vụ khách hàng trực tiếp tại quán.

Single O cũng mở một kênh bán hàng trực tuyến cho khách hàng mua buôn theo chương trình có tên là “Kickback” (tiền lại quả). Theo đó, các quán càphê phải đóng cửa sẽ thu được tiền lại quả trị giá 30% nếu khách hàng của những quán này đặt hàng trực tiếp từ Single O.

Ông Miles Thomas, Giám đốc tiếp thị và khách hàng của Single O, cho rằng nếu không có đại dịch thì sẽ phải mất vài tháng trời để nghĩ ra được những chương trình kinh doanh mới như vậy.

Tuy nhiên, chính sự cần thiết phải thay đổi đã trở thành động lực thúc đẩy óc sáng tạo để cứu vãn hoạt động kinh doanh.

Ông Miles nói: “Đây là mô hình kinh doanh càphê mới cho một trật tự thế giới mới thời kỳ trong và hậu COVID-19.”

Tại thành phố Nam Melbourne, quán càphê St Ali cũng chuyển đổi từ bán hàng phục vụ tại cửa hàng sang mô hình kinh doanh bán hàng trực tuyến và kinh doanh thêm mặt hàng mới là khẩu trang và dung dịch vệ sinh.

Chủ doanh nghiệp St Ali, ông Salvatore Malatesta giải thích về quyết định chuyển đổi nói trên: “Việc chuyển đổi sang hình thức trực tuyến kết hợp với kinh doanh mặt hàng phục vụ cộng đồng đối phó với đại dịch không chỉ giúp chúng tôi duy trì việc làm cho nhiều nhân viên, duy trì nguồn vốn cho doanh nghiệp, mà chúng tôi còn giúp đáp ứng nhu cầu sử dụng mặt hàng mà mọi người đang rất cần trên thị trường.”

Chủ doanh nghiệp này cũng tiết lộ doanh số bán hàng trực tuyến của ông đã tăng gấp 10 lần so với thời kỳ không phải dịch bệnh.

Ngoài Single O và St Ali, các quán càphê khác ở Australia như Sample Coffee và Loggerhead tại Sydney đều thiết kế các chương trình bán hàng giao tận nhà và nhận đặt hàng qua mạng trực tuyến.

Cùng với chuyển đổi cách thức bán hàng, nhiều doanh nghiệp còn cải tiến mô hình vận chuyển hàng hóa bán lẻ đến tay người tiêu dùng, sử dụng robot để giao hàng cho khách.

Tại thị trấn Milton Keynes của nước Anh, dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng robot đã phát huy hết công suất.

Dịch vụ này nằm dưới sự điều hành của Starship Technologies, một công ty có trụ sở tại San Francisco chuyên phát triển robot tự lái cỡ nhỏ để vận chuyển hàng hóa.

Robot được thiết kế gồm một thùng đựng hàng nhỏ đặt trên trục 6 bánh xe. Khách hàng sử dụng một phần mềm mua hàng trực tuyến để đặt hàng rau củ quả và các mặt hàng khác, sau đó sử dụng phần mềm để truy vết hành trình của robot. Họ chỉ cần mở nắp và lấy hàng trong thùng ra khi robot đến cửa nhà.

Trước khi đại dịch “gõ cửa” nước Anh, dịch vụ vận chuyển robot này đã vận hành tại thành phố của Anh từ năm 2018.

Khi các biện pháp phong tỏa được áp đặt, nhu cầu sử dụng hình thức vận chuyển này tăng đột biến, khiến Starship Technologies phải tăng gấp đôi số lượng robot phục vụ lên hơn 100 chiếc.

Ông Harris Burland, Phó giám đốc bộ phận tiếp thị và truyền thông của Starship, cho rằng người dân sẽ khó lòng quay lại thói quen mua bán truyền thống trước kia. Ông dự báo: “Sẽ ngày càng có nhiều người sử dụng dịch vụ robot chuyển hàng hơn và xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển.”

Tập đoàn Starship Technologies đã nhân rộng mô hình này tại thêm 6 thành phố mới trên thế giới, bao gồm thủ đô Washington (Mỹ).

Thực tế, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, lĩnh vực nhà hàng và dịch vụ bán lẻ đã và đang trong quá trình chuyển đổi sang mô hình bán hàng trực tuyến và phân phối hàng đến tận tay người tiêu dùng.

Đại dịch đã đẩy mạnh tốc độ chuyển đổi này do doanh nghiệp nhận thức được tính cấp thiết khi phải đối mặt với sức ép ngày một lớn với nguy cơ phải đóng cửa dẫn đến phá sản.

Để tồn tại và phát triển trong đại dịch, các doanh nghiệp cần các mô hình kinh doanh mới, mô hình hoạt động mới. Sự chuyển đổi này có thể diễn ra ở 5 khía cạnh: chuyển đổi mô hình phân phối đến người tiêu dùng, chuyển đổi cách thức vận chuyển và phân phối đến người tiêu dùng, chuyển đổi chuỗi cung ứng, chuyển đổi về kinh nghiệm duy trì cửa hàng và chuyển lý đội ngũ quản lý kinh doanh.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành suốt hơn 1 năm qua ở mọi lục địa trên toàn cầu và đang tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, người tiêu dùng đã thay đổi hành vi mua sắm với tốc độ chưa từng thấy, từ việc đến tận nơi mua hàng đã chuyển sang hình thức giao hàng tại nhà thông qua các ứng dụng mua hàng trực tuyến.

Thực tế này vừa là thách thức để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh nhưng cũng vừa là cơ hội để có thể tìm kiếm các hướng đi mới. Như lời Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành McDonald's, ông Kempczinski, bối cảnh hiện nay có thể mang đến "cơ hội để chúng tôi viết lên một chương mới cho McDonald's."

Khi thế giới đang phát triển theo xu hướng kinh tế số, hầu hết hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số và sử dụng các tiện ích công nghệ để vận hành. Giới chuyên gia cho rằng không chỉ McDonald's mà các doanh nghiệp khác cũng buộc phải thích ứng và đổi mới hoạt động để tồn tại, phát triển trong hoàn cảnh mới.

Với sự phát triển của cách mạng 4.0, các nền tảng công nghệ kỹ thuật số được ứng dụng phù hợp và hiệu quả đã thực sự là phao cứu sinh cho nhiều doanh nghiệp trong thời kỳ đại dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục