"Phát súng" của D.Trump cho hòa bình Trung Đông

Kế hoạch Hòa bình Trung Đông của Mỹ ngay sau khi được công bố đã nhận được những phản ứng trái chiều từ các quốc gia trong khu vực.
"Phát súng" của D.Trump cho hòa bình Trung Đông ảnh 1Xe quân sự Israel tuần tra tại khu vực giáp giới Dải Gaza sau xung đột với người biểu tình Palestine ngày 1/8/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 28/1 đã công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông.

Đây được coi là một văn kiện mở ra con đường hướng tới giải pháp Hai nhà nước đối với Palestine và Israel, song kế hoạch này cũng sẽ mang đến một nỗi thất vọng lớn cho Palestine và một số quốc gia khác.

Kế hoạch hòa bình Trung Đông kêu gọi chính quyền Palestine trong vòng 4 năm tới sẽ đáp ứng các điều kiện cần do Mỹ đề xuất để một nhà nước Palestine độc lập được công nhận, bao gồm từ bỏ chủ nghĩa khủng bố, công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và thông qua các điều luật chống tham nhũng cũng như ngăn chặn các nhóm phiến quân Hồi giáo thánh chiến người Palestine và nhóm Hamas.

Phát biểu bên cạnh Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho biết bản kế hoạch dài 80 trang này là một kế hoạch hòa bình chi tiết nhất từ trước tới nay.

Trong khi đó, không có quan chức Palestine nào tham dự sự kiện Mỹ công bố kế hoạch nói trên, mà chỉ có Đại sứ các nước Oman, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tham dự.

Về phần mình, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã bác bỏ kế hoạch này. Ông nêu rõ: “Chúng tôi đã bác bỏ kế hoạch này ngay từ đầu và lập trường của chúng tôi là đúng.”

[Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Tổng thống Trump lệch hướng?]

Ngoài ra, Palestine cũng không nhất trí với bất cứ điều kiện nào Mỹ đưa ra, thậm chí, đối với người Palestine, một số điều kiện còn bất khả thi.

Chi tiết của kế hoạch dường như thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với Israel trong việc sáp nhập khu Bờ Tây, vốn là khu vực tranh chấp giữa Israel và Palestine trong nhiều năm qua.

Một đề xuất sáp nhập Thung lũng Jordan nhằm mở rộng lãnh thổ của Israel và thiết lập vĩnh viễn đường biên giới phía Đông của nước này có thể sớm được đưa ra trong tuần này, trong khi đó, Thủ tướng Netanyahu dự định yêu cầu nội các bỏ phiếu thúc đẩy giải pháp này.

Tổng thống Trump nói: “Hôm nay, Israel đã thực hiện một bước đi lớn hướng tới hòa bình” và nhấn mạnh rằng Thủ tướng Netanyahu và đối thủ chính trị của ông là Benny Gantz đều ủng hộ văn kiện của Mỹ, coi đó là cơ sở cho các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine.

Ông Trump cũng cho biết ông đã thảo luận với các quan chức Palestine về kế hoạch hòa bình Trung Đông và nhấn mạnh kế hoạch này cũng sẽ mang lại lợi ích cho người Palestine bằng cách thúc đẩy nền kinh tế của Palestine.

Thông báo về kế hoạch hòa bình Trung Đông được đưa ra trong bối cảnh tồn tại các vấn đề chính trị và pháp lý mà cả ông Netanyahu và ông Trump phải đối mặt.

Kế hoạch này được khởi xướng cách đây hơn 3 năm, bắt nguồn từ các cuộc đàm phán về hòa bình Trung Đông trước đây của Mỹ, tránh đưa ra những đề xuất cụ thể về cách thức giải quyết các vấn đề nhạy cảm nhất liên quan đến cuộc xung đột Israel-Palestine.

Kế hoạch này cho thấy Mỹ công nhận các tuyên bố về lãnh thổ của Israel, vượt xa so với các chính quyền Mỹ trước đây và xác nhận tính hợp lệ đối với quyền của Israel tại các khu vực tranh chấp, căn cứ vào sự mô tả của ông Trump và ông Netanyahu ngày 28/1.

Theo thông báo từ Nhà Trắng, Israel đã nhất trí rằng nước này sẽ ngừng xây dựng các khu định cư mới trong vòng 4 năm và rằng Palestine phải đáp ứng các yêu cầu về một nhà nước riêng.

Ông Netanyahu nói rằng kế hoạch của Tổng thống Trump công nhận chủ quyền của Israel tại một phần khu vực Bờ Tây, bao gồm Thung lũng Jordan và tất cả các cộng đồng người Do Thái tại Bờ Tây, mở rộng vùng lãnh thổ do Israel kiểm soát được Mỹ công nhận.

Ông Netanyahu cũng lưu ý rằng kế hoạch này kêu gọi nhóm Hamas giải giáp vũ khí và phi quân sự hóa khu Bờ Tây, những đề xuất mà phía Palestine bác bỏ lâu nay.

Kế hoạch Hòa bình của Mỹ ngay sau khi được công bố đã nhận được những phản ứng trái chiều từ các quốc gia trong khu vực. Trong khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ca ngợi kế hoạch này là "hướng đi thực tế tới hòa bình lâu dài" đảm bảo chủ quyền của Israel đối với Thung lũng Jordan thì nhiều nước bày tỏ hoài nghi và phản đối.

Phát biểu bên cạnh Tổng thống Donald Trump tại một buổi lễ ở Nhà Trắng, ông Netanyahu gọi đây là “một ngày lịch sử,” nhấn mạnh việc Mỹ công nhận chủ quyền của Israel đối với Thung lũng Jordan và các khu vực khác gồm Judea và Samaria.

Theo ông Netanyahu, đề xuất của Tổng thống Trump cũng sẽ bao gồm việc Mỹ công nhận các khu định cư là một phần của Israel./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục