Phát triển ngân hàng bán số: Hướng đi 'sống còn' của tổ chức tín dụng

Để ngân hàng bán lẻ trở thành động lực bứt phá trong giai đoạn “bình thường mới,” các chuyên gia cho rằng, các ngân hàng sẽ phải thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, tái cấu trúc, đổi mới, sáng tạo.
Phát triển ngân hàng bán số: Hướng đi 'sống còn' của tổ chức tín dụng ảnh 1Quảng cảnh Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam năm 2021. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Tại Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam năm 2021 do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG Vietnam) tổ chức ngày 25/3 tại Thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu cho rằng ngành ngân hàng sẽ phải thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, tiết giảm chi phí, đổi mới, sáng tạo. Cùng với đó, chuyển đổi số và thanh toán không tiền mặt cũng là xu thế tất yếu.

Giao dịch rút tiền mặt giảm mạnh

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng cho biết hiện nay dịch vụ ngân hàng bán lẻ đã trở thành xu hướng chuyển dịch tất yếu và là chiến lược phát triển trọng tâm của các ngân hàng. Việc một số địa phương trong đó có thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phải thực hiện giãn cách phòng chống dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các ngân hàng, song đây cũng là cơ hội để các ngân hàng đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, nhằm thích ứng với tình hình mới.

[Khẩn trương hoàn thiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt]

Các ngân hàng đã có nhiều chính sách, giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ trên nền tảng số như: Xây dựng mô hình kinh doanh lấy khách hàng làm trung tâm, chú trọng trải nghiệm khách hàng; phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, các kênh phân phối mới đa tiện ích Mobile Banking, Internet Banking, QR code, sử dụng công nghệ eKYC... Các sản phẩm tiền gửi đa dạng, linh hoạt hơn, qua đó có thể huy động nhanh và nhiều nhất nguồn vốn nhàn rỗi nhỏ lẻ từ khách hàng cá nhân. Các hình thức cho vay cá nhân (cho vay tiêu dùng, nhà ở, mua ôtô, du học, trả góp...) ngày càng phát triển với thủ tục đơn giản, thuận tiện.

Theo thống kê, năm 2021 tín dụng ngân hàng đã có sự chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng cho vay bán lẻ của nhóm ngân hàng quy mô vừa và lớn chiếm 40%-50%, đặc biệt có ngân hàng lên đến gần 90%. Cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính đạt gần 200.000 tỷ đồng, tăng gần 6% so với 2020.

Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đạt mức tăng trưởng cao như qua kênh Internet tăng 48,8% về số lượng và 32,6% về giá trị, qua kênh điện thoại di động tăng 76,2% và 87,5%, thanh toán qua QRcode lên đến 200% so với 2020; tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt qua ATM trên tổng các giao dịch xử lý qua hệ thống của NAPAS giảm mạnh từ 26% năm 2020 xuống còn 12%.

Ông Hùng cho rằng nhờ xu hướng phát triển của ngân hàng bán lẻ mà các ngân hàng giữ được tốc độ tăng trưởng, vượt qua ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 đồng thời tạo ra những giá trị gia tăng, hỗ trợ khách hàng trong lúc khó khăn (lũy kế 2 năm hệ thống ngân hàng đã miễn giảm hơn 37.500 tỷ đồng tiền lãi vay, miễn phí khoảng 80% số lượng giao dịch với số tiền 2.557 tỷ đồng).

“Sự tăng trưởng của ngành ngân hàng trong năm 2021 có đóng góp tích cực của dịch vụ bán lẻ,” ông Hùng khẳng định.

Phát triển ngân hàng bán số: Hướng đi 'sống còn' của tổ chức tín dụng ảnh 2 (Nguồn: Ngân hàng Nhà nước)

Ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết chỉ sau một thời gian ngắn 3 nhà mạng gồm VNPT, MobiFone và Viettel triển khai dịch vụ Mobile Money, đến nay đã có gần 1 triệu tài khoản mở mới để sử dụng dịch vụ này. Ngoài ra, có khoảng 3,37 triệu tài khoản thanh toán của các ngân hàng được mở bằng phương thức định danh điện tử (eKYC) đang hoạt động.

Nhận diện thách thức

Tại diễn đàn, đa số các đại biểu đều nhận định ngành ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc triển khai dịch vụ bán lẻ. Tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức trong việc phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Ông Linh Đức Hoàng, Trưởng ban khách hàng cá nhân của Agribank cho biết do tập quán và thói quen tiêu dùng của người dân tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ người dân sử dụng công cụ tiền mặt để thanh toán các nhu cầu sản xuất và tiêu dùng vẫn còn phổ biến. Do đó, việc thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các công cụ thanh toán (thẻ, dịch vụ ngân hàng điện tử) còn nhiều hạn chế.

"Tâm lý ngại chuyển đổi của người dân khi tiếp cận với các hình thức thanh toán hiện đại cùng với việc đa phần người dân ở khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa có thói quen mua sắm ở các chợ nhỏ lẻ nên nhu cầu thanh toán qua các phương thức điện tử và nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử còn thấp," ông Hoàng chỉ ra.

Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động giao dịch điện tử còn hạn chế, mạng lưới Internet, Wifi, mạng viễn thông chưa tốt tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa hoặc hoạt động không ổn định, tốc độ chậm... cũng là những rào cản cho việc thúc đẩy thanh toán không dùng điền mặt.

Đặc biệt, theo ông Hoàng, tội phạm công nghệ cao ngày càng tăng, thủ đoạn ngày càng tinh vi, lợi dụng thông tin của khách hàng để thực hiện các hành vi lừa đảo, gian lận trên tài khoản của khách hàng nên không ít khách hàng còn e ngại khi thực hiện các giao dịch thanh toán điện tử.

Đồng quan điểm, tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng cho rằng chưa bao giờ vấn đề an ninh mạng, tội phạm tài chính tăng nhanh và nhiều như thời gian qua. Xu hướng này đòi hỏi các ngân hàng cần tăng cường biện pháp bảo mật, an toàn để tạo sự yên tâm cho người dùng.

Để ngân hàng bán lẻ thực sự trở thành động lực giúp tổ chức tín dụng bứt phá,  ông Lực cho rằng các ngân hàng sẽ phải thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, phục hồi càng nhanh càng tốt, tái cấu trúc, tiết giảm chi phí, đổi mới, sáng tạo. Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý rủi ro phát sinh và tăng sức đề kháng, khả năng chống chịu các cú sốc.

Ông Lực cũng cho rằng ngân hàng mở sẽ làm chủ "cuộc chơi," hệ sinh thái của ngành này trong thời gian tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục