Phối hợp chặt để giải quyết vấn đề tiêm vaccine phòng COVID-19

Thời gian qua Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong các công tác liên quan đến vaccine, tiêm chủng vaccine.
Phối hợp chặt để giải quyết vấn đề tiêm vaccine phòng COVID-19 ảnh 1Cán bộ y tế phường 5, thành phố Đông Hà, Quảng Trị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Bộ Y tế cho biết, từ 17 giờ ngày 15/10 đến 17 giờ ngày 16/10, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.221 ca mắc mới, trong đó 10 ca nhập cảnh và 3.211 ca ghi nhận trong nước (giảm 578 ca so với số ca mắc của ngày trước đó) tại 48 tỉnh, thành phố; có 1.172 ca trong cộng đồng.

Các địa phương ghi nhận số ca mắc giảm nhiều nhất so với số ca của ngày trước đó là Thành phố Hồ Chí Minh (giảm 341 ca), Sóc Trăng (giảm 272 ca), Đồng Nai (giảm 189 ca). Địa phương có số ca mắc tăng cao so với số ca của ngày trước đó là Bình Thuận, Đắk Lắk, Quảng Nam.

Trung bình có 3.374 ca mắc mới mỗi ngày được ghi nhận trong nước trong 7 ngày qua.

Từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 860.860 ca mắc, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi về số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.743 ca nhiễm ca).

Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) có 856.197 ca mắc mới được ghi nhận trong nước, trong đó 787.687 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Trong ngày 16/10 có 1.58 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Tổng số ca được điều trị khỏi ở nước ta là 790.504 ca. Hiện còn 3.528 bệnh nhân nặng đang được điều trị tại các cơ sở y tế.

Trong ngày, nước ta cũng ghi nhận 88 ca tử vong, trong đó tại Thành phố Hồ Chí Minh có 58 ca, Bình Dương (11 ca), Tiền Giang, Long An, Tây Ninh (mỗi địa phương 3 ca), An Giang, Cần Thơ (mỗi địa phương 2 ca), Bình Thuận, Đắk Nông, Đồng Nai, Gia Lai, Kiên Giang, Sóc Trăng (mỗi địa phương 1 ca).

Trung bình, mỗi ngày có 98 ca tử vong được ghi nhận trong 7 ngày qua.

Tính đến nay có 21.131 người tử vong do COVID-19, chiếm 2,4% tổng số ca mắc.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; về số ca tử vong trên 1 triệu dân nước ta xếp thứ 134/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.

So với châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; về số ca tử vong trên 1 triệu dân nước ta xếp thứ 35.

[Quảng Trị: Đình chỉ Phó Ban quản lý chợ do sai phạm trong tiêm vaccine]

Ngày 16/10, tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương quán triệt một số nội dung về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và giải pháp xác thực, liên thông dữ liệu tiêm chủng với dữ liệu quốc gia về dân cư  kết nối đến 11.000 điểm cầu trên toàn quốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong thời gian qua Việt Nam đã triển khai chiến lược vaccine.

Với sự nỗ lực tiếp cận, đàm phán, đến nay đã có khoảng 87 triệu liều vaccine phòng COVID-19 về Việt Nam. Nước ta đã và đang tổ chức chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Đồng thời, Việt Nam cũng đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19.

Thời gian qua Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong các công tác liên quan đến vaccine, tiêm chủng vaccine. 

Hiện có một số vấn đề thực tiễn phát sinh trong quá trình tiêm chủng cần tập trung giải quyết như thông tin tiêm chủng của người dân chưa cập nhật đầy đủ, người đã tiêm chủng nhưng không có thông tin trên Sổ Sức khỏe điện tử, nhập đuổi dữ liệu tiêm chủng, hay việc sử dụng chứng nhận tiêm chủng bản giấy…

Cả nước đã tiêm được 61 triệu mũi tiêm vaccine phòng COVID-19, đặt ra vấn đề cần xác thực được hết tất cả thông tin của người đã tiêm để có thể quản lý thống nhất đồng bộ từ trên xuống dưới. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng yêu cầu tăng tốc tiêm chủng, bởi hiện nay số lượng liều vaccine được tiêm hàng ngày không đồng đều.

Bộ Y tế đã có văn bản gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế;  thủ trưởng cơ quan tế của các bộ, ngành, các cơ sở y tế tư nhân về việc chỉ định và thu phí xét nghiệm COVID-19.

Theo Bộ Y tế, hiện tình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố, việc xét nghiệm để phát hiện và kiểm soát dịch bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là rất cần thiết, tuy nhiên, vẫn có tình trạng một số cơ sở chưa thực hiện đúng chỉ định và mức giá theo hướng dẫn.

Bộ Y tế đề nghị thủ trưởng các đơn vị rà soát toàn bộ và thực hiện thanh tra, kiểm tra việc thực hiện theo các quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ Y tế đối với việc thực hiện và thu phí xét nghiệm COVID-19 tại các cơ sở xét nghiệm COVID-19 trực thuộc; nghiêm túc thực hiện đúng các hướng dẫn của Bộ Y tế về xét nghiệm COVID-19 trong cơ sở khám, chữa bệnh, không để tình trạng lạm dụng xét nghiệm, tạo gánh nặng cho người bệnh đặc biệt là người bệnh mạn tính phải điều trị dài ngày..../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục