Tình trạng trốn thuế, chuyển giá, thất thoát vẫn lớn trong khi một trong những cản trở lớn đối với Kiểm toán Nhà nước chính là chế độ chính sách.
Đây là vấn đề được nêu lên tại hội thảo "Cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước góp phần phòng, chống tham nhũng - Thực trạng và giải pháp hoàn thiện" tổ chức sáng 11/4.
"Câu hỏi lớn về tham nhũng chính sách"
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Đức Vinh cho rằng, những năm qua, Kiểm toán Nhà nước đã xây dựng kế hoạch kiểm toán tập trung vào những vấn đề được Quốc hội, Chính phủ và xã hội đặc biệt quan tâm, các lĩnh vực trọng yếu dễ xảy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí.
[‘Không ít đơn vị chống đối, không hợp tác với Kiểm toán Nhà nước’]
Ông lấy ví dụ về một lĩnh vực như: Đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, các dự án BT, BOT, hệ thống ngân hàng thương mại,...
"Quyền lực luôn luôn có nguy cơ bị tha hóa, tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực. Kiểm soát được quyền lực là vấn đề rất khó, nhưng nhất thiết phải làm tốt, nếu không cuộc đấu tranh chống tham nhũng của chúng ta sẽ không thể đạt hiệu quả," ông Vinh nói.
Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước thống kê, tính tới nay, qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước gần 170.000 tỷ đồng, hơn 12.000 ha đất; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hơn 300 văn bản quản lý Nhà nước.
Vấn đề theo lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước là việc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm chưa đầy đủ, nghiêm minh và kịp thời.
Ngoài ra, kết quả phát hiện những hành vi tham nhũng, lãng phí còn hạn chế còn do quy trình, chuẩn mực và phương pháp của kiểm toán chỉ dựa trên hồ sơ là chủ yếu.
Góp ý thêm, ông Nguyễn Văn Giáp, Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước khu vực XI đánh giá, công tác kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán vẫn còn một số vướng mắc.
Một phần nguyên nhân theo ông bởi Luật Kiểm toán Nhà nước vẫn chưa quy định cho phép Kiểm toán Nhà nước được kiểm toán trực tiếp các đơn vị, tổ chức có nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước. Trong khi ấy, tình trạng trốn thuế và chuyển giá hiện nay vẫn lớn.
Ông Giáp chỉ ra, Luật Đất đai hiện đang là một dấu chấm hỏi lớn về tham nhũng chính sách, khi các quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội không rõ ràng, nhất là quy định về giá thu hồi đất.
"Giá thu hồi rất thấp, nhất là đất nông nghiệp, trong khi đó, nhà đầu tư bất động sản, xây dựng nhà cửa thì bán với giá cao hơn rất nhiều lần, lợi nhuận rất cao," vị này cho biết.
Theo ông, có 5 phương pháp xác định giá đất nhưng cả 5 phương pháp đều không sát với giá thị trường, cơ sở không vững chắc. Trong khi ấy, hiện chưa có quy định chức năng giám định tài chính công trong Luật Giám định tư pháp đối với Kiểm toán Nhà nước.
"Ngoài ra, chưa có cơ chế, quy định cụ thể về kiểm toán trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị nên hiệu quả kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng qua kiểm toán chưa cao," ông nêu lên.
Chỉ nhắc nhở, khó nghiêm minh
Nói về giải pháp, ông Trần Khánh Hòa, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, một trong những việc cần làm là xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước 2015.
Theo ông, cần quy định cụ thể, đầy đủ đơn vị được kiểm toán cũng như tăng cường các quy định về trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng đặc biệt là nhiệm vụ kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
Đây cũng là vấn đề được ông Đặng Thế Bình, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước Khu vực X nhắc tới. Theo ông, một cản trở lớn đối với công tác phòng, chống tham nhũng của Kiểm toán nhà nước xuất phát từ chế độ chính sách.
Vị này nêu lên vấn đề, hiện chỉ có 3 căn cứ để Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành quyết định kiểm toán. Một là kế hoạch kiểm toán hàng năm của Kiểm toán Nhà nước; Hai là yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Cuối cùng là đề nghị của cơ quan, tổ chức được Tổng Kiểm toán Nhà nước chấp nhận.
Điều này đồng nghĩa căn cứ ban hành quyết định kiểm toán nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng chưa được đưa vào Luật Kiểm toán Nhà nước.
Bởi vậy, theo lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, để đảm bảo đồng bộ, thống nhất, nội dung này cần bổ sung vào Luật.
Ông cũng cho rằng, luật hiện chưa có quy định chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật Kiểm toán Nhà nước. Việc chủ yếu áp dụng biện pháp nhắc nhở đã làm giảm hiệu lực hoạt động Kiểm toán Nhà nước và tính nghiêm minh của pháp luật.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh thì góp ý, việc tăng cường vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng cần đưa vào Luật Kiểm toán Nhà nước với mức độ cao hơn.
Theo ông, Luật Kiểm toán Nhà nước cần có quy định cụ thể mối quan hệ hợp tác giữa Kiểm toán Nhà nước với cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng như Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Thanh tra Chính phủ. Có như vậy, hoạt động phòng chống tham nhũng của Kiểm toán Nhà nước mới tăng được hiệu quả và tác động tới xã hội cao hơn./.