Serbia ngày 10/9 thông họ hiện đang giữ một nhân chứng từng tham gia lực lượng nổi dậy ở Kosovo bị cáo buộc tham gia vào việc cắt tim một tù nhân người Serbia để bán ra thị trường nội tạng chợ đen trong cuộc xung đột Kosovo những năm 1990. “Chúng tôi có một nhân chứng sẽ ra làm chứng về việc này, được thực hiện ở miền bắc Albania, khi nội tạng của những người Serbia bị bắt cóc được cắt ra và bán đi trong cuộc xung đột 1998-1999 ở Kosovo,” công tố viên tội ác chiến tranh của Serbia, Vladimir Vukcevic nói với AFP. “Ông ta đã tả lại việc phẫu thuật cắt tim một tù nhân Serbia ở một địa điểm gần (thị trấn miền bắc Albania) Kukes vào cuối những năm 1990,” và chuyển nội tạng ra sân bay Rinas gần thủ đô Tirana. Hiện chưa rõ tù nhân nói trên đã chết hay còn sống khi cuộc phẫu thuật diễn ra, và công tố viên nói ông sẽ không cho biết thêm chi tiết. Vukcevic cho biết nhân chứng đã kể với ông về cuộc phẫu thuật và thu lấy nội tạng “hết sức chi tiết.” Vukcevic không cho biết gì về nhân chứng, chỉ nói đó là một cựu thành viên của lực lượng Quân đội giải phóng Kosovo (KLA), lực lượng vũ trang nổi dậy chống đối chính quyền trung ương Serbia và đòi ly khai cho Kosovo. Liên minh châu Âu (EU) cũng đang điều tra vụ việc. Điều tra viên của Hội đồng châu Âu Dick Marty viết trong một báo cáo năm 2010 rằng những tư lệnh cấp cao của KLA, bao gồm đương kim thủ tướng Kosovo, Hashim Thaci, có liên quan tới hoạt động tội phạm có tổ chức, bao gồm buôn bán nội tạng người. Nhóm buôn lậu nội tạng người trong và sau cuộc xung đột với các lực lượng Serbia có quan hệ gần gũi với Thaci, theo ông Marty. Báo cáo này nói các nội tạng được lấy ra từ cơ thể các tù nhân, nhiều người là người Serbia, và được KLA đưa sang Albania. Thaci, chính quyền của ông và phía Albania đã phủ nhận các cáo buộc và lên án báo cáo của Marty. “Chúng tôi đã điều tra và kiểm tra những tuyên bố của ông ta trong hơn một năm và cho rằng những thông tin nhân chứng này cung cấp là đúng sự thật,” Vukcevic nói. Sau báo cáo của Marty, EU đã yêu cầu công tố viên người Mỹ John Clint Williamson tiến hành một cuộc điều tra. Vukcevic nói ông hy vọng “lời chứng của nhân chứng này sẽ có ích cho cuộc điều tra của Williamson.” Vụ buôn nội tạng thời chiến được cho là có liên hệ với vụ Medicus, một vụ buôn nội tạng khác tại một bệnh viên ở thủ đô Kosovo, Pristina. Bảy người, hầu hết là bác sĩ, đã bị đưa ra xét xử trước một tòa án do EU bảo trợ ở Kosovo với các cáo buộc cấy ghép nội tạng bất hợp pháp ở bệnh viên Medicus. Vụ việc được đưa ra ánh sáng năm 2008 sau khi cảnh sát mở một cuộc điều tra về việc một thanh niên người Thổ Nhĩ Kỳ bị đột quỵ ở sân bay Pristina sau khi hiến thận cho một người đàn ông Israel. Trong báo cáo của mình, Marty nói “có những dấu hiệu đáng tin cậy” chỉ ra rằng việc buôn lậu nội tạng ở Kosovo thời chiến “có liên hệ gần” với vụ Medicus. Cáo buộc về việc thu nội tạng của tù nhân với KLA lần đầu tiên được công khai vào tháng 4/2009 trong một cuốn sách của cựu công tố viên về tội ác chiến tranh của Liên hợp quốc, Carla Del Ponte. Bà nói hàng trăm nạn nhân, chủ yếu là người Serbia, bị bắt cóc ở Kosovo trong giai đoạn cuối cuộc chiến, bị nhốt trong các trại tập trung dọc theo biên giới với Albania, dẫn nguồn các quan chức Liên hợp quốc và nhà báo giấu tên.
Các thành viên của lực lượng an ninh Kosovo (Nguồn: AFP)
Những cáo buộc này được điều tra lần đầu vào tháng 3/2004 do một nhóm pháp y của phái bộ Liên hợp quốc ở Kosovo (UNMIK). Nhóm này khi đó “không tìm thấy chứng cứ có tính kết luận nào” về các cáo buộc, theo một bản báo cáo mật mà AFP có được vào năm 2008. Nhưng Jose-Pablo Baraybar, cựu trưởng Văn phòng pháp y và người mất tích của UNMIK, đứng đầu nhóm này vào năm 2004, nói với AFP rằng vụ việc này sẽ mở ra các cuộc điều tra mới và ông tin rằng việc buôn lậu nội tạng “rất có thể” đã xảy ra. Kosovo sẽ được phương Tây công nhận có chủ quyền đầy đủ vào 10/9 theo một quyết định của Nhóm điều phối quốc tế đã giám sát vùng lãnh thổ này kể từ khi Kosovo đơn phương tách khỏi Serbia năm 2008. Belgrade cũng như nhiều nước trong đó có Nga đã giận dữ phủ nhận độc lập của Kosovo. Hiện vùng lãnh thổ này Kosovo đã được khoảng 90 nước công nhận, bao gồm Mỹ và hầu hết thành viên EU./.
Trần Trọng (Vietnam+)