Hơn 500 đại biểu đại diện các bộ, ban ngành, các cơ quan Chính phủ, các doanh nghiệp, Liên hợp quốc, Đại sứ quán, tổ chức phi chính phủ đã cùng chung tay cam kết thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực giới tại Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 vào sáng 10/11, tại trụ sở Vietnam Airlines.
Với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái,” Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 (diễn ra từ ngày 15/11-15/12) thể hiện ưu tiên và nội dung trọng tâm của Việt Nam hiện nay trong việc thúc đẩy bình đẳng giới thực chất, nhằm phát huy năng lực, vai trò, tiềm năng của phụ nữ và nam giới cho sự phát triển của cộng đồng, gia đình.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định những cam kết của Việt Nam trong đảm bảo bình đẳng giới nói chung, tăng cường quyền năng và vị thế của phụ nữ nói riêng và nhấn mạnh vai trò của công tác truyền thông về bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, góp phần xóa bỏ định kiến, tiến tới thực hiện bình đẳng giới thực chất.
“Sẽ không có bình đẳng giới nếu không có sự tham gia của nam giới trong công việc gia đình và chấm dứt bạo hành với phụ nữ và trẻ em gái. Phụ nữ cần nâng cao tính tự chủ, sự quyết đoán để tham gia tích cực hơn nữa vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội. Cùng với đó, nam giới cũng cần xây dựng được niềm tin rằng, họ có thể đảm đương và thực hiện tốt vai trò chăm sóc gia đình, là một phần của giải pháp để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bổ sung thêm, đại diện Cơ quan Liên hiệp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam tiết lộ nếu trung bình trên thế giới cứ 3 phụ nữ có một người từng bị bạo lực bởi chồng hoặc người yêu (tinh thần, thể xác, tình dục hoặc kinh tế), thì ở Việt Nam tỷ lệ này cao gấp đôi, cứ 3 phụ nữ thì có 2 người từng bị các hình thức bạo lực.
[Việt Nam cam kết nỗ lực bảo đảm bình đẳng giới và các quyền của phụ nữ]
Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp Quốc tại Việt Nam cho biết đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, các thảm họa tự nhiên, chiến tranh, xung đột đều làm gia tăng bạo lực giới và làm trầm trọng thêm khó khăn kinh tế của các hộ gia đình.
Để giảm thiểu tác động của những mối đe dọa này, bà Pauline Tamesis cho rằng việc đầu tư vào việc phòng ngừa là cực kỳ cần thiết, không chỉ giúp ích cho phụ nữ, trẻ em, gia đình mà còn giúp cho nền kinh tế quốc gia khỏe mạnh và bền vững hơn.
Khẳng định vai trò, là trách nhiệm của Hãng Hàng không Quốc gia với sứ mệnh đóng góp vào sự phát triển bền vững chung, mong muốn chung tay nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động vì bình đẳng giới trong xã hội, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines chia sẻ Hãng cam kết hưởng ứng mạnh mẽ Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới bằng những hành động thiết thực, đổi mới và sáng tạo đồng thời luôn sẵn sàng hợp tác, trao đổi với các cơ quan, tổ chức để nâng cao hiệu quả hoạt động, lan tỏa rộng rãi những thông điệp và giá trị tốt đẹp.
Nhằm hưởng ứng cũng như góp phần lan tỏa thông điệp ý nghĩa, trong khuôn khổ Tháng hành động Quốc gia, Vietnam Airlines sẽ triển khai 2 chuyến bay “Tô cam bầu trời” chặng Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội-Incheon (Hàn Quốc).
Hai chuyến bay đặc biệt này sẽ hòa sắc cam cùng chiến dịch “Tô cam thế giới” - đoàn kết hành động chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới, diễn ra trong 16 ngày (từ 25/11-10/12) trên phạm vi toàn cầu. Đây là lần thứ hai Hãng Hàng không Quốc gia đồng hành hưởng ứng thông qua hoạt động “Chuyến bay tô cam.”/.
Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được tổ chức từ ngày 15/11-15/12 hằng năm. Qua 7 năm triển khai (2016-2022), đã có hơn 10 triệu lượt người được truyền thông, tiếp cận với các thông điệp của Tháng hành động, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cán bộ và người dân đối với công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Hàng năm, 100% các địa phương và nhiều bộ ngành, cơ quan Trung ương đã xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động. |