Sri Lanka muốn Ấn Độ, Nhật Bản tham gia xây dựng cảng biển nước sâu

Sri Lanka đề xuất Ấn Độ và Nhật Bản tham gia xây dựng cảng container phía Tây (WCT) ở cảng Colombo, bên cạnh cảng container quốc tế Colombo (CICT) trị giá 500 triệu USD do Trung Quốc điều hành.
Sri Lanka muốn Ấn Độ, Nhật Bản tham gia xây dựng cảng biển nước sâu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: ndtv.com)

Sri Lanka sẽ đề nghị Ấn Độ và Nhật Bản cùng xây dựng một cảng biển nước sâu có vị trí chiến lược ở phía Tây thủ đô Colombo trong bối cảnh quốc đảo này đang nỗ lực cân bằng các mối quan hệ truyền thống.

Tháng trước, Sri Lanka đã đột ngột rút khỏi thỏa thuận với Ấn Độ và Nhật Bản về cùng xây dựng cảng container phía Đông (ECT) ở cảng Colombo, bên cạnh cảng container quốc tế Colombo (CICT) trị giá 500 triệu USD do Trung Quốc điều hành.

Tuy nhiên, ngày 2/3, Sri Lanka lại đảo ngược hướng đi này, theo đó đề xuất xây dựng cảng container phía Tây (WCT), vốn chưa được xây dựng và nằm ở phía bên kia của CICT.

Trao đổi với báo giới tại thủ đô Colombo, người phát ngôn Chính phủ Sri Lanka Keheliya Rambukwella nêu rõ: "Các cuộc thảo luận nhằm phát triển WCT sẽ chỉ được thực hiện với Ấn Độ và Nhật Bản."

[Campuchia dự định xây cảng biển nước sâu tại tỉnh Koh Kong]

Quan chức này cho biết trong ngày 1/3, Nội các đã quyết định cho phép Ấn Độ và Nhật Bản sở hữu 85% cổ phần tại WCT - tương tự cổ phần dành cho Trung Quốc khi xây dưng CICT.

Hồi tháng 5/2019, Cơ quan cảng vụ Sri Lanka (SLPA) đã ký bản ghi nhớ hợp tác với Ấn Độ và Nhật Bản để phát triển cảng ECT trước khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa lên nắm quyền vào tháng 11/2019.

Cầu tàu nước sâu này nằm cạnh CICT do Trung Quốc sở hữu 85% và được đưa vào sử dụng trong năm 2013.

Ấn Độ đã lên tiếng phản đối khi tàu ngầm Trung Quốc cập cảng này mà không báo trước vào năm 2014. Kể từ đó, Sri Lanka đã từ chối cho các tàu ngầm tiếp tục cập cảng trên.

Tháng 12/2017, do không thể trả được khoản vay khổng lồ của Trung Quốc, Sri Lanka đã bàn giao một cảng biển nước sâu khác là Hambantota ở phía Nam quốc đảo này cho một công ty nhà nước của Trung Quốc điều hành với thời hạn 99 năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục