Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua: Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai kết thúc mà không đạt được thỏa thuận như kỳ vọng là sự kiện thế giới đáng chú ý nhất trong tuần vừa qua.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai tại Hà Nội
Trong hai ngày 27 và 28/2, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai đã diễn ra tại Hà Nội.
Hội nghị đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận như kỳ vọng. Dù không đạt được thỏa thuận, song Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã "có thời gian hữu ích" với nhà lãnh đạo Kim Jong-un và không khí kết thúc cuộc gặp "rất tốt, không ai ra về trong giận dữ."
Bước tiến cụ thể tại hội nghị lần này là việc phía Mỹ khẳng định sẽ không có thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên, và phía Triều Tiên cũng bảo đảm rằng Bình Nhưỡng sẽ không tiến hành thêm bất cứ vụ thử hạt nhân hoặc tên lửa nào trong thời gian tới.
Các nhà phân tích đánh giá, con đường phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sẽ gập ghềnh khó khăn và có thể còn nhiều rào cản, bởi những bế tắc trên bán đảo Triều Tiên đã kéo dài hơn 7 thập kỷ và khó có thể chấm dứt điều này chỉ trong thời gian ngắn.
Tuy cuộc gặp Trump-Kim không đạt thỏa thuận nào, song nó cũng đã giúp thu hẹp khoảng cách giữa hai bên, là cơ hội để hai bên hiểu rõ hơn quan điểm của nhau trong những vấn đề còn nhiều khúc mắc liên quan tới vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Vì thế, cuộc gặp vẫn mang lại hy vọng về những nỗ lực của Mỹ và Triều Tiên trong thời gian tới nhằm đạt được thỏa thuận cụ thể.
Bên cạnh đó, việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội đã cho thấy uy tín, vị thế của Việt Nam trong việc tổ chức các sự kiện quốc tế lớn, cũng như tham gia thúc đẩy hòa bình, hòa giải trong khu vực.
Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò chủ nhà của hội nghị, an ninh được đảm bảo tuyệt đối. Các nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đều bày tỏ ấn tượng trước sự đón tiếp trọng thị, chu đáo, thể hiện sự mến khách và thân thiện của người dân Việt Nam.
Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua: Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại cuộc gặp. (Ảnh: TTXVN)
Cuba thông qua Hiến pháp mới
Ngày 24/2, gần 7,85 triệu cử tri Cuba đã tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp mới.
Kết quả sơ bộ công bố một ngày sau đó cho thấy, Hiến pháp mới của Cuba đã được thông qua với 86,85% số phiếu ủng hộ.
Chủ tịch Ủy ban bầu cử Cuba Alina Balseiro cho biết, theo luật bầu cử Cuba, việc thông qua Hiến pháp bằng trưng cầu dân ý đòi hỏi số phiếu ủng hộ phải vượt quá 50% tổng số cử tri đăng ký trên toàn quốc (tức không chỉ số cử tri đi bầu hay số phiếu bầu hợp lệ) và tỷ lệ này trong cuộc trưng cầu vừa qua là 73,31% (trong tổng số gần 9,3 triệu cử tri đăng ký).
Kết quả chính thức sẽ được công bố trong vòng 1 tuần sau khi trưng cầu và Hiến pháp mới sẽ có hiệu lực sau khi kết quả này được đăng trên Công báo nhà nước.
Dự thảo Hiến pháp mới của Cuba bao gồm một phần mở đầu và 229 điều, được chia vào 11 mục, 24 chương và 16 phần. Đây sẽ là bản Hiến pháp thứ 2 của Cuba kể từ khi Cách mạng thành công năm 1959, tiếp sau Hiến pháp 1976 hiện hành, mới được bổ sung sửa đổi 2 lần vào các năm 1992 và 2002.
Bên cạnh việc tái khẳng định mục tiêu và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, cùng việc duy trì nền tảng cơ bản của mô hình kinh tế-xã hội xã hội chủ nghĩa, dự thảo Hiến pháp mới đưa ra nhiều thay đổi quan trọng như xác định rõ hơn vai trò của Đảng Cộng sản, tuyên bố tính chất pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Cuba, ấn định tính tối thượng của Hiến pháp trong hệ thống tư pháp, định ra các chức danh lãnh đạo mới cùng các quy định về nhiệm kỳ và giới hạn tuổi bổ nhiệm, trao thêm quyền tự chủ cho các đơn vị hành chính địa phương, đặc biệt là cấp quận huyện, mở rộng và hiến định thêm nhiều quyền của công dân, công nhận những thành phần kinh tế mới và đề ra cơ chế tự chủ cho các doanh nghiệp nhà nước, hay nâng lên tầm hiến định nhiều nguyên tắc của Cách mạng Cuba.
Việc dự thảo Hiến pháp mới được đa số người dân Cuba ủng hộ mang ý nghĩa lịch sử, thể hiện tinh thần đoàn kế của người dân Cuba, mở ra thời kỳ mới với những động lực phát triển mới cho Cuba.
Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua: Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ảnh 2Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân tại La Habana ngày 24/2/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in công bố chính sách về tương lai Bán đảo Triều Tiên
Ngày 1/3, phát biểu tại lễ kỷ niệm 100 năm Phong trào độc lập giải phóng bán đảo Triều Tiên khỏi ách đô hộ của Nhật Bản (1/3/1919/2019) tại quảng trường Gwanghwamun ở thủ đô Seoul, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã công bố chính sách về tương lai Bán đảo Triều Tiên.
Theo đó ông cho biết Hàn Quốc sẽ thúc đẩy bước chuyển lớn hướng tới cơ chế mới trên bán đảo Triều Tiên, đó là một cộng đồng hòa bình và hợp tác kinh tế, ngược lại với lịch sử đầy xung đột và sóng gió.
Tổng thống Moon Jae-in khẳng định cơ chế mới sẽ tạo ra một trật tự hòa bình trong thế kỷ tới, trong đó "chúng ta sẽ đóng vai trò đi đầu."
Ông Moon tin tưởng rằng "100 năm tới sẽ khác với quá khứ về bản chất. Chúng ta sẽ thúc đẩy một bước chuyển lớn hướng tới một cơ chế mới trên bán đảo Triều Tiên và chuẩn bị cho tái thống nhất."
Theo ông Moon Jae-in, có thể thiết lập thành công một cơ chế hòa bình bền vững dựa trên cơ sở thiện chí kiên định, trên sự hợp tác mật thiết Mỹ-Hàn, một giải pháp cho các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Tổng thống Moon Jae-in cho biết Chính phủ Hàn Quốc sẽ tham vấn với Mỹ về cách thức nối lại các tua du lịch đến núi Kumgang ở bờ biển phía Đông Triều Tiên và hợp tác tại khu tổ hợp công nghiệp Kaesong ở biên giới.
Ông cũng nhấn mạnh, nếu đàm phán phi hạt nhân hóa đạt tiến bộ, thì ngay sau đó một Ủy ban kinh tế liên Triều sẽ được thiết lập để tạo ra các thành quả kinh tế có lợi cho hai miền Triều Tiên…
Những tuyên bố trên của ông Moon Jae-in được đưa ra một ngày sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Hà Nội kết thúc, và điều này được cho là sẽ tạo ra một xung lực mới cho các nỗ lực hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua: Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ảnh 3Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)
Quan hệ Ấn Độ-Pakistan tiếp tục thêm căng thẳng
Trong tuần qua, những căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan tiếp tục có thêm những diễn biến mới. Kể từ sau vụ đánh bom xe ngày 14/2, do nhóm Hồi giáo Jaish-e-Mohammad có trụ sở tại Pakistan thực hiện, nhằm vào cảnh sát Ấn Độ tại bang Jammu và Kashmir, làm hơn 40 nhân viên an ninh Ấn Độ thiệt mạng, Ấn Độ đã phát động một chiến dịch ngoại giao nhằm cô lập Pakistan và lên án quốc gia láng giềng vì đã thúc đẩy khủng bố.
Ấn Độ đã áp thuế nhập khẩu 200% đối với tất cả các hàng hóa bắt nguồn hoặc xuất khẩu từ Pakistan. Ấn Độ còn quyết định chặn dòng nước chảy vào Pakistan từ các con sông do nước này kiểm soát.
Trong tuần qua, hai bên còn có một loạt hành động quân sự trả đũa lẫn nhau, như: Ấn Độ không kích trại huấn luyện của nhóm khủng bố Jaish-e-Mohammad (JeM) ở khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát (vào ngày 26-2), chặn các máy bay chiến đấu của Pakistan vi phạm không phận và buộc các máy bay này phải quay đầu.
Ấn Độ khẳng định cuộc không kích nhằm vào các phần tử khủng bố. Sau đó, Ấn Độ còn đóng cửa ít nhất 4 sân bay ở miền Bắc. Đáp lại, Không quân Pakistan cũng đã tấn công các cơ sở quân sự của Ấn Độ.
Ngày 27/2, Pakistan đã bắn rơi 2 máy bay chiến đấu của Không quân Ấn Độ và bắt giữ một phi công Ấn Độ. Pakistan cũng đã đóng cửa tất cả các sân bay chính của nước này. Những động thái giữa hai nước đang đẩy căng thẳng giữa hai quốc gia Nam Á này lên mức nguy hiểm mới.
Mặc dù Pakistan đã cam kết sẽ trả tự do cho viên phi công nhằm hạ nhiệt căng thẳng song giới chức quân sự cấp cao của Ấn Độ ngày 28/2 cho biết, quân đội nước này vẫn được đặt trong tình trạng báo động cao.
Việc đóng cửa các sân bay của Ấn Độ và Pakistan cũng đã làm ảnh hưởng tới hoạt động của nhiều hãng hàng không trên thế giới.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã đề nghị đối thoại với Ấn Độ. Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thì kêu gọi chính phủ hai nước thực hiện các biện pháp kiềm chế nhằm đảm bảo tình hình căng thẳng không trở nên tồi tệ hơn. Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi hai bên giải quyết mâu thuẫn bằng biện pháp ngoại giao. Trung Quốc, Mỹ, Anh, Đức, Canada và nhiều nước lên tiếng đề nghị hai bên kiềm chế.
Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua: Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ảnh 4Cảnh sát Pakistan gác tại nhà ga Lahore trong thời gian tuyến đường sắt Samjhauta Express nối thành phố Lahore của Pakistan với thành phố biên giới Attari của Ấn Độ bị đình chỉ hoạt động ngày 28/2. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Báo động tình trạng trẻ em mắc bệnh ung thư trên thế giới không được điều trị
Ngày 27/2, tạp chí y học Lancet Oncology công bố một nghiên cứu mới về khảo sát ung thư ở trẻ dưới 15 tuổi cho thấy, khoảng 45% trẻ em bị ung thư trên thế giới không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã áp dụng phương pháp tính toán mới về gánh nặng bệnh tật, kết hợp với số liệu của Cơ quan Giám sát sức khỏe toàn cầu thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), và kết quả khảo sát về y tế và các hộ gia đình do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thực hiện.
Trưởng nhóm nghiên cứu Zachary Ward, chuyên gia Trường Y thuộc Đại học Havard (Mỹ), cho biết: "Mô hình khảo sát của chúng tôi cho thấy trung bình cứ 2 trẻ mắc bệnh ung thư thì có khoảng 1 trẻ chưa bao giờ được chẩn đoán bệnh và sẽ tử vong do không được điều trị."
Mỗi năm, thế giới có thêm khoảng 400.000 trẻ em mắc ung thư, song chỉ một nửa trong số này đăng ký điều trị tại các cơ sở y tế quốc gia.
Theo nghiên cứu, 60% các nước trên thế giới thậm chí không có khu vực đăng kí điều trị ung thư, và tại nhiều nước trong số những nước có khu vực này thì cũng chỉ có một phần bộ phận nhỏ người dân biết đến.
Cũng giống như nhiều căn bệnh khác, ung thư cho thấy khoảng cách ngày càng nới rộng giữa các nước giàu và các nước đang phát triển.
Trong năm 2015, số trường hợp mới mắc bệnh ung thư ở mức ổn định hoặc giảm ở phần lớn các khu vực, song con số này vẫn cao tại các nước có thu nhập thấp và trung bình (92%).
Các nhà khoa học ước tính thế giới sẽ có thêm 6,7 triệu trẻ em mắc bệnh ung thư trong giai đoạn 2015-2030. Trong số này, gần 3 triệu ca ung thư sẽ không được phát hiện nếu hệ thống chăm sóc y tế không được cải thiện nhanh chóng./.
Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua: Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ảnh 5(Nguồn: VCG/chinadaily)
LG công bố điện thoại thông minh 5G màn hình kép đầu tiên
Hãng điện tử LG, ngày 24/2 đã công bố mẫu điện thoại thông minh 5G đầu tiên với màn hình kép, trong nỗ lực phục hồi doanh số bán hàng.
Chiếc điện thoại hai màn hình trên có tên gọi V50ThinQ.
Hai màn hình điện thoại hoạt động tương đối độc lập, do đó người dùng có thể xem phim trên một màn hình trong khi duyệt Internet trên màn hình kia.
LG hiện vẫn chưa công bố giá của V50ThinQ. Một số trang công nghệ dự đoán mẫu điện thoại này sẽ có giá khoảng 1.000 USD.
Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua: Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ảnh 6V50ThinQ hai màn hình. (Nguồn: MobilesZone)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục