
Ngày 21/5, Bộ Tài chính Nhật Bản công bố báo cáo cho thấy thâm hụt thương mại của nước này trong tháng Tư vừa qua ở mức 808,9 tỷ yen (8 tỷ USD), so với con số 877,4 tỷ yen một năm trước đó.
Theo Bộ trên, mặc dù là tháng thứ 22 liên tiếp bị thâm hụt thương mại, song mức thâm hụt trong tháng Tư giảm 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị nhập khẩu tăng 3,4% lên 6.878 tỷ yen, chủ yếu do nhập khẩu nhiều dầu thô và khí hóa lỏng, và con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng 18,1% của tháng Ba.
Con kim ngạch xuất khẩu tăng 5,1% lên 6.069 tỷ yen, chủ yếu nhờ đồng yen giảm giá so với đồng USD giúp thúc đẩy xuất khẩu, do giá hàng hóa của Nhật Bản ở nước ngoài rẻ hơn.
Tuy nhiên, việc đồng yen giảm giá cũng đẩy giá trị nhập khẩu tăng cao vì chí phí nhập khẩu nhiên liệu tăng, đặc biệt khi 90% nhu cầu năng lượng của nước này phụ thuộc vào nhập khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất - tăng 9,8% lên 1.095,4 tỷ yen, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc cũng tăng 7,8% lên 1.556,4 tỷ yen.
Với thị trường Mỹ, xuất khẩu của Nhật Bản tăng 1,9% lên 1.122,9 tỷ yen, còn nhập khẩu tăng 6,9% lên 575,4 tỷ yen.
Trong lúc xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) tăng 12,7% lên 633,8 tỷ yen và nhập khẩu tăng 9,1% với 658 tỷ yen.
Các chuyên gia phân tích kinh tế nhận định có thể Nhật Bản sẽ tiếp tục thâm hụt thương mại, khi nhu cầu năng lượng của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này gia tăng trong lúc nguồn cung trong nước thiếu hụt.
Tuy nhiên, mức thâm hụt được cho là sẽ giảm dần khi nhập khẩu bị tác động giảm sau khi Tokyo tăng thuế tiêu dùng lên 8% kể từ đầu tháng Tư, khiến các doanh nghiệp và người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu và đầu tư.
Cùng ngày, theo hãng tin Kyodo, Ngân hàng trung ương Nhật Bản quyết định giữ nguyên và không mở rộng chính sách nới lỏng tiền tệ để khắc phục tình trạng giảm phát, khi nền kinh tế nước này đang đi lên./.