Thành phố Hồ Chí Minh sẵn sàng phương án ứng phó dịch cúm gia cầm H5N1

Ngay sau khi nhận cảnh báo về trưởng hợp tử vong do cúm A (H5N1) tại một tỉnh ở Campuchia giáp Việt Nam, TP.HCM đã kích hoạt hệ thống giám sát nhằm phát hiện sớm các trường hợp có khả năng nghi nhiễm.
Thành phố Hồ Chí Minh sẵn sàng phương án ứng phó dịch cúm gia cầm H5N1 ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Ngay sau khi Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo ngành y tế thành phố đã lên kế hoạch, kích hoạt hệ thống giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh cúm gia cầm A (H5N1) xâm nhập, không để lây lan ra cộng đồng; đồng thời chuẩn bị nhân lực, vật lực sẵn sàng tiếp nhận điều trị khi có ca bệnh.

Bác sỹ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho biết ngay sau khi nhận được văn bản cảnh báo của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh về trường hợp tử vong do cúm A (H5N1) tại một tỉnh ở Campuchia (giáp biên giới Việt Nam), Sở Y tế thành phố đã kích hoạt hệ thống giám sát nhằm phát hiện sớm tất cả các trường hợp có khả năng nghi ngờ nhiễm cúm A (H5N1).

Đồng thời, tăng cường giám sát phát hiện tất cả các chùm ca bệnh hô hấp tại cộng đồng hoặc những chùm ca, những trường hợp viêm hô hấp nặng có tiền sử tiếp xúc với gia cầm.

Thực hiện yêu cầu của Sở Y tế, tất cả những trường hợp viêm phổi nặng không rõ nguyên nhân trên địa bàn đều được lấy mẫu để xét nghiệm chẩn đoán.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh hoạt động giám sát phòng, chống cúm gia cầm, thủy cầm.

Trung tâm phối hợp với Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh) giám sát tất cả các khu vực có chăn nuôi gia cầm, thủy cầm trên địa bàn cũng như khu vực chợ đầu mối chuyên kinh doanh gia cầm, thủy cầm và các đơn vị giết mổ.

Tại các cửa khẩu, Trung tâm phối hợp với Chi cục Thú y vùng 6 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập.

[Việt Nam vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người]

Bác sỹ Lê Hồng Nga nhận định tình hình đi lại, giao thương giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác rất phức tạp. Thành phố còn có nhiều cửa khẩu. Đây là một trong những thách thức lớn bởi vì số lượng người đến và đi rất nhiều, virus có thể di chuyển theo. Do vậy, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập rất cao.

Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh - đơn vị được giao nhiệm vụ là tuyến cuối điều trị các loại dịch bệnh truyền nhiễm đã sẵn sàng tiếp nhận người bệnh.

Bác sỹ Nguyễn Thanh Phong - Trưởng khoa cho biết sau khi nhận được chỉ đạo của Sở Y tế , đơn vị đã sắp xếp lại phòng bệnh, thuốc men, nhân sự để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị người mắc bệnh cúm A (H5N1).

Hiện đơn vị có 20 giường hồi sức có thể chạy ECMO, thở máy, lọc máu và 50 giường bệnh thường. Các trang thiết bị, thuốc men, nhân sự đã sẵn sàng để tiếp nhận bệnh nhân.

Theo bác sỹ Nguyễn Thanh Phong, cúm gia cầm A (H5N1) là bệnh nguy hiểm, khởi phát trên gia cầm lây sang người qua đường tiếp xúc. Người mắc cúm gia cầm khi chuyển sang viêm phổi, tỷ lệ tử vong lên tới 70%. Đây là mối đe dọa không kém COVID-19, cần sớm ngăn chặn nguy cơ lây lan rộng trong cộng đồng.

Cúm A (H5N1) lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A(H5N1), ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ.

Bệnh có triệu chứng ban đầu giống với cúm mùa như: sốt, ho, mệt mỏi, đau người, đau cơ, đau họng... Tuy nhiên, cúm gia cầm có diễn tiến nhanh và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng bệnh cho người.

Bác sỹ Nguyễn Thanh Phong khuyến cáo, người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

Người dân nên hạn chế tiếp xúc gần với người có triệu chứng mắc bệnh hô hấp, khi tiếp xúc cần sử dụng các phương tiện phòng hộ như đeo khẩu trang.

Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm hoặc sau khi tiếp xúc với người về từ vùng dịch, người có triệu chứng mắc bệnh hô hấp phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục