Thị trường nông sản: Giá gạo Ấn Độ cao nhất kể từ tháng 7/2021

Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đã tăng lên 364-369 USD/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 8/7, và tăng so với mức 363-367 USD/tấn trong tuần trước.
Thị trường nông sản: Giá gạo Ấn Độ cao nhất kể từ tháng 7/2021 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: thehindubusinessline.com)

Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ trong tuần này tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 7/2021 do nguồn cung hạn chế và đồng rupee của Ấn Độ mạnh lên.

Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đã tăng lên 364-369 USD/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 8/7, và tăng so với mức 363-367 USD/tấn trong tuần trước.

Một thương nhân xuất khẩu ở Kakinada, bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ, cho biết: “Giá gạo xuất khẩu đang tăng lên để bù đắp ảnh hưởng của việc đồng nội tệ tăng giá.”

Đồng rupee ngày 3/11 tăng lên mức cao nhất trong một tháng, đã làm giảm lợi nhuận của các nhà xuất khẩu lương thực ra nước ngoài.

Trong khi đó, nhu cầu thấp ảnh hưởng tiêu cực đến giá gạo của Thái Lan. Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được giao dịch ở mức 382-384 USD/tấn trong ngày 4/11, giảm so với mức 385-406 USD/tấn vào tuần trước.

Giới thương nhân tại Bangkok cho hay nhu cầu trong nước thấp hơn khiến giá gạo trong nước và xuất khẩu giảm, qua đó thu hút sự quan tâm của các khách hàng nước ngoài.

Theo Bộ Thương mại Thái Lan, nước này xuất khẩu khoảng 3,82 triệu tấn gạo trong giai đoạn từ tháng 1-9/2021.

Còn tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm trong phiên 4/11 ở mức 430-435 USD/tấn, tăng so với mức 425-430 USD/tấn trong tuần trước đó.

Một thương nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh nói: “Giá cả tăng cao do nông dân ở hầu hết các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch xong vụ Thu Đông.”

Đây là vụ thu hoạch cuối cùng trong niên vụ này, qua đó hạn chế nguồn cung gạo cho thị trường trong thời gian tới. Tuy nhiên, giới thương nhân cho rằng giá gạo Việt Nam khó có thể tiếp tục tăng vì đã ở mức cao hơn nhiều so với giá gạo Thái Lan.

Thị trường nông sản Mỹ

Trong phiên giao dịch cuối tuần 5/11, giá các mặt hàng nông sản đều giảm trên sàn giao dịch Chicago (Mỹ), dẫn đầu là đậu tương.

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2021 giảm 6,25 xu Mỹ (1,12%) xuống 5,53 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn cũng giảm 7,25 xu Mỹ (0,94%) xuống 7,665 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao tháng 1/2022 giảm 17,25 xu Mỹ (1,41%) xuống 12,055 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã không công bố bất kỳ số liệu mới nào về hoạt động xuất khẩu nông sản trong ngày 5/11.

Còn tại Brazil, hoạt động trồng đậu tương tại bang Mato Grosso trong tuần này có thể hoàn thành 92-94% kế hoạch đề ra, tăng so với mức 83% của cùng kỳ năm trước và 92% của năm 2019.

Đậu tương từ miền Trung Brazil sẽ chuyển đến các cảng vào cuối tháng 1/2022 và đầu tháng 2/2022. Điều này sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc xuất khẩu đậu tương của Mỹ từ nay cho đến cuối tháng 12/2021.

Thị trường càphê thế giới

Trong phiên giao dịch ngày 6/11, giá càphê Robusta đã có phiên giảm thứ 4 trong tuần này và các mức giảm đều khá mạnh.

Thị trường nông sản: Giá gạo Ấn Độ cao nhất kể từ tháng 7/2021 ảnh 2Nông dân Gia Lai thu hoạch càphê. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Trong khi đó, giá càphê Arabica duy trì mức giảm nhẹ, còn giá càphê Robusta cũng giảm theo biến động thị trường. Còn tại Việt Nam, giá càphê giảm thêm 400 đồng/kg.

Giá càphê Robusta trên sàn ICE Futures Europe-London kỳ hạn giao tháng 1/2022 tiếp tục giảm mạnh 21 USD (0,95%), giao dịch ở mức 2.183 USD/tấn. Trong khi, giá càphê Robusta kỳ hạn giao tháng 3/2022 cũng giảm 21 USD (0,97%), giao dịch ở mức 2.133 USD/tấn.

Giá càphê Arabica giao kỳ hạn trên sàn ICE Futures US-New York giảm mạnh.

Giá càphê Arabica kỳ hạn giao tháng 12/2021 giảm 4,95 xu Mỹ (2,37%), giao dịch ở mức 203,65 xu Mỹ/lb. Giá càphê Arabica kỳ hạn giao tháng 12/2021 cũng giảm 4,95 xu Mỹ (2,34%), giao dịch ở mức 206,50 xu Mỹ/lb (1 lb = 0,4535 kg).

Trong khi đó, giá càphê ngày 6/11 tại thị trường trong nước tiếp tục giảm, giao dịch quanh mức 39.800-40.700 đồng/kg. Vụ thu hoạch càphê mới ở Tây Nguyên tiếp diễn ngay khi thời tiết tạm thời tạnh ráo. Tuy nhiên sự thiếu hụt nhân công thời vụ hiện vẫn là mối lo chính của người trồng càphê. Trong khi đó, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng lớn đến tiến độ thu hoạch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục