Thời báo Hoàn cầu: Trung Quốc cần chuẩn bị để đối phó với Mỹ

Chuyên gia quân sự Trung Quốc nhấn mạnh Bắc Kinh nên gia tăng số lượng đầu đạn hạt nhân lên 1.000 đầu đạn trong một khoảng thời gian ngắn và thu mua ít nhất là 100 tên lửa DF-41 để đối phó Mỹ.
Mỹ thử tên lửa hành trình phóng từ mặt đất tại đảo San Nicolas, bang California ngày 18/8/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Mỹ thử tên lửa hành trình phóng từ mặt đất tại đảo San Nicolas, bang California ngày 18/8/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng globaltimes.cn và đài RFI đưa tin, tờ Thời báo Hoàn cầu phiên bản tiếng Anh mới đây đăng một loạt bài viết kêu gọi Bắc Kinh chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với những hành động khiêu khích từ Mỹ trong bối cảnh căng thẳng Trung-Mỹ tiếp tục gia tăng, cụ thể là bằng cách củng cố sức mạnh răn đe hạt nhân của mình.

Sẵn sàng đối phó với thách thức dài hạn từ Mỹ

Tờ Thời báo Hoàn cầu đề cập đến hàng loạt động thái khiêu khích của Mỹ trong thời gian gần đây, nhấn mạnh đến nhu cầu chuẩn bị ứng phó của Bắc Kinh.

Theo đó, tờ báo cho biết lãnh đạo phe thiểu số của Hạ viện Mỹ Kevin MacCarthy ngày 7/5 đã công bố thành lập một “lực lượng đặc nhiệm Trung Quốc” do đảng Cộng hòa dẫn đầu nhằm đối phó với một mối đe dọa địa chính trị rõ ràng từ Bắc Kinh, trong bối cảnh sự thù địch ngày càng gia tăng của Mỹ với Trung Quốc và sự chỉ trích của chính quyền Tổng thống Donald Trump trước cách Trung Quốc ứng phó với đại dịch COVID-19 đã trở thành chiến lược tranh cử trọng tâm của Đảng Cộng hòa.

Theo bài báo, những năm gần đây, sự thù địch nhằm vào Trung Quốc đã lan rộng trong xã hội Mỹ. Làn sóng chống Trung Quốc đang tiếp diễn và bị lợi dụng làm công cụ cho nỗ lực tái đắc cử của ông Trump, song nó cũng nằm trong hệ tư tưởng của Mỹ. Điều này sẽ tạo điều kiện cho sự thù địch với Trung Quốc càng thêm sục sôi.

Sau bầu cử, Mỹ sẽ tiếp tục điều chỉnh chính sách với Trung Quốc hiện nay, nhưng chắc chắn nó sẽ không thay đổi hoàn toàn. Dù Trump hay Joe Biden đắc cử, chiến dịch “bắt Trung Quốc phải chịu trách nhiệm” vẫn sẽ tiếp diễn.

Tác giả bài viết nhấn mạnh Trung Quốc cần chuẩn bị cho một thách thức dài hạn. Thứ nhất là nên củng cố và tăng cường phát triển công nghệ khoa học nòng cốt và sức mạnh quân sự chiến lược.

Xu hướng hiện nay cho thấy Mỹ sẽ tiếp tục kìm hãm Trung Quốc bằng các biện pháp hạn chế xuất khẩu. Trung Quốc phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất trong vấn đề này.

Mặc dù khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc về sức mạnh quân sự truyền thống tại các vùng biển ngoài khơi Trung Quốc đang thu hẹp dần, song ưu thế của Mỹ trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân vẫn đang áp đảo, và là trụ cột lớn nhất củng cố sự hống hách của Mỹ với Trung Quốc.

Như vậy, nhiệm vụ cấp bách của Trung Quốc là mở rộng kho vũ khí hạt nhân và củng cố các năng lực tấn công chiến lược của mình.

“Chúng ta phải củng cố các năng lực của mình để tập hợp thêm nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả các đồng minh của Mỹ. Để làm được điều này, chúng ta nên mở rộng các lợi ích chung với những quốc gia này, cố gắng thu hẹp những bất đồng và thuyết phục họ rằng một Trung Quốc hùng mạnh sẽ giúp đảm bảo các lợi ích quốc gia của họ và rằng những bất đồng tồn tại sẽ chẳng cản trở sự tôn trọng của chúng ta dành cho họ,” tác giả bài báo nhấn mạnh.

Tiếp theo, Trung Quốc cũng cần có những thay đổi về mặt tâm lý. Quay trở lại mối quan hệ Trung-Mỹ trong quá khứ là không thể, nhưng vẫn có thể tránh một cuộc đối đầu kiểu Chiến tranh Lạnh.

Người dân Trung Quốc nên tránh để bị những khiêu khích của Mỹ dễ dàng kích động mình, và phải kiên trì để đối phó một cách có chiến lược với Mỹ.

Bài báo kết luận rằng để làm một cường quốc lớn thứ hai thế giới không phải điều dễ dàng, và đôi khi không thoải mái như làm một quốc gia yếu không mang tính đe dọa nào hết.

Chắc chắn, Trung Quốc đã chủ động hơn trong nhiều vấn đề, song “vẫn nên duy trì sự điềm tĩnh khi đối mặt với các thách thức trên con đường tiến triển.”

Kho vũ khí hạt nhân cần được củng cố

Thời báo Hoàn cầu đã dẫn lời nhiều chuyên gia quân sự Trung Quốc nhấn mạnh rằng Bắc Kinh cần cấp tốc phát triển máy bay chiến đấu chiến lược H-20, tên lửa đạn đạo bắn từ tầu ngầm JL-3 và tên lửa liên lục địa DF-41, các vũ khí nằm trong bộ ba vũ khí hạt nhân chiến lược mang tính răn đe của Trung Quốc.

Trong bài báo ngày 9/5, tác giả nhấn mạnh Trung Quốc nên gia tăng số lượng đầu đạn hạt nhân lên 1.000 đầu đạn trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, và thu mua ít nhất là 100 tên lửa DF-41.

Tác giả cho rằng kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc trong quá khứ tưởng như là đủ để tạo ra một sức mạnh răn đe hạt nhân, song điều này không có nghĩa là kho vũ khí đó sẽ đủ lớn để kiềm chế các tham vọng chiến lược của chính phủ Mỹ và động lực để Mỹ dọa nạt Trung Quốc trong tương lai.

[Mỹ dự định nâng cấp kho vũ khí hạt nhân bất chấp kinh tế suy giảm]

Hiện nay, Trung Quốc kém xa Mỹ về số lượng vũ khí hạt nhân và Trung Quốc cần phải lấp đầy khoảng cách hạt nhân với Mỹ.

Theo bài báo, một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể gây ra thảm họa nhân đạo cực kỳ khủng khiếp, song sự răn đe hạt nhân vẫn đang âm thầm hoạt động.

Một số ý kiến cho rằng sự hống hách của Mỹ với Trung Quốc xuất phát từ ưu thế hạt nhân vượt trội của họ so với Bắc Kinh, và sự hống hách này sẽ ngày càng chi phối chính sách của Mỹ với Trung Quốc.

Những chuyên gia Trung Quốc từng cho rằng Trung Quốc không cần một kho vũ khí hạt nhân lớn hơn nên suy nghĩ về điều này: Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên cầm quyền, quốc gia nào chính là mục tiêu mà sự gia tăng đầu tư vũ khí hạt nhân của Mỹ nhắm vào? Khi Washington đang tăng cường chuẩn bị cho mình, Trung Quốc sao có thể ngồi yên và không hành động gì hết?

Chuyên gia quân sự Tống Trọng Bình, cũng là một nhà bình luận trên truyền hình, được RFI dẫn lời nhấn mạnh lý do khiến Bắc Kinh cần mở rộng hệ thống vũ khí hạt nhân là vì Washington liên tục gây áp lực và đe dọa Trung Quốc trong mọi lĩnh vực, và Mỹ không coi vũ khí hạt nhân như một phương tiện răn đe, mà có thể sử dụng tấn công phủ đầu.

Thông điệp của tờ Thời báo Hoàn cầu được đưa ra vào thời điểm Mỹ đang gia tăng áp lực tại Biển Đông và Biển Hoa Đông trong những tháng gần đây nhằm cảnh báo các tham vọng trên biển của Trung Quốc, vốn đe dọa nhiều quốc gia ven biển.

Năm ngoái, Washington quyết định rút khỏi Hiệp định song phương về tên lửa tầm trung (INF), có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, với Nga, nhằm gây áp lực buộc Bắc Kinh tham gia một hiệp ước tên lửa hạt nhân mới. Đây là điều Bắc Kinh khăng khăng cự tuyệt cho đến nay.

Theo chuyên gia quân sự Trung Quốc Tống Trọng Bình, Bắc Kinh sẽ chỉ tham gia một hiệp ước tên lửa với Mỹ chừng nào Trung Quốc có đủ số vũ khí ngang bằng với Mỹ.

Ngày 8/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc điện đàm với nguyên thủ Nga Vladimir Putin, với chủ đề chính là dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19), đã một lần nữa nhắc lại với đồng nhiệm Nga là nên đưa Bắc Kinh vào các đàm phán về một thỏa thuận tên lửa hạt nhân mới giữa ba nước, nhằm tránh “một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục