Tia hy vọng từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung

Nếu nhìn toàn cục, thì vẫn có thể hy vọng vào việc Bắc Kinh sẽ tiến hành cải cách kết cấu để ứng phó với những tác động, ảnh hưởng từ bên ngoài do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.
Tia hy vọng từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung xấu đi làm xáo trộn cả thế giới. Thị trường lo lắng sự tách rời giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ ngày một nghiêm trọng hơn, đặt kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính thế giới trước những biến số phức tạp.

Mặc dù thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà hai nước đạt được vào giữa tháng 1/2020 giúp làm lắng dịu tình hình, nhưng vẫn còn một chặng đường dài trước khi Washington và Bắc Kinh đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện.

Tuy nhiên, nếu nhìn toàn cục, thì vẫn có thể hy vọng vào việc Bắc Kinh sẽ tiến hành cải cách kết cấu để ứng phó với những tác động, ảnh hưởng từ bên ngoài.

Cửa đã mở rộng hơn

Theo tờ Economic Journal, cốt lõi của tranh chấp Mỹ-Trung nằm ở việc phía Mỹ tin rằng chủ nghĩa bảo hộ có thể buộc Trung Quốc phải tiến hành cải cách kết cấu để giải quyết vấn đề mất cân bằng thương mại giữa hai nước.

Chính phủ Trung Quốc phản đối hành vi này và đáp trả bằng các biện pháp thương mại, nhưng trên thực tế Bắc Kinh cũng đẩy nhanh việc mở cửa nền kinh tế cùng hệ thống tài chính để ứng phó với những tác động, ảnh hưởng từ đòn tấn công của đối phương.

Cho nên, Bắc Kinh không học theo Mỹ là rút khỏi trật tự thế giới hiện hành, mà làm theo cách ngược lại là củng cố quan hệ với các nước khác.

Ví dụ, trong lĩnh vực thương mại, dù Trung Quốc tiến hành trả đũa thuế quan đối với hàng hóa Mỹ, nhưng một năm qua đã hai lần giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác.

Và ngay cả khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tăng nhiệt, Trung Quốc vẫn tổ chức Hội chợ Nhập khẩu quốc tế (CIIE) lần thứ hai tại Thượng Hải. Điều này cho thấy nước này đang tích cực thúc đẩy mở cửa kinh tế.

Trên phương diện đầu tư, Trung Quốc đã cắt giảm danh sách các ngành nghề cấm nước ngoài đầu tư từ 180 xuống còn 40 ngành nghề. Trong đó, việc Trung Quốc mở cửa ngành tài chính thu hút sự chú ý của dư luận nhất.

Kể từ đầu năm 2018, Trung Quốc đã tăng cường mở cửa thị trường trong nước, đưa đồng nhân dân tệ vào các bộ chỉ số khác nhau trên toàn cầu và đã thu hút được hơn 230 tỷ USD đầu tư vào các tài sản bằng đồng nhân dân tệ.

[Thỏa thuận Mỹ-Trung giai đoạn một: Chiến thắng hay đình chiến?]

Sau khi Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội) thông qua Luật Đầu tư nước ngoài mới, tạo nền tảng pháp lý cho việc đối xử công bằng hơn giữa các nhà đầu tư nước ngoài và Trung Quốc vào tháng 3/2019, tới giữa năm 2019, Quốc vụ viện (Chính phủ) nước này lại tiến thêm một bước, bãi bỏ một số hạn chế đối với đầu tư nước ngoài như quyền mua cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài ở các doanh nghiệp liên doanh, ngân hàng xây dựng, công ty chứng khoán và hãng bảo hiểm.

Vào ngày 3/1 vừa qua, Cơ quan Quản lý hoạt động ngân hàng của Trung Quốc (CBIRC) ra tuyên bố nêu rõ từ đầu năm 2020, các ngân hàng nước ngoài có thể thành lập các chi nhánh 100% vốn nước ngoài tại Trung Quốc mà không cần phải tìm kiếm một đối tác nội địa giữ phần lớn cổ phần như trước đây.

Căng thẳng Mỹ-Trung còn khiến chính sách khoa học công nghệ của Trung Quốc có bước thay đổi lớn. Mấy năm trở lại đây, Trung Quốc đầu tư mạnh vào các dự án nghiên cứu khoa học, bản quyền và cơ sở hạ tầng công nghệ. Nhờ đó, Trung Quốc thậm chí đã vượt nhiều nước phát triển trong một số lĩnh vực khoa học công nghệ.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn lạc hậu so với Mỹ trên phương diện nghiên cứu cơ sở, trong một số lĩnh vực vẫn phải lệ thuộc vào nguồn cung của Mỹ, đặc biệt là về linh kiện cốt lõi. Cho nên Trung Quốc không muốn tách rời với thế giới.

Đối mặt với những nghi ngại của thế giới bên ngoài và trong bối cảnh chưa thể giải quyết thỏa đáng vấn đề bảo vệ bản quyền tri thức, Bắc Kinh cũng đã có những phản ứng tích cực.

Luật Đầu tư nước ngoài mới mà Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội) thông qua vào tháng 3 năm ngoái, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 cấm doanh nghiệp Trung Quốc cưỡng ép đối tác đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tích cực thúc đẩy nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ trong nước hơn. Về mặt chính sách, Bắc Kinh tiến hành giảm thuế và trợ cấp cho các dự án nghiên cứu khoa học; tháng 6/2019, Sở Giao dịch Thượng Hải đã khai trương sàn giao dịch mới dành cho các công ty công nghệ và khoa học mang tên Star Market.

Đây được coi là lời phản hồi của Trung Quốc tới Nasdaq - sàn giao dịch dành cho các công ty công nghệ của Mỹ. Thông qua Star Market, Bắc Kinh hy vọng sẽ khuyến khích đầu tư vào các công ty công nghệ trong nước và cũng thu hút nhiều doanh nghiệp nước này quay trở về niêm yết ở thị trường trong nước - đa số đều chọn thị trường Mỹ hoặc Hong Kong (Trung Quốc) để tiến hành chào bán lần đầu ra công chúng (IPO).

Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc còn nhanh chóng thúc đẩy phát triển mạng 5G và công bố kế hoạch chi tiết đầy tham vọng xây dựng Khu Vịnh lớn giữa Hong Kong, Macau (Trung Quốc) và Quảng Đông theo tiêu chuẩn của Thung lũng Silicon để phục vụ việc phát triển khoa học công nghệ.

Đối với khối tư nhân, chi tiêu nghiên cứu khoa học công nghệ của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Trung Quốc năm 2018 tăng 23% so với năm 2017 và tiếp tục tăng thêm 21% trong nửa đầu năm 2019.

Điều này cho thấy tuy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại, song biến số đối với kinh tế tăng lên giáng đòn mạnh vào hoạt động đầu tư tài sản cố định, nhưng đầu tư liên quan tới khoa học công nghệ lại ngược dòng phát triển.

Cải cách trong nước được thúc đẩy

Một thay đổi rõ rệt nữa là trên phương diện cải cách trong nước. Những cải cách này có thể chia thành hai loại. Một là tạo dựng động lực phát triển mới như thúc đẩy đô thị hóa và cải cách doanh nghiệp. Hai là quản lý tốt các rủi ro như giảm nợ và kiểm soát thị trường nhà đất.

Chiến lược đô thị hóa mới của Trung Quốc là xây dựng các cụm thành phố trên cơ sở quy hoạch các thành phố trong khu vực lại thành “siêu đô thị.”

Nếu mọi việc diễn ra theo kế hoạch, các thành phố trong cụm sẽ kết nối hợp lý với nhau, việc đi lại của cư dân trong vùng sẽ trở nên dễ dàng hơn, nhưng quan trọng hơn là nguồn tài nguyên khác nhau của các thành phố sẽ được ưu việt hóa.

Công cuộc đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở hiện đại của Trung Quốc sẽ được tiếp tục, ngoài việc chấn hưng kinh tế trong ngắn hạn còn có thể giúp nâng cao sức sản xuất của các ngành nghề liên quan tới xây dựng, tạo hiệu ứng lan tỏa.

Về lâu dài, quyết sách này còn giúp Trung Quốc làm chậm lại một cách hiệu quả xu thế tăng trưởng kinh tế đi xuống để có thể bám sát nền kinh tế đứng đầu thế giới.

Hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp lạc hậu hơn so với các mặt cải cách khác, nhưng áp lực từ bên ngoài ngày một nghiêm trọng có thể giúp thúc đẩy mặt cải cách này.

Chính phủ Trung Quốc đã phê chuẩn 4 danh sách liên quan tới hơn 200 doanh nghiệp nhà nước phải cải cách cơ chế sở hữu chuyển sang thực hiện cơ chế sở hữu hỗn hợp nhằm cải thiện năng lực quản trị cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đối với khu vực tư nhân, từ đầu năm 2018 đến nay, họ trong tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Số công ty Trung Quốc nộp đơn xin phá sản gần như tất cả thuộc sở hữu tư nhân.

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phát đi một thông báo trong đó nhấn mạnh đến tầm quan trọng của doanh nghiệp tư nhân đối với tăng trưởng kinh tế.

Theo số liệu thống kê đăng tải trên tờ “Đệ nhất Tài Kinh” cuối tháng 12/2019, năm 2018, Trung Quốc có hơn 25 triệu doanh nghiệp tư nhân, đóng góp trên 50% nguồn thu từ thuế; hơn 60% GDP, đầu tư tài sản cố định và đầu tư trực tiếp ra nước ngoài; tạo ra hơn 80% việc làm ở thành thị, khoảng 90% số việc làm tăng mới.

Ngoài ra, doanh nghiệp tư nhân chiếm hơn 70% tổng số doanh nghiệp cả nước hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ cao và công nghệ mới.

Để giúp doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả hơn, từ cuối năm 2018, Trung Quốc đã thúc đẩy một chương trình chi tiết hỗ trợ khối này. Cụ thể, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) chỉ đạo các ngân hàng lớn chịu trách nhiệm giải ngân một phần ba các khoản vay mới và hai phần ba khoản vay còn lại sẽ do các ngân hàng vừa và nhỏ giải ngân, cho các doanh nghiệp tư nhân.

Việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc cũng dễ dàng hơn nhờ các biện pháp nới lỏng mà PBoC thực hiện thời gian qua.

Không chỉ có vậy, Trung Quốc còn tạo đòn bẩy từ thuế đối với doanh nghiệp tư nhân. Ngày 24/9/2019, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo nước này cắt giảm lượng thuế và phí “chưa từng có” cho doanh nghiệp trong giai đoạn từ tháng 1-7/2019.

Cụ thể, số tiền thuế được cắt giảm đạt 1.170 tỷ nhân dân tệ (167,55 tỷ USD) và khu vực tư nhân chiếm đến 63% trong số đó.

Trước đó vào năm 2018, tổng lượng thuế và phí mà doanh nghiệp Trung Quốc được cắt giảm vào khoảng 1.300 tỷ nhân dân tệ và đương nhiên khu vực tư nhân cũng được lợi rất nhiều.

Cuối cùng, kiểm soát rủi ro nợ và thị trường bất động sản đã trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Do đó, Chính phủ Trung Quốc đã thay đổi biện pháp tài chính, đặc biệt coi trọng việc giảm thuế để kích thích kinh tế.

Tuy rằng việc từ bỏ chính sách nới lỏng cấp tiến làm giảm tăng trưởng kinh tế tổng thể, nhưng có thể thúc đẩy tái cân bằng kinh tế, có lợi cho tăng trưởng ổn định lâu dài.

Cho dù biểu hiện kinh tế đi xuống và chiến tranh thương mại vẫn tiếp tục, nhưng những biểu hiện của đồng nhân dân tệ trong thời gian qua có thể chứng minh nhà đầu tư cũng đồng ý với các biện pháp kích thích thận trọng.

Nói tóm lại, căng thẳng trong quan hệ với Mỹ đã thôi thúc các bộ ngành Trung Quốc và khối tư nhân ở nước này thực hiện nhiều thay đổi. Chiến tranh thương mại và chiến tranh khoa học công nghệ buộc Bắc Kinh mở cửa nền kinh tế rộng hơn và khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tự chủ sáng tạo.

Đằng sau các cuộc chiến, Chính phủ Trung Quốc đã điều chỉnh chính sách trong nước để trợ giúp cho cải cách và trong thời kỳ quá độ tránh sử dụng các biện pháp kích thích kinh tế ngắn hạn.

Tuy nhiên, liệu tiến trình này có được duy trì và thúc đẩy hay không, nhất là khi cải cách động chạm tới nhóm đã đạt được lợi ích và dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới ảnh hưởng lớn tới kinh tế Trung Quốc, thì đây vẫn là một biến số./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục