Tín hiệu cho thấy chiến tranh thương mại Mỹ-Trung còn kéo dài

Tại cuộc gặp với các đại diện Mỹ, ông Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc mong giải quyết các bất đồng và va chạm kinh tế thương mại giữa hai nước bằng phương thức hợp tác nhưng là hợp tác có nguyên tắc.
Tín hiệu cho thấy chiến tranh thương mại Mỹ-Trung còn kéo dài ảnh 1Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (thứ 2 từ trái sang) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (trái). (Nguồn: Reuters)

Vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung mới đã kết thúc. Có nguồn tin cho hay hai bên sẽ đưa ra Bản ghi nhớ (MOU), không chỉ nói rõ tiến triển của đàm phán, mà còn hình thành khung cho thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung rộng hơn trong cuộc gặp giữa nguyên thủ hai nước tới đây.

Tuy nhiên, có một phát biểu sau vòng đàm phán thương mại vừa qua ở Bắc Kinh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khiến người ta phải chú ý.

Chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa là hết thời hạn tạm ngừng chiến tranh mại Mỹ-Trung kéo dài 90 ngày tính từ cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị G20 ở Argentina ngày 1/12/2018.

Cuối tuần qua, cuộc đàm phán thương mại cấp cao Mỹ-Trung đã kết thúc tại Bắc Kinh sau hai ngày làm việc. Trong khi hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc nói rằng hai bên đạt được nhận thức chung mang tính nguyên tắc về các vấn đề chủ yếu thì Nhà Trắng lại tuyên bố hai bên đồng ý ghi lại các cam kết đạt được bằng hình thức MOU và nỗ lực xử lý mọi vấn đề trước thời hạn chót là ngày 1/3.

Nguồn tin của tờ Wall Street Journal cho biết thêm hai bên sẽ đưa ra MOU liên quan tới nhiều chủ đề, bao gồm việc chính phủ Trung Quốc đề xuất mua sắm thêm nhiều hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, phía Trung Quốc sẽ tăng tốc thúc đẩy mở cửa thị trường trong ngành chế tạo và các lĩnh vực như dịch vụ tài chính, tăng cường bảo vệ bản quyền tri thức của Mỹ…

Dự kiến, MOU còn bao gồm cả việc làm thế nào để thực hiện những vấn đề khó khăn trong thỏa thuận thương mại. Đó là những vấn đề Mỹ-Trung vẫn còn tồn tại bất đồng sâu sắc như Mỹ cáo buộc Trung Quốc cưỡng ép doanh nghiệp Mỹ chia sẻ bí quyết công nghệ, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc phương hại tới lợi ích của doanh nghiệp Mỹ…

Nói cách khác, MOU này không chỉ nói rõ tiến triển của đàm phán mà còn hình thành khung cho thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung rộng hơn trong cuộc gặp giữa nguyên thủ hai nước dự kiến vào tháng Ba tới.

Để chuẩn bị, vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung mới đã được thiết kế, sẽ diễn ra vào tuần này tại Washington. Nhưng việc đạt được thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể không dễ dàng.

Sau vòng đàm phán kết thúc tại Bắc Kinh vào cuối tuần qua, ông Tập Cận Bình đã gặp Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ở Đại Lễ đường Nhân dân Trung Quốc.

Tại cuộc gặp này, ông Tập Cận Bình một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Trung-Mỹ, chỉ rõ “hai nước Trung Quốc và Mỹ không thể rời xa nhau, phối hợp thì hai bên đều có lợi, đấu đá thì hai bên đều tổn hại, hợp tác là lựa chọn tốt nhất."

Ông Tập Cận Bình còn nói phía Trung Quốc mong muốn giải quyết các bất đồng và va chạm kinh tế thương mại giữa hai nước bằng phương thức hợp tác, thúc đẩy đạt được thỏa thuận mà cả hai bên đều có thể chấp nhận. Nhưng đáng chú ý hơn cả là việc ông Tập Cận Bình nhấn mạnh “hợp tác là hợp tác có nguyên tắc."

[Mỹ: Đàm phán thương mại với Trung Quốc "phức tạp" nhưng tiến triển]

Tờ Economic Journal dẫn phân tích của một số nhà quan sát chỉ rõ đằng sau lời lẽ mềm mỏng của ông Tập Cận Bình là tín hiệu cứng rắn. Cái gọi là “hợp tác có nguyên tắc” đồng nghĩa với việc phía Trung Quốc sẽ không thay đổi, kiên trì giới hạn của mình. Giới hạn của phía Trung Quốc là cải cách kết cấu kinh tế.

Hãng Bloomberg dẫn tiết lộ của ba quan chức thuộc cả hai phía Mỹ và Trung Quốc cho biết trong thời gian diễn ra đàm phán kín ở Bắc Kinh vừa qua, hai bên vẫn không thể thu hẹp bất đồng trong vấn đề cải cách kết cấu kinh tế Trung Quốc. Phía Mỹ yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ trợ cấp đối với doanh nghiệp nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng yêu cầu nhạy cảm này đã bị phía Trung Quốc coi là “không thực tế."

Trước đó, có nhiều phân tích chỉ rõ doanh nghiệp nhà nước là một trong những nền tảng cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đóng vai trò động lực chủ yếu của sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Cho nên, nếu hủy bỏ trợ cấp đối với doanh nghiệp nhà nước sẽ tác động lớn tới kinh tế, chính trị của Trung Quốc. Vì thế, đây được coi là giới hạn không thể nhượng bộ của phía Bắc Kinh.

Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng coi việc phát triển công nghệ cao là quyền lợi mang tính chủ quyền của quốc gia, cho nên đã bảo lưu yêu cầu của phía Mỹ về việc Trung Quốc phải từ bỏ quy hoạch phát triển công nghệ liên quan (Chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”).

Nói tóm lại, chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa là tới thời hạn chót, nếu phía Trung Quốc vẫn kiên trì nguyên tắc và giới hạn của mình ở giai đoạn cuối cùng này, phía Mỹ lại không nhượng bộ, mâu thuẫn thương mại Mỹ-Trung sẽ khó được giải tỏa. Điều đó cũng có nghĩa việc Donald Trump và Tập Cận Bình đích thân ngồi với nhau, việc mâu thuẫn thương mại hai bên có thể được giải quyết hay không vẫn là một ẩn số./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục