Tình trạng quân sự hóa đang gia tăng mạnh mẽ ở Biển Đỏ

Các nỗ lực của hải quân Nga đang khiến cho khu vực hàng hải ở Biển Đỏ trở nên chật hẹp hơn, khi Djibouti, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp và Italy đều đã hiện diện quân sự ở những vùng biển này.
Tình trạng quân sự hóa đang gia tăng mạnh mẽ ở Biển Đỏ ảnh 1(Nguồn: moderndiplomacy.eu)

Trang tin moderndiplomacy.eu đưa tin Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin mới đây đã ký một dự thảo thỏa thuận với Khartoum, theo đó Nga sẽ xây dựng một căn cứ hải quân ở bờ Biển Đỏ của Sudan để tiếp tế cho hạm đội Nga.

Theo dự thảo thỏa thuận này, được công bố trên trang web của chính phủ Nga, một "trung tâm hỗ trợ hậu cần" sẽ được thành lập ở Sudan, chức năng của trung tâm này là "sửa chữa các trang thiết bị, tiếp tế cho các chiến dịch và là nơi nghỉ ngơi của các thành viên phi hành đoàn."

Sudan sẽ cung cấp đất cho Nga trong thời gian 25 năm, có thể gia hạn 10 năm mà không phải bồi thường tiền.

Nga được tự do nhập khẩu vũ khí và vật tư quân sự cần thiết để vận hành căn cứ này từ các sân bay và cảng của Sudan mà không phải chịu sự kiểm tra của chính quyền địa phương.

[Nga chuẩn bị bàn đạp cho tàu ngầm hạt nhân tại Biển Đỏ]

Hãng thông tấn TASS do nhà nước Nga kiểm soát bình luận rằng cơ sở mới này sẽ giúp hải quân Nga hoạt động ở Ấn Độ Dương dễ dàng hơn.

Nga cũng được cho là sẽ củng cố cơ sở mới nhất ở châu Phi bằng các hệ thống tên lửa đất đối không tinh vi, giúp nước này thiết lập một vùng cấm bay.

Nga có một cơ sở tương tự ở cảng Tartus của Syria, nơi nước này đã duy trì một căn cứ không quân.

Trong 20 năm qua, Nga là nhà cung cấp chủ lực các loại vũ khí và trang thiết bị quân sự cho lực lượng vũ trang của Sudan.

Ước tính, Nga đã cung cấp cho Sudan khối lượng vũ khí trị giá 1 tỷ USD trong suốt thời kỳ này, một con số khổng lồ đối với châu Phi hạ Sahara.

Các cố vấn và huấn luyện viên quân sự của Nga cũng đã hoạt động ở đó 20 năm và các thế hệ sỹ quan của lực lượng Sudan đang được đào tạo tại Liên bang Nga.

Ít nhất là từ năm 2018, công ty quân sự tư nhân Wagner thuộc sở hữu của doanh nhân Yevgeni Prigozhin, một nhân vật thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã có mặt ở Sudan.

Công ty này bảo vệ các khoản tiền gửi dưới dạng vàng được khai thác bởi các công ty của Prigozhin (M Invest và công ty con Meroe Gold Co. Ltd., đã bị Mỹ trừng phạt vào tháng 7/2020).

Năm 2019, cả hai nước đã ký thỏa thuận hợp tác quân sự và thỏa thuận thành lập cơ quan đại diện thường trực của lực lượng vũ trang Nga tại Sudan.

Trước khi Nga chiếm bán đảo Crimea, Điện Kremlin hầu như không quan tâm đến châu Phi.

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt kinh tế mà phương Tây áp đặt với Nga đã thúc đẩy Moskva tiến xa hơn trên phạm vi quốc tế để tìm kiếm các liên minh và các cơ hội kinh tế.

Ví dụ, Moskva hoạt động tích cực hơn ở Syria và coi đó là một phần trong chiến lược này. Nga nóng lòng muốn tăng cường sự hiện diện ở châu Phi, khu vực có 54 quốc gia là thành viên của Liên hợp quốc, có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và là thị trường tiềm năng cho các thiết bị quân sự do Nga sản xuất.

Do đó, sáng kiến của Moskva ở Sudan nên được hiểu là một phần trong chương trình nghị sự lớn hơn của chính phủ Nga nhằm khẳng định lại thẩm quyền của mình trong khu vực Trung Đông-Bắc Phi (MENA), coi đó  là một đối trọng với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ.

Các nỗ lực của hải quân Nga đang khiến cho khu vực hàng hải này trở nên chật hẹp hơn, khi Djibouti, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp và Italy đều đã hiện diện quân sự ở những vùng biển này.

Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi (diễn ra ngày 23-24/10/2019) được tổ chức tại Sochi (Nga) là minh chứng cho thấy trong những năm gần đây, Nga đã xoay trục sang châu Phi, cung cấp năng lượng và cơ sở hạ tầng cũng như ký các hợp đồng vũ khí với châu lục này. Và sự xoay trục mang tính chiến lược đó có lợi cho Moskva./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục