Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nhậm chức trước bộn bề thách thức

Trong diễn văn nhậm chức, ông Ramaphosa đã nhấn mạnh các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và cam kết của chính phủ trong cuộc chiến chống nạn tham nhũng.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nhậm chức trước bộn bề thách thức ảnh 1Tổng thống tái đắc cử của Nam Phi Cyril Ramaphosa phát biểu sau khi được các nghị sỹ phê chuẩn tại phiên họp Quốc hội ở Cape Town ngày 22/5/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 24/5, tại sân vận động Loftus Versfeld tại thủ đô Pretoria, Tổng thống vừa tái đắc cử của Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên thệ nhậm chức, đánh dấu bước khởi đầu nhiệm kỳ kéo dài năm năm của mình trước sự tham dự của 32.000 người dân cùng gần 5.000 đại biểu trong nước và quốc tế.

Đây cũng là lần đầu tiên từ năm 1994, lễ tuyên thệ nhậm chức của tổng thống được tiến hành tại một địa điểm nằm ngoài tòa nhà chính phủ nhằm thu hút thêm nhiều thành phần xã hội tham gia cũng như tạo sự gần gũi hơn với người dân của vị tổng thống thứ tư của quốc gia này tính từ thời điểm chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid sụp đổ 25 năm trước.

Với chủ đề "Kỷ niệm nền dân chủ: Đổi mới và phát triển vì một tương lai tốt đẹp hơn cho Nam Phi," trong diễn văn nhậm chức, ông Ramaphosa đã nhấn mạnh các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và cam kết của chính phủ trong cuộc chiến chống nạn tham nhũng. Bên cạnh đó, phòng chống tội phạm, bạo lực giới, củng cố các thể chế nhà nước, xây dựng đoàn kết toàn dân cũng sẽ là những ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới trong thời gian tới.

Trên thực tế, một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất mà tổng thống mới tái đắc cử sẽ đối mặt là việc hàn gắn rạn nứt trong nội bộ đảng ANC cầm quyền cũng như khôi phục uy tín của đảng này liên quan đến những cáo buộc tham nhũng với cựu Tổng thống Jacob Zuma.

Trong thời gian cầm quyền, hàng loạt cáo buộc tham nhũng nhằm vào ông Zuma, do đó gây tổn hại đến hình ảnh của ANC, chính đảng đã dẫn dắt người dân Nam Phi thoát khỏi chế độ phân biệt chủng tộc Aparthied.

Về kinh tế, trong hơn 10 năm cầm quyền từ năm 2008 đến tháng 2/2019 sự yếu kém trong khả năng điều hành và quản lý đất nước của ông Zuma khiến cho nền kinh tế phát triển nhất châu Phi rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Kinh tế Nam Phi bị các tổ chức tín dụng quốc tế đánh giá ở mức rất thấp, có thời điểm xếp cuối bảng trong 21 nền kinh tế mới nổi về dự báo các chỉ số tài chính.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), mặc dù kinh tế Nam Phi tạm thời thoát khỏi tình trạng suy thoái liên tục từ cuối năm 2018 nhưng mức tăng trưởng GDP năm 2019 có thể chỉ đạt 1,3%, thấp hơn khá nhiều so với dự báo trước đó là 1,8% và đưa nước này vào cuối danh sách tăng trưởng kinh tế của các quốc gia nằm ở phía Nam sa mạc Sahara.

Bên cạnh đó, thất nghiệp hiện được coi là vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay của nước này. Dữ liệu của Cơ quan Thống kê Nam Phi mới công bố cho thấy quý 1/2019, tỷ lệ thất nghiệp tại Nam Phi đang ở mức 27,6%, tăng 0,5% so với quý cuối cùng của năm ngoái.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã dự đoán tỷ lệ thất nghiệp của Nam Phi sẽ dao động xung quanh mức 27% trong các năm 2019 và 2020, đồng thời khuyến nghị các nhà quản lý nước này sớm tiến hành cải cách cơ cấu hướng vào thị trường lao động và sản phẩm để thúc đẩy việc làm.

[Nghị sỹ Nam Phi bầu lại ông Cyril Ramaphosa làm tổng thống]

Những nhiệm vụ hết sức nặng nề đối với nhà lãnh đạo Ramaphosa trong thời gian tới sẽ là khẩn trương đưa ra các gói kích thích tăng trưởng nhằm vực dậy nền kinh tế, áp dụng chính sách tín dụng thuế ưu đãi đối với các công ty đầu tư vào lĩnh vực tạo ra việc làm ổn định, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng hàng trong nước và giảm thiểu nạn quan liêu cửa quyền trong các dịch vụ hành chính công liên quan hoạt động kinh tế, tăng cường trao đổi thương mại nội khối với các quốc gia châu Phi và giảm phí kết nối Internet di động.

Theo chuyên gia kinh tế châu Phi và Trung Đông của Bloomberg, ông Mark Bohlund, mặc dù tổng số vốn đầu tư vào Nam Phi đã tăng đáng kể trong năm qua song chính quyền mới của ông Ramaphosa cần cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa nhằm xóa tan tâm lý bất an còn đọng lại từ chính phủ cũ.

Bên cạnh đó, Tổng thống Ramaphosa cũng cần phải nâng cao nhận thức về chống phân biệt chủng tộc, bình đẳng và chống phân biệt đối xử giữa các quan chức nhà nước, xã hội dân sự và người dân. Có thể thấy, cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc ở Nam Phi chưa đạt hiệu quả như mong muốn vì chưa có chế tài hữu hiệu.

Mới đây Nam Phi đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia chống phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử, bài ngoại và kỳ thị sắc tộc. Cùng với đó, việc ngăn chặn làn sóng tấn công người nước ngoài cũng cần Chính phủ Nam Phi phải tiến hành một cách triệt để trong thời gian tới.

Theo Trung tâm Di cư và Xã hội châu Phi (ACMS), riêng trong năm 2018, có hơn 40 người nước ngoài đã thiệt mạng sau những vụ tấn công tại Nam Phi. Theo một số liệu thống kê không chính thức, có khoảng 3,5 triệu người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại quốc gia có dân số 56 triệu người này.

Về chính sách đối ngoại, với vai trò là cường quốc ở khu vực, thành viên của BRICS, G20 và vị trí chủ tịch nước này đang và sẽ đảm nhận tại nhiều tổ chức quốc tế, Nam Phi được đánh giá có nhiều kinh nghiệm, điều kiện để đạt được các ưu tiên của quốc gia, đồng thời thực hiện tốt vai trò quốc tế và trong khu vực.

Ở phạm vi quốc tế, Nam Phi sẽ tập trung vào các vấn đề nhân quyền, đặc biệt là nữ quyền, vấn đề phát triển, giải quyết xung đột, giải giáp vũ khí hạt nhân, biến đổi khí hậu và cải tổ các thể chế quốc tế, nhất là Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Ngoại giao kinh tế đã và sẽ là một hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nam Phi nhằm tăng cường thương mại, thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế Nam Phi, trong đó có mục tiêu thu hút 100 tỷ USD đầu tư nước ngoài trong năm năm do Tổng thống Ramaphosa đưa ra tháng 4/2018./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục