TP Hồ Chí Minh: Đa dạng phương thức cung cấp thực phẩm đến người dân

Ngành công thương TP Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp liên ngành, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh... trên địa bàn để tìm đường, mở lối cung cấp lương thực, thực phẩm đến các khu cách ly, phong tỏa.
TP Hồ Chí Minh: Đa dạng phương thức cung cấp thực phẩm đến người dân ảnh 1Danh mục hàng hóa để người dân lựa chọn từ Dự án 'Chợ nghĩa tình.' (Nguồn: hcmcpv.org.vn)

Vào thời điểm này, những nhóm ngành hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đã được tăng cường cung cấp và phân phối đến người dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng với đó, ngành công thương Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp liên ngành, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh... trên địa bàn để tìm đường, mở lối cung cấp lương thực, thực phẩm... đến các địa phương, nhất là khu vực bị phong tỏa, cách ly.

Phát triển mô hình chợ "dã chiến"

Điển hình, “Chợ Nghĩa tình” là dự án tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin vào việc duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm miễn phí dành riêng cho người dân đang sinh sống tại các khu vực thực hiện cách ly, phong tỏa tạm thời trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã được khởi động kịp thời trong tháng 7/2021.

Dự án được phối hợp giữa Sở Công Thương, Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và FPT (Tổ chức giáo dục trực tuyến FUNIX, ứng dụng UTOP).

[Xử lý nghiêm các hiện tượng tăng giá bất hợp lý trong bối cảnh dịch]

Mỗi người dân trong khu vực triển khai được quận, huyện Đoàn cấp tài khoản mua hàng và được mua nhu yếu phẩm trong suốt thời gian thực hiện phong tỏa theo quy định của Thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng thời, mỗi người dân được mua một đơn hàng/ngày trên kênh: http://chonghiatinh.vn/, tối đa 25 đơn vị sản phẩm/ngày, được giao hàng tận nhà vào lúc 17 giờ trong ngày. Giá trị bình quân một đơn hàng là gần 300.000 đồng.

Sau thời gian ngắn hoạt động, dự án đã triển khai tại 20 quận, huyện và thành phố Thủ Đức.

Dự án đã phục vụ hơn 2.700 hộ dân sinh sống tại khu cách ly, phong tỏa... trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, với tổng giá trị hàng hóa ước tính hơn 800 triệu đồng.

Đặc biệt, mới đây đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã trao 1.500 phần quà nông sản tài trợ cho Dự án “Chợ Nghĩa tình."

Anh Đức Thuận, cư ngụ tại thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ qua phương tiện truyền thống-báo chí đã biết thông tin về “Chợ Nghĩa tình” nên tham gia đặt hàng, vì trong những ngày qua do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên không đi làm và gặp khó khăn về tài chính. Khi nhận được đơn hàng giao tới không thiếu mặt hàng nào, gia đình rất xúc động và cảm ơn Ban tổ chức dự án đã kịp thời hỗ trợ những người dân gặp khó khăn.

Hiện nay, để giảm quá tải tại hệ thống siêu thị, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã kết hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch Dịch vụ xây dựng Bảo Yến mở các điểm bán hàng lưu động trên xe buýt, phục vụ người dân thành phố.

Mỗi ngày Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cập nhật điểm bán hàng rồi thông báo đến công ty bố trí xe.

Riêng nguồn hàng rau củ do doanh nghiệp chuẩn bị và phân phối với giá bình ổn, thậm chí thấp hơn giá bình ổn và tùy vào nhu cầu mà cung cấp lượng hàng phù hợp.

Còn Ủy ban Nhân dân các phường đã đăng ký tiếp nhận bán hàng trên xe buýt với Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ chịu trách nhiệm thông báo với người dân thông tin các điểm bán.

Nhằm minh bạch giá, bên ngoài những phương tiện xe buýt này có những tấm biển niêm yết giá từng loại hàng, đồng thời ngoài các loại rau củ quả, có đa dạng hàng hóa khác được bán với giá ưu đãi như gạo, trứng...

Trong lúc chờ mạng lưới chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được mở hoạt động trở lại, chính quyền nhiều địa phương trên địa bàn thành phố cũng không ngừng nỗ lực tạo điểm bán mới.

Trong những ngày gần đây, người dân xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi đã có thể tiếp cận nguồn cung lương thực, thực phẩm phục vụ bữa ăn hàng ngày dễ dàng hơn.

Đây là điểm bán là do Ủy ban Nhân dân xã Phước Vĩnh An tận dụng một góc sân bóng trên địa bàn để tổ chức cho tiểu thương cung cấp những hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho người dân trong khu vực. Mỗi sạp hàng được bố trí cách nhau tối thiểu 2m và tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế.

Khi người dân tham gia bán và mua được lực lượng chức năng hướng dẫn và khai báo y tế.

Có thể được xem là mô hình chợ "dã chiến" để cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm an toàn đến người dân ở khu vực vùng sâu, vùng xa và ven Thành phố Hồ Chí Minh.

Tương tự, tại quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh cũng có hai điểm bán với mô hình chợ "dã chiến" được tổ chức và đi vào hoạt động. Mô hình này tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua sắm và an toàn sức khỏe, đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19.

Cân đối cung-cầu thị trường

Thống kê của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy chỉ còn khoảng 30 chợ hoạt động trên địa bàn thành phố.

Một số địa phương như thành phố Thủ Đức; quận 1, 3, 4, 6, 7, 8, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú... đã đóng toàn bộ mạng lưới chợ truyền thống.

Trước bối cảnh này, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết sở đã ban hành văn bản hướng dẫn, kèm sơ đồ mẫu hướng dẫn mô hình tổ chức bán thực phẩm tươi sống an toàn đến thành phố Thủ Đức, quận, huyện để tham khảo. Do đó, đã có một số địa phương như huyện Củ Chi, quận 12... tổ chức khá tốt mô hình này; còn những quận, huyện khác cũng đã rà soát, đánh giá, mở cửa hoạt động trở lại một số chợ để bán thực phẩm cho bà con.

TP Hồ Chí Minh: Đa dạng phương thức cung cấp thực phẩm đến người dân ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Cụ thể, hoạt động cung ứng lương thực, thực phẩm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh chỉ được phép hoạt động theo mô hình mới, có quy mô giảm còn khoảng 30%. Hộ kinh doanh được tổ chức hoạt động luân phiên theo ngày chẵn-lẻ để giảm tối đa lượng người tương tác.

Khảo sát thị trường bán lẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày gần đây, hoạt động thương mại, nhất là những nhóm ngành hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đã được tăng cường cung cấp và phân phối đến người dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Trong số đó, có những đơn vị còn cam kết không tăng giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong suốt mùa dịch.

Đối với mặt hàng thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn, Công ty Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn (Sagrifood) đã tăng sản lượng thịt lợn tại hệ thống điểm bán lên gấp 7-8 lần so với ngày thường.

Người tiêu dùng cũng yên tâm sử dụng thịt sạch từ hệ thống, vì Sagrifood cam kết không tăng giá bán trong suốt mùa dịch và thực hiện chương trình bình ổn thị trường của Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, đại diện Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho hay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng thịt lợn tươi sống cung cấp ra thị trường bị giảm sản lượng còn khoảng 500-600 con/ngày và ngừng cung cấp mặt hàng đóng khay, mặt hàng chủng loại để tập trung vào mặt hàng thịt lợn mảnh.

Hiện tại, Vissan đang khẩn trương rà soát, tính toán lại năng lực sản xuất để phối hợp với sở, ngành Thành phố Hồ Chí Minh để kịp thời có phương án chuẩn bị nguồn hàng thay thế khi cần thiết.

Nhằm bảo đảm nguồn thịt lợn tươi sống phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, một số hệ thống siêu thị lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh như Saigon Co.op, Satra, Big C, MM Mega Market, LOTTE Mart, Aeon, Emart... đã tính toán tăng nguồn cung từ các nhà cung cấp khác như Anh Hoàng Thy, CP, Sagri food và đa dạng nguồn cung cấp khác.

Một số nhà bán lẻ cũng đã tính đến phương án tăng cường nguồn cung cấp thịt lợp nhập khẩu để tạm bổ sung nguồn thịt đóng khay thiếu hụt do Vissan tạm ngừng cung cấp.

Liên quan đến đầu ra những mặt hàng nông sản như rau củ, quả... nhiều nhà bán lẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận được nhiều văn bản đề nghị hỗ trợ tiêu thụ nông sản từ Sở Công Thương các tỉnh, thành.

Các hệ thống bán lẻ đang lên kế hoạch để tăng sản lượng thu mua, tiêu thụ những mặt hàng này.

Dự báo những ngày sắp tới, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh, thành trên cả nước, những các mặt hàng như dưa leo, nhãn, dứa, chanh, khoai lang, gà lông trắng, cua, tôm nước mặn... sẽ có cung vượt cầu.

Tuy nhiên, trong thời điểm nhiều tỉnh, thành phố cùng thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nên khâu vận chuyển, phân phối và bán lẻ có khả năng vẫn còn ách tắc cục bộ.

Cùng với đó, việc tổ chức kinh doanh cũng trong điều kiện không bình thường nên vấn đề tiêu thụ nông sản, thủy sản tươi sống có thể gặp nhiều bất cập và đây là bài toán khó mà sở, ngành địa phương, người nông dân, nhà bán lẻ... cần thống nhất giải pháp phù hợp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục