TP.HCM: Sáng tạo, hiệu quả trong tuyên truyền, giáo dục pháp luật

Mới đây, học sinh Trường THPT Đăng Khoa (quận 1, TP.HCM) không khỏi bất ngờ khi B-Ray, rapper được nhiều bạn trẻ biết đến, cùng các cán bộ, chiến sỹ Công an quận 1 tới trường tuyên truyền pháp luật.
TP.HCM: Sáng tạo, hiệu quả trong tuyên truyền, giáo dục pháp luật ảnh 1Mô hình phiên tòa giả định của Viện Kiểm sát và Tòa án huyện Bình Chánh. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 20/6/2012, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó Điều 8 của Luật quy định lấy ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật Việt Nam.

Trong 10 năm qua, việc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam diễn ra sôi nổi, thông qua các hoạt động míttinh, hội thảo, tọa đàm, thi tìm hiểu pháp luật… Nhiều mô hình tuyên truyền pháp luật tại Thành phố Hồ Chí Minh mang lại hiệu quả thiết thực trong tình hình mới.

Đổi mới cách thức tuyên truyền

Với lực lượng công an Thành phố Hồ Chí Minh, Ngày Pháp luật Việt Nam đã trở thành sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng, là dịp để cán bộ, chiến sỹ bồi dưỡng, xác định rõ vị trí, vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ.

Với sự sáng tạo, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, mang lại hiệu quả cao.

Công an thành phố đã đưa vào sử dụng 29 trang mạng xã hội của các đơn vị nghiệp vụ cấp phòng, Công an cấp quận, huyện và 52 trang mạng xã hội của Công an cấp phường, xã. Đây là những kênh cung cấp thông tin về tình hình an ninh trật tự, âm mưu, phương thức, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và những hành vi vi phạm pháp luật; hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính; tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; tiếp nhận thông tin về tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật.

Theo Phòng Tham mưu Công an Thành phố Hồ Chí Minh, qua thống kê lượt truy cập cho thấy các trang mạng xã hội của Công an thành phố đã trở thành kênh thông tin quen thuộc của người dân, giúp tăng cường mối liên hệ giữa nhân dân-lực lượng công an, cung cấp thông tin cho cơ quan công an về tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật...

Điển hình, trên trang Facebook chính thức của Công an Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 15.000 người theo dõi. Ban biên tập nội dung thường xuyên đăng tải các thông tin chính thống, kịp thời bác bỏ những nội dung xuyên tạc như thông tin xuyên tạc về hoạt động diễn tập của Công an thành phố vừa qua…

Bên cạnh công tác truyền thông trên không gian mạng, các đơn vị của công an thành phố có nhiều đổi mới trong việc tuyên truyền trực tiếp. Mới đây, để chủ động trong phòng ngừa, kéo giảm tai nạn giao thông liên quan đến người nước ngoài, cán bộ Phòng Cảnh sát Giao thông phối hợp cùng sân bay Tân Sơn Nhất tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự giao thông cho người nước ngoài đến Thành phố Hồ Chí Minh thông qua hình thức phát tờ rơi tuyên truyền bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh.

Trong tờ rơi, lực lượng chức năng chia sẻ những quy định, yêu cầu cơ bản của Luật Giao thông đường bộ khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; hành vi mà luật pháp Việt Nam nghiêm cấm cũng như mức phạt tiền cụ thể…

Nhiều du khách khá bất ngờ, tuy nhiên khi nghe cán bộ cảnh sát giao thông giao tiếp bằng tiếng Anh, thông báo về việc hướng dẫn du khách chấp hành Luật Giao thông đường bộ, ai nấy đều vui vẻ tiếp nhận.

Công an quận 1 lại có cách làm mới mang lại hiệu quả tuyên truyền rõ rệt cho đối tượng học sinh.

Mới đây, ngày 24/10, học sinh Trường Trung học Phổ thông Đăng Khoa (quận 1) không khỏi bất ngờ khi được gặp Trần Thiện Thanh Bảo (nghệ danh B-Ray, rapper được nhiều bạn trẻ biết đến) cùng các cán bộ, chiến sỹ Công an quận 1 tới trường tuyên truyền pháp luật.

Nội dung xoay quanh pháp luật về an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy, an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn ma túy… nhưng với sự tham gia của thần tượng, buổi tuyên truyền cho hơn 200 học sinh diễn ra trong không khí sổi nổi thông qua các chủ đề ngắn gọn, sinh động, dễ nghe, dễ hiểu.

Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật luôn giữ vị trí vô cùng quan trọng trong việc đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào đời sống xã hội. Đây là công tác mang tính chiến lược, thường xuyên, lâu dài, nếu triển khai thực hiện nghiêm túc sẽ mang lại hiệu quả sâu sắc, góp phần vào công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo đảm kỷ cương xã hội.

Công an thành phố luôn quan tâm chỉ đạo, ban hành kịp thời chương trình, kế hoạch, văn bản nhằm triển khai nghiêm túc, hiệu quả nội dung chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, cổng thông tin điện tử để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật, mở rộng hình thức, phạm vi, đối tượng tuyên truyền đến tất cả tầng lớp nhân dân.

Đa dạng đối tượng

Mỗi đối tượng sẽ có mô hình tuyên truyền pháp luật phù hợp. Điển hình như mô hình phiên tòa giả định được nhiều đơn vị tại Thành phố Hồ Chí Minh triển khai cho thấy hiệu quả trong tuyên truyền pháp luật với đối tượng là học sinh.

Các phiên tòa giả định được đầu tư công phu, tổ chức đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự nên rất thu hút học sinh ở lứa tuổi trung học cơ sở, trung học phổ thông. Nội dung các vụ án giả định được xây dựng trên vụ án có thật, sát với thực tế.

TP.HCM: Sáng tạo, hiệu quả trong tuyên truyền, giáo dục pháp luật ảnh 2Mô hình phiên tòa giả định của Viện Kiểm sát và Tòa án huyện Bình Chánh. (Ảnh: TTXVN phát)

Mô hình này do Viện Kiểm sát Nhân dân và Tòa án Nhân dân huyện Bình Chánh tổ chức rất hiệu quả. Mới đây, ngày 31/10, hai đơn vị phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức phiên tòa giả định nhằm tuyên truyền về phòng, chống bạo lực học đường tại Trường Trung học Phổ thông Phong Phú (huyện Bình Chánh). Vụ án được chọn để dàn dựng là vụ án xét xử T.T.D - học sinh (sinh năm 2005) phạm tội "Cố ý gây thương tích."

Xuất phát từ mâu thuẫn trên mạng xã hội, hai nhóm học sinh hẹn đánh nhau, dẫn đến tình huống T.T.D dùng dao gây thương tích 24% cho nạn nhân. Bị cáo T.T.D bị tuyên phạt 9 tháng tù. Phiên tòa giả định có thẩm phán, kiểm sát viên, công an… do đoàn viên các cơ quan này đóng vai nhận được sự hưởng ứng và thu hút học sinh theo dõi.

[Đổi mới nội dung, hình thức phổ biến pháp luật trong bối cảnh mới]

Bí thư Chi đoàn Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Bình Chánh Ngô Kiều Trang cho biết phiên tòa giả định là hình thức tuyên truyền trực quan, sinh động, giúp người xem nắm bắt dễ dàng kiến thức pháp luật. Các vụ án được dựng thành phiên tòa giả định có nội dung bám sát thực tế, nhất là về các hành vi vi phạm mà học sinh dễ mắc phải, từ đó kết hợp tuyên tuyền pháp luật để học sinh hiểu rõ, tránh rơi vào các tình huống, thực hiện hành vi dẫn đến hậu quả như trong phiên tòa giả định đã thể hiện.

Viện Kiểm sát Nhân dân huyện phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền bằng mô hình này ít nhất 2 lần/năm trên địa bàn - Bí thư Chi đoàn Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Bình Chánh cho biết thêm.

Với đối tượng đặc thù, Trung tâm Tư vấn pháp luật Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên thực hiện tuyên truyền pháp luật cho học viên đang cai nghiện ma túy, phạm nhân sắp mãn hạn tù tại các trại giam, người đã chấp hành xong án phạt tù về địa phương.

TP.HCM: Sáng tạo, hiệu quả trong tuyên truyền, giáo dục pháp luật ảnh 3Mô hình hỗ trợ pháp lý cho phạm nhân của Trung tâm Tư vấn pháp luật-Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN phát)

Trung tâm phối hợp thực hiện nhiều chương trình tuyên truyền, tư vấn pháp luật và sinh hoạt văn hóa tại các trại tạm giam ở Thành phố Hồ Chí Minh, trại giam của Bộ Công an trên địa bàn các tỉnh phía Nam.

Theo bà Hoàng Hương Giang, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Tư vấn pháp luật, đây là các đối tượng đặc thù, do đó nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật cũng được Trung tâm lựa chọn phù hợp với nhu cầu cần thiết của việc tái hòa nhập cộng đồng như pháp luật về án tích và xóa án tích; pháp luật về cư trú, chứng minh nhân dân; thi hành án dân sự trong bản án hình sự; pháp luật về lao động; hôn nhân gia đình…

Về hình thức, bên cạnh giảng dạy pháp luật do giảng viên phụ trách, Trung tâm còn thiết kế các hoạt động đa dạng, hấp dẫn khác nhằm thu hút sự tham gia của phạm nhân, tạo động lực để họ phấn đấu, cải tạo. Cụ thể là các hoạt động trò chơi ôn tập kiến thức pháp luật, sinh hoạt văn hóa với tên gọi "Khung trời mơ ước" do sinh viên phụ trách, tư vấn pháp luật trực tiếp tại bàn với sự tham gia của các luật sư...

Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm Tư vấn pháp luật Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện gần 20 chương trình phổ biến, tuyên truyền pháp luật tại Trại giam Z30D (tỉnh Bình Thuận), Trại giam Long Hòa (tỉnh Long An), Trại tạm giam Bố Lá (tỉnh Bình Dương), Trại tạm giam Chí Hòa (Thành phố Hồ Chí Minh); các cơ sở cai nghiện ma túy do lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh quản lý như Cơ sở xã hội Nhị Xuân, Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 (tại Đắk Nông), Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 (tại Lâm Đồng), Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 (tại Bình Dương). Các chương trình được đơn vị "đặt hàng" đánh giá rất cao về hiệu quả.

Hoạt động phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho cộng đồng là một trong những mục tiêu và sứ mạng của Trung tâm Tư vấn pháp luật. Bên cạnh đối tượng trên, thời gian tới, trung tâm sẽ tăng cường tuyên truyền tới đối tượng là phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người lao động nhập cư, người dân tộc thiểu số và nhóm người có nguy cơ bị phân biệt đối xử hay dễ bị tổn thương khác..., bà Hoàng Hương Giang khẳng định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục