TP.HCM tăng cường công tác an toàn vệ sinh lao động dịp cuối năm

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM khuyến nghị Công đoàn cùng người sử dụng lao động tăng cường kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động tại đơn vị, doanh nghiệp.
TP.HCM tăng cường công tác an toàn vệ sinh lao động dịp cuối năm ảnh 1Dây chuyền sản xuất giày xuất khẩu sang thị trường châu Âu tại Công ty Hồng An, tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Nhằm đảm bảo công tác an toàn vệ sinh lao động tại đơn vị, doanh nghiệp từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, ngày 21/11, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đang triển khai hướng dẫn các cấp Công đoàn Thành phố tăng cường giám sát việc chấp hành an toàn vệ sinh lao động của doanh nghiệp và người lao động.

Theo hướng dẫn, trọng tâm hoạt động của Công đoàn các cấp là đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về chính sách, pháp luật và kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động; các văn bản chính sách của Đảng, Nhà nước, tổ chức Công đoàn trong đại dịch COVID-19 cho doanh nghiệp và người lao động với nhiều hình thức qua các phương tiện truyền thông, các trang thông tin điện tử của đơn vị, các fanpage, Zalo, Facebook của hệ thống Công đoàn.

Công đoàn chú trọng vận động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, thông điệp 5K của Bộ Y tế, thông điệp “Sống khỏe trong môi trường có dịch;" cung cấp kiến thức về dịch COVID-19, cách phòng ngừa, vaccine phòng dịch; hướng dẫn cách tự làm xét nghiệm khi có triệu chứng nghi ngờ, tự chăm sóc khi mắc bệnh, cách liên hệ với nhân viên y tế khi cần trợ giúp; thực hiện những biện pháp nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần, chế độ dinh dưỡng, liệu pháp tâm lý, chất lượng bữa ăn ca…

Theo ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, để thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, các cấp Công đoàn cần phối hợp với ngành Y tế, Lao động-Thương binh và Xã hội địa phương tổ chức các hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, thực hiện các tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

[Nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn trong công tác an toàn lao động]

Đặc biệt, chủ động phối hợp với người sử dụng lao động chuẩn bị các phương án làm việc đảm bảo quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” với tinh thần sản xuất an toàn, đảm bảo đời sống việc làm cho đoàn viên, người lao động; công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời gian tăng ca; giám sát đảm bảo chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và phụ cấp độc hại; nâng cao chất lượng khám sức khỏe định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Ông Phạm Chí Tâm cũng khuyến nghị Công đoàn cùng người sử dụng lao động tăng cường công tác tự kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động tại đơn vị, doanh nghiệp như tổng số lao động; số vụ tai nạn lao động; bệnh nghề nghiệp; phân loại sức khỏe của người lao động; huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động; máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; thời giờ làm việc, nghỉ ngơi; chế độ bồi dưỡng đối với công việc nặng nhọc, độc hại; tình hình quan trắc môi trường lao động.

Đồng thời, rà soát, bổ sung, đánh giá, kiểm soát, hoàn thiện các nội quy, quy trình, biện pháp kỹ thuật an toàn lao động, các nguy cơ, rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức các hoạt động thực hành, thao diễn xử lý sự cố kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc…

"Ngoài ra, nhiệm vụ của Công đoàn còn giám sát việc chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động; nâng cao vai trò, hiệu quả lực lượng an toàn vệ sinh viên, thực hiện các chế độ cho an toàn vệ sinh viên; thường xuyên theo dõi, giám sát chất lượng bữa ăn ca của người lao động; đưa nội dung về chất lượng bữa ăn ca vào thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể…," ông Phạm Chí Tâm cho biết thêm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục