Vai trò của hợp tác đa phương với an ninh năng lượng khu vực BIMSTEC

Để BIMSTEC trở thành một thể chế khả thi cho hợp tác đa phương xuyên quốc gia, điều quan trọng là phải thúc đẩy không chỉ lòng tin mà còn cả ý chí chính trị để tạo thuận lợi cho hợp tác năng lượng.
Vai trò của hợp tác đa phương với an ninh năng lượng khu vực BIMSTEC ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Theo trang Quỹ Nhà quan sát - ORF, an ninh năng lượng là một thành phần quan trọng của an ninh quốc gia và được Liên hợp quốc định nghĩa là “sự sẵn có liên tục của năng lượng ở các dạng khác nhau, với số lượng đủ và giá cả phải chăng.”

Đây cũng là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia BIMSTEC, bao gồm Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Myanmar, Nepal, Sri Lanka và Thái Lan.

Khu vực BIMSTEC được ưu đãi với tiềm năng dồi dào về than, khí tự nhiên, sinh khối, thủy điện và năng lượng tái tạo, phần lớn tập trung ở khu vực tiếp giáp BBIN (Bangladesh, Bhutan, Đông và Đông Bắc Ấn Độ và Nepal).

Tuy nhiên, hầu hết các nước BIMSTEC phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu năng lượng chính, đặc biệt là dầu từ Trung Đông. Trong khi thương mại nội khối tăng từ 5,5% trong năm 2010 lên 7,2% năm 2019, sự gián đoạn do đại dịch COVID-19 gây ra đã đảo ngược xu hướng tăng. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn do các hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với thương mại năng lượng.

Việc tăng cường tập trung vào hợp tác năng lượng xuyên biên giới, đặc biệt là chia sẻ điện, có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện ổn định trong khu vực.

Tình hình an ninh năng lượng ở các nước BIMSTEC

Vùng Vịnh Bengal là một khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên, với trữ lượng than đá ở mức 324 tỷ tấn, dầu ở mức 664 triệu tấn, sinh khối ở mức 11 tỷ tấn. Các số liệu cho thấy, tổng cung cấp năng lượng sơ cấp trong khu vực BIMSTEC năm 2008 là 772 triệu tấn dầu quy đổi (MTOE) và ước tính sẽ tăng lên 1.758 (MTOE) vào năm 2030. Tương tự trong khoảng thời gian, tổng nhu cầu năng lượng sơ cấp dự kiến sẽ tăng từ 539 (MTOE) vào năm 2008 lên 1210 (MTOE) vào năm 2030.

Các nước có sinh khối chiếm một phần đáng kể trong nguồn năng lượng sơ cấp là Bhutan (36%), Myanmar (46%) và Nepal (72%). Trong khi đó, các nước phần lớn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch là Thái Lan (khí đốt tự nhiên và dầu mỏ), Ấn Độ (than và dầu) và Bangladesh (khí đốt tự nhiên). Năng lượng tái tạo và thủy điện tương đối hạn chế ở hầu hết các quốc gia BIMSTEC, trừ Bhutan.

Nhìn chung, than và dầu mỏ vẫn là nguồn cung cấp năng lượng chính của khu vực. Than chiếm tỷ lệ 36% vào năm 2008 và dự kiến tăng lên 39% vào năm 2030. Tỷ trọng của dầu trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp dự kiến sẽ giảm từ 33% năm 2008 xuống còn 29% vào năm 2030.

Tỷ lệ nhập khẩu trong tổng nguồn cung năng lượng cho thấy hầu hết các quốc gia BIMSTEC dựa vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu năng lượng chính. Nhập khẩu ròng năng lượng của khu vực BIMSTEC đã tăng gần 2,5 lần từ năm 2005 đến năm 2018 và khả năng tự cung tự cấp đã giảm từ 80% năm 2005 xuống còn 72% năm 2018.

Hợp tác năng lượng trong BIMSTEC

Hợp tác năng lượng giữa các nước BIMSTEC cho đến nay vẫn dựa trên các thỏa thuận song phương, trong đó Ấn Độ nằm ở vị trí trung tâm do vị trí địa lý và nhu cầu cao về năng lượng của nước này. Gần đây, nhiều nỗ lực đã được thực hiện để khởi động hợp tác năng lượng song phương giữa Ấn Độ-Sri Lanka, Ấn Độ-Myanmar và Nepal-Bangladesh. Đáng chú ý nhất trong số này là Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bangladesh và Nepal về hợp tác trong lĩnh vực điện.

Hầu hết các sáng kiến hợp tác năng lượng trong khu vực đều thông qua kết nối xuyên biên giới. Tháng 9/2019, đường ống dẫn dầu do Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ xây dựng và tài trợ, nối Motihari ở Ấn Độ với Amlekhgunj ở Nepal, đã được khánh thành dưới hình thức trực tuyến.

[Trung Quốc hỗ trợ các nước Arab đa dạng nguồn năng lượng]

Trước đó, ngày 22/4/2015, một thỏa thuận đã được ký tại Dhaka giữa công ty lọc dầu quốc doanh Numaligarh Refinery Ltd (NRL) của Ấn Độ và Tập đoàn Dầu khí Bangladesh để xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ từ Ấn Độ sang Bangladesh thông qua Đường ống Hữu nghị Indo-Bangla (IBFPL) dài 130 km. Các kết nối khác bao gồm các đường ống dẫn khí đốt từ các mỏ khí Yadana, Yetagun và Zawtika ở Myanmar đến Thái Lan.

Kết nối điện xuyên biên giới nên là hình thức hợp tác năng lượng chủ đạo cần khai thác để đạt được mục tiêu về lưới điện khu vực. Tiềm năng to lớn của hợp tác đa phương trong việc xây dựng lưới điện chung, là chi phí điện năng thấp hơn, nhu cầu đa dạng và bổ sung, và giảm mức độ tập trung thị trường của một số nhà phân phối.

Vào năm 2018, Nepal và Bangladesh đã bắt đầu các cuộc đàm phán về thương mại điện, nhưng vì quá trình này đòi hỏi sự tham gia của Ấn Độ nên đã có rất ít tiến bộ. Dự án Thủy điện Dorjilung được Cơ quan Điện lực Bhutan, Ban Phát triển Điện lực Bangladesh (BPDB) và Bộ Điện lực Ấn Độ đề xuất năm 2017 là một ví dụ khác về hợp tác liên quan đến xuất khẩu tải điện.

Đến nay, hầu hết các sáng kiến thành công trong hợp tác năng lượng cho đến nay đều là các sáng kiến song phương. Bằng cách áp dụng cách tiếp cận đa phương đối với hợp tác năng lượng và xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết, nhiều liên kết có sẵn có thể được mở rộng sang các nước thứ ba.

Ví dụ, kết nối giữa Nepal và Ấn Độ ở phía Đông của đất nước có thể được mở rộng đến Bangladesh qua Siliguri và các khu vực biên giới khác. Tương tự, kết nối Ấn Độ-Bhutan có thể được mở rộng đến Bangladesh thông qua các bang Đông Bắc, đặc biệt là Assam.

Đáng chú ý, Biên bản ghi nhớ năm 2018 về Kết nối lưới điện BIMSTEC cho thấy nhiều hứa hẹn. Dự án này sẽ tạo điều kiện tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên năng lượng trong BIMSTEC; vận hành hiệu quả và an toàn hệ thống điện cần thiết, thông qua việc phát triển mạng lưới điện khu vực; tối ưu hóa đầu tư vốn để bổ sung công suất phát điện trong toàn khu vực; và trao đổi năng lượng thông qua kết nối xuyên biên giới.

Trước khi ký kết Biên bản ghi nhớ, đã có nhiều sự kiện được tổ chức giúp thiết lập khuôn khổ cho BIMSTEC. Các nước trong khu vực đã các định năng lượng là một lĩnh vực hợp tác chính trong Hội nghị Cấp cao BIMSTEC lần thứ nhất tại Bangkok năm 2004; bắt đầu Nghiên cứu Kế hoạch Tổng thể Kết nối Lưới điện BIMSTEC (BGIMPS) sau Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng BIMSTEC (BEMM) tại Bangkok năm 2010; và thông qua Bản ghi nhớ năm 2011 của Hiệp hội (MoA) về việc thành lập Trung tâm Năng lượng BIMSTEC ở Bengaluru, với sự hỗ trợ tài chính từ Ấn Độ.

Cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Điều phối Kết nối Lưới điện BIMSTEC (BGICC) được tổ chức tại Nay Pyi Taw, Myanmar, vào tháng 6/2021. Cuộc họp đã thảo luận về chức năng của các thành viên, nhiệm vụ được đề cập trong Biên bản ghi nhớ về việc Thành lập Lưới điện BIMSTEC, sự kết nối và thực thi BGIMPS.

Các thành viên thảo luận về tầm quan trọng của việc xây dựng các chính sách BIMSTEC đối với việc truyền tải điện cũng như thương mại, trao đổi điện và cơ chế biểu giá phù hợp của BGICC.

Trong bối cảnh này, các khoản đầu tư là rất quan trọng. Trong khi phần lớn nguồn tài chính đến từ các chính phủ quốc gia, các tổ chức tài chính và các ngân hàng phát triển đa phương (ví dụ Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Phát triển Mới) sẵn sàng đầu tư nhiều hơn, nếu chính sách phù hợp và các ưu đãi có thể được đảm bảo.

Trong quá trình đàm phán về Kết nối Lưới điện BIMSTEC, chính sách quốc gia của Ấn Độ có tầm quan trọng do vị trí địa lý trung tâm của quốc gia trong khu vực. Dự thảo đầu tiên của hướng dẫn về thương mại điện xuyên biên giới (CBET) do Ủy ban Điều tiết Điện lực Trung ương Ấn Độ (CERC) đưa ra vào năm 2016 đã bị Bhutan và Nepal phản đối.

Tuy nhiên, các hướng dẫn sửa đổi được ban hành vào năm 2018 đã giải quyết những lo ngại của các nước láng giềng và cho phép xuất nhập khẩu điện thông qua thỏa thuận chung giữa các đơn vị kinh doanh mỗi nước.

Mặc dù các hướng dẫn CBET của Ấn Độ đã khuyến khích thương mại điện trong khu vực ở một mức độ nhất định, một số vấn đề chính vẫn chưa được giải quyết. Ví dụ như việc thiết lập một cơ quan để hài hòa các chính sách, quy định và luật pháp. Trong bối cảnh này, BIMSTEC có thể rút ra bài học từ một số sáng kiến về quỹ năng lượng khu vực, để tăng cường hợp tác năng lượng xuyên biên giới, đặc biệt trong lĩnh vực kết nối điện.

Kinh nghiệm của các khu vực khác

Một thị trường điện cạnh tranh sẽ giải phóng các lực lượng thị trường nhằm nâng cao hiệu quả, kích thích đổi mới kỹ thuật và thúc đẩy đầu tư. Chile là quốc gia đầu tiên cố gắng tự do hóa thị trường điện vào năm 1982, tiếp theo là Anh và Wales vào năm 1990.

Tuy nhiên, sau đó giới chức Na Uy, Thụy Điển đã quyết định thành lập một thị trường giao dịch điện có tên là Nord Pool, bắt đầu hoạt động vào ngày 1/1/1996.

Đây là sàn giao dịch điện lớn nhất trong số 14 sàn giao dịch điện châu Âu, thu hút 400 công ty ngành điện đến từ 20 quốc gia trong khu vực, và được coi là ví dụ điển hình của việc hình thành thị trường năng lượng khu vực.

Đến năm 2013, Nord Pool có thêm Phần Lan, Đan Mạch, Estonia, Latvia và Lithuania, và một số kết nối khác với Hà Lan và Đức. Vào năm 2014, các thị trường điện ở Bắc Tây Âu đã được tích hợp với Nord Pool. Vì Na Uy và Thụy Điển sản xuất phần lớn điện năng từ thủy điện, trong khi Phần Lan và Đan Mạch phụ thuộc vào nhiệt điện, việc tích hợp thị trường điện thông qua Nord Pool đã làm tăng hiệu quả kinh tế, đảm bảo an ninh nguồn cung cấp cao hơn và cải thiện hiệu suất môi trường.

Việc thống nhất thị trường tiếp tục giúp tối ưu hóa việc sử dụng thủy điện của Thụy Điển và Na Uy, dẫn đến giá điện trung bình thấp hơn và giảm lượng khí thải carbon ở khu vực Bắc Âu và tăng cường đảm bảo nguồn cung trong những năm khô hạn thông qua việc tích hợp công suất nhiệt điện ở Đan Mạch và Phần Lan.

Về phía châu Phi, năm 1995, Nhóm Quyền lực Nam Phi (SAPP) được thành lập dưới sự điều hành của Hội đồng Phát triển Nam Phi (SADC). Mục tiêu chính của SAPP là thúc đẩy hợp tác năng lượng giữa Nam Phi, Botswana, Mozambique, Zambia, Zimbabwe, Angola, Congo, Namibia, Tanzania, Lesotho, Eswatini và Malawi.

Trước đó, mạng lưới phía Nam (giàu nhiệt điện) và phía Bắc (giàu thủy điện) được liên kết bằng các đường dây 220 KV và 132 KV yếu, được tích hợp sau khi hình thành SAPP vào năm 1995 bằng cách sử dụng đường dây 440 KV. Điều này đã tạo ra một nền tảng để tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn năng lượng trong khu vực và điều tiết giá điện.

Cả Nord Pool và SAPP đều cho thấy cách tiếp cận đa phương có thể giúp phát triển các thị trường năng lượng trong khu vực. Sau khi đồng ý phát triển kết nối lưới điện vào năm 2018, các quốc gia BIMSTEC có thể rút ra bài học từ hai trường hợp này trong khi mở rộng cơ sở hạ tầng kết nối song phương hiện có.

Một ví dụ đáng chú ý khác, đó là hợp tác năng lượng khu vực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Sự hiểu biết lẫn nhau và sự khéo léo chính trị trong nỗ lực theo đuổi hợp tác năng lượng là sức mạnh đằng sau Hiệp định Hợp tác Năng lượng ASEAN, được ký kết tại Manila, Philippines năm 1986. Năm 1997, các quốc gia thành viên ASEAN đã tìm cách thiết lập các thỏa thuận liên kết về điện, khí đốt tự nhiên và nước trong khu vực đồng thời thông qua kế hoạch chiến lược toàn diện về "Tầm nhìn ASEAN 2020."

ASEAN đã lên kế hoạch thúc đẩy hợp tác về tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, cũng như phát triển các nguồn năng lượng mới và tái tạo bằng cách tạo ra Mạng lưới điện ASEAN (APG) và Đường ống dẫn khí xuyên ASEAN (TAPG).

Sau đó, chuỗi Kế hoạch Hành động ASEAN về Hợp tác Năng lượng (APAEC) đóng vai trò là kế hoạch chi tiết cho hợp tác năng lượng của ASEAN. APG và TAPG dẫn đầu chương trình và là một thành phần quan trọng của hợp tác năng lượng với các nước ngoài khu vực ASEAN.

Sự phát triển của APG rất quan trọng đối với các nước BIMSTEC, thúc đẩy các nước này tham gia vào một “siêu lưới điện” châu Á, Liên minh Mặt trời Quốc tế (ISA) và một số hợp tác năng lượng đa phương khác.

Một thành phần quan trọng khác của APAEC là dự án Đường ống dẫn khí xuyên ASEAN (TAGP). Đến năm 2017, TAGP đã xây dựng được 3.673 km đường ống xuyên biên giới nối các quốc gia thành viên ASEAN và sáu nhà ga trung chuyển ở Thái Lan, Singapore, Malaysia và Indonesia. Những liên kết này cho phép vận chuyển khí đốt từ Myanmar đến Việt Nam hoặc Indonesia, và từ Singapore đến Thái Lan.

Thông qua Myanmar và Thái Lan, các nước BIMSTEC có thể tiếp cận Lưới điện ASEAN và Đường ống dẫn khí xuyên ASEAN. Các cơ chế hợp tác giữa BIMSTEC và ASEAN có thể mở đường cho việc thúc đẩy năng lượng toàn châu Á.

Thách thức đối với hợp tác năng lượng trong BIMSTEC

Các dự án năng lượng đa phương trong khu vực BIMSTEC chưa phát triển mạnh. Với một trong những lý do chính là khu vực Nam Á chủ yếu dựa vào hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực. Mặc dù hợp tác song phương có thể được coi là một bước gia tăng hướng tới chủ nghĩa đa phương, có khả năng tạo điều kiện thuận lợi cho sự hiểu biết lẫn nhau nhằm tăng cường các khuôn khổ đa phương, song tác động đó còn hạn chế ở Nam Á, đặc biệt là trong BIMSTEC.

Vai trò của hợp tác đa phương với an ninh năng lượng khu vực BIMSTEC ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: reneweconomy.com.au)

Gần đây, Trung Quốc đã nổi lên như nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng Bangladesh. Nước này cũng đang thâm nhập vào lĩnh vực năng lượng ở Nepal thông qua các khoản vay trị giá 90 triệu USD để phát triển Dự án thủy điện Thượng Trishuli 1.

Để khẳng định sức mạnh khu vực và chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, Ấn Độ đã đẩy mạnh các hợp tác song phương. Tuy nhiên, những sự kiện gần đây cho thấy Ấn Độ đang dần thừa nhận tầm quan trọng của cách tiếp cận khu vực đối với hợp tác năng lượng.

Theo tuyên bố tháng 3/2021 của Bí thư Đối ngoại Bộ Ngoại giao Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla, Ấn Độ đang làm việc “tích cực để thúc đẩy tiểu vùng bao gồm Bhutan, Bangladesh, Nepal, Myanmar và Ấn Độ như một trung tâm năng lượng.”

Bên cạnh đó, việc năng lượng được coi như một lợi ích chính trị thay vì một lợi ích kinh tế làm sẽ suy yếu hợp tác năng lượng giữa các nước. Ở một số nước BIMSTEC, các nhà lãnh đạo chính trị đã sử dụng các nguồn năng lượng để làm đòn bẩy chính trị trong các chương trình bầu cử của họ, cản trở tốc độ hợp tác năng lượng xuyên biên giới.

Hợp tác năng lượng tiểu vùng cũng phụ thuộc vào quan điểm về môi trường của từng nước. Các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ, Bangladesh và Nepal có quan điểm khác nhau về tác động môi trường của các dự án song phương và ba bên.

Ví dụ, trong khi Bangladesh và Ấn Độ coi các dự án thủy điện mang lại lợi ích kinh tế, thì Nepal lại quan ngại nhiều hơn về các tác động tiêu cực có thể có đối với môi trường tự nhiên trong nước. Những nhận thức khác nhau về an ninh môi trường này là trở ngại đối với hợp tác năng lượng tiểu vùng.

Nếu các chi phí xã hội và môi trường không được xem xét, các vấn đề dài hạn có thể vượt quá những lợi ích ngắn hạn mà thủy điện mang lại. Hầu hết các dự án thủy điện có thể dẫn đến thay đổi chế độ dòng chảy, ảnh hưởng đến hệ sinh thái hạ lưu. Những thiệt hại về dài hạn thường không được xem xét trong các phân tích chi phí - lợi ích của các dự án hợp tác phát triển thủy điện.

Mặt khác, do hầu hết lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ và Bangladesh đều đi theo đường hàng hải, nên hoạt động này đối mặt với rủi ro ở “điểm tắc nghẽn”, chẳng hạn như eo biển Hormuz và eo biển Malacca. Việc phong tỏa Kênh đào Suez do khi siêu tàu chở hàng Ever Given mắc cạn vào tháng 3/2021 khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 6-10 tỷ USD mỗi tuần.

Hơn nữa, với 1 triệu thùng dầu và khoảng 8% khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của thế giới đi qua kênh đào Suez mỗi ngày, sự đình trệ này ảnh hưởng trực tiếp đến các nước phụ thuộc nhập khẩu năng lượng (hầu hết các thành viên BIMSTEC). Cú sốc trong chuỗi cung ứng sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đối với an ninh năng lượng của các nước này.

Ấn Độ nhận được hơn 70% nguồn cung dầu thông qua các tuyến đường biển của Ấn Độ Dương, trong khi Trung Quốc cũng nhận được 80% lượng dầu nhập khẩu qua eo biển Malacca. Do đó, bất kỳ cuộc xung đột nào trong khu vực Ấn Độ Dương đều làm tăng tính dễ bị tổn thương cho các mục tiêu an ninh năng lượng của các quốc gia này.

Đây là một trong những động lực chính thúc đẩy các khoản đầu tư của Trung Quốc, thông qua các dự án sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI), ở Sri Lanka, Bangladesh và Myanmar. Trung Quốc cũng đã nổi lên như một nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực năng lượng của Nepal và Bangladesh. Trong bối cảnh này, sự cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong khu vực lân cận là một lĩnh vực đáng quan tâm, đặc biệt là do những mục tiêu liên quan đến các khoản đầu tư của Trung Quốc.

Sự lựa chọn của BIMSTEC

Quá khứ thuộc địa và quá trình xây dựng quốc gia hậu thuộc địa ở Nam Á đã gây ra nhiều vấn đề quốc gia và khu vực, với những di sản lịch sử đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ tương tác giữa các nước. Các vấn đề chính trị nổi lên như một trong những thách thức lớn nhất đối với hợp tác xuyên biên giới. Mối quan hệ của Ấn Độ với các nước nhỏ hơn trong khu vực và việc New Delhi miễn cưỡng tham gia vào hợp tác đa phương càng làm trầm trọng thêm tình hình.

Thất bại trong việc thiết lập một thỏa thuận năng lượng đa phương có thể là do các vấn đề chính trị và kinh tế, các mối quan tâm về môi trường và các thách thức an ninh trong khu vực. Do đó, điều quan trọng hiện nay là các nước BIMSTEC cần thúc đẩy đối thoại về phát triển hợp tác năng lượng xuyên biên giới. BIMSTEC cũng cần xây dựng sự đồng thuận cho các dự án và sáng kiến để đáp ứng lợi ích của tất cả các bên và tối đa hóa lợi ích.

Hơn nữa, để phát triển lưới điện khu vực tích hợp, thị trường điện trong nước phải có năng lực phát triển đồng đều. Ấn Độ có thể chia sẻ kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực này và giúp các nước láng giềng phát triển thị trường điện trong nước.

Đối với lĩnh vực năng lượng, để thu hút đầu tư tư nhân, các nước BIMSTEC nên hài hòa hóa các quy định, tức là tạo ra sự chắc chắn liên quan đến chính sách và quy định. Một trong những yêu cầu quan trọng để CBET thành công là sự hiện diện của cơ quan có thẩm quyền để hài hòa các chính sách, quy định và luật pháp. Cơ quan này nên đảm bảo quyền tiếp cận lưới điện truyền tải một cách cởi mở và không phân biệt đối xử để tạo ra một thị trường điện cạnh tranh.

Sự kết nối giữa các quốc gia thành viên ASEAN có ý nghĩa quan trọng đối với hợp tác năng lượng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung. Đầu tiên, thông qua Myanmar và Thái Lan, các quốc gia BIMSTEC có thể tiếp cận APG và TAPG, cũng như các kết nối lưới điện giữa các quốc gia Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS). Hiệp định năm 2018 giữa Trung Quốc-Myanmar-Bangladesh về mua bán điện ba bên là một dấu hiệu về khả năng kết nối trong tương lai giữa hai nhóm tiểu vùng.

Bên cạnh đó, có triển vọng cho Hợp tác Năng lượng Ấn Độ-ASEAN, được ghi rõ trong kế hoạch hành động để thực hiện Quan hệ Đối tác ASEAN-Ấn Độ vì Hòa bình, Tiến bộ và Thịnh vượng chung (2016-2020). Trong số bảy lĩnh vực ưu tiên, “năng lượng” chỉ đứng sau “hợp tác chính trị và an ninh.”

Trong khi các cuộc thảo luận cho đến nay tập trung vào năng lượng tái tạo, các nước có phạm vi hội nhập thị trường năng lượng rộng hơn nếu trao đổi điện được mở rộng giữa Ấn Độ và ASEAN thông qua BIMSTEC. Thái Lan đã có kết nối điện với Lào, Campuchia và Malaysia, và cũng đã đề xuất kết nối với Myanmar.

Khu vực Đông Bắc của Ấn Độ đã sẵn sàng trở thành một trung tâm năng lượng khu vực và là một liên kết giữa Nam Á và Đông Nam Á thông qua Myanmar. Các cơ hội hợp tác có thể kể đến như hợp tác thủy điện và đường ống dẫn khí, cũng như sự kết nối của các lưới điện hiện có.

Hơn nữa, hợp tác Ấn Độ-Myanmar có thể thúc đẩy hợp tác năng lượng ASEAN-Ấn Độ cũng như chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Myanmar và các nước ASEAN khác thông qua BRI. Do đó, hợp tác này mở đường cho một hành lang năng lượng BIMSTEC-ASEAN thông qua việc phát triển một trung tâm năng lượng ở Đông Bắc của Ấn Độ, kết nối các khu vực lân cận.

Để đạt được mục tiêu này, hợp tác năng lượng xuyên quốc gia phải được ưu tiên trong BIMSTEC và các quốc gia ASEAN thông qua các sáng kiến hợp tác năng lượng và kết nối lưới điện.

Tiếp cận năng lượng là mục tiêu cấp thiết để các quốc gia có thể phát triển kinh tế-xã hội và là chìa khóa của Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc. Với việc Ấn Độ vẫn chưa đạt được khả năng tiếp cận phổ quát với năng lượng giá cả phải chăng, đáng tin cậy và bền vững, CBET có thể đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt ở các bang giáp ranh với các quốc gia láng giềng.

Hơn nữa, xem xét các mục tiêu kinh tế trong khu vực BIMSTEC, nguồn cung điện được dự báo sẽ không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng này. Việc đáp ứng khoảng cách này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các quốc gia láng giềng, những quốc gia được ưu đãi với các nguồn năng lượng đa dạng. CBET cũng có thể giúp hạn chế phát thải khí nhà kính bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho việc đa dạng hóa nguồn năng lượng của các quốc gia này.

Vì năng lượng được coi là một yếu tố không thể tách rời của an ninh quốc gia và kinh tế, hợp tác đa phương cho đến nay vẫn còn nhiều thách thức. Để làm cho BIMSTEC trở thành một thể chế khả thi cho hợp tác đa phương xuyên quốc gia, điều quan trọng là phải thúc đẩy không chỉ lòng tin giữa các thành viên mà còn cả ý chí chính trị để tạo thuận lợi cho hợp tác năng lượng xuyên biên giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục