Việt Nam kêu gọi hỗ trợ Afghanistan đối phó với các thách thức

Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ Afghanistan đối phó với các thách thức về kinh tế và nhân đạo, đặc biệt là tình trạng mất an ninh lương thực.
Việt Nam kêu gọi hỗ trợ Afghanistan đối phó với các thách thức ảnh 1Lực lượng an ninh Afghanistan trong chiến dịch truy quét phiến quân Taliban tại Kunduz. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 17/12, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp trực tuyến thảo luận về tình hình Afghanistan và hoạt động của Phái bộ hỗ trợ Liên hợp quốc tại nước này (UNAMA).

Trong cuộc họp, Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ Afghanistan đối phó với các thách thức về kinh tế và nhân đạo, đặc biệt là tình trạng mất an ninh lương thực.

Mở đầu cuộc họp, Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Afghanistan kiêm người đứng đầu UNAMA, bà Deborah Lyons cho biết tiến trình đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban đã đạt một số tiến triển như thống nhất về quy tắc và thủ tục đàm phán vào ngày 2/12 và ấn định lịch thảo luận các nội dung cụ thể từ ngày 5/1/2021.

Tuy nhiên, bà Lyons vẫn lo ngại về tình trạng bạo lực không ngừng gia tăng dù tiến trình hòa đàm đã được khởi động từ tháng 9 đến nay. Bà kêu gọi lực lượng Taliban và các tổ chức khủng bố khác ở Afghanistan chấm dứt các cuộc tấn công nhắm vào dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự.

Chủ tịch Ủy ban trừng phạt của Hội đồng bảo an liên quan đến Taliban đồng thời là Trưởng Phái đoàn Indonesia tại Liên hợp quốc, Đại sứ Dian Triansyah Djani cho biết ủy ban trong năm 2020 đã thông qua đề nghị miễn trừ tạm thời các biện pháp hạn chế đối với một số thành viên Taliban để hỗ trợ tiến trình hòa đàm với Chính phủ Afghanistan.

Trong khi đó, Đại diện thanh niên của Afghanistan tại Liên hợp quốc, bà Shkula Zadran nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo có sự tham gia của tất cả các thành phần xã hội Afghanistan trong tiến trình hòa bình ở nước này; đồng thời kêu gọi Taliban tôn trọng các tiến triển đã đạt được ở Afghanistan trong gần 20 năm qua.

[Các bên nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Afghanistan]

Các nước thành viên Hội đồng bảo an tái khẳng định sự ủng hộ đối với hoạt động của UNAMA; kêu gọi các bên ở Afghanistan sớm đạt kết quả đàm phán thực chất nhằm hướng tới ổn định và phát triển lâu dài.

Các nước chia sẻ quan ngại về những bất ổn an ninh và khủng hoảng nhân đạo ở Afghanistan thời gian qua. Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Afghanistan tại Liên hợp quốc khẳng định Chính phủ nước này sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy hòa đàm với mong muốn cộng đồng quốc tế tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ chính phủ, người dân Afghanistan trong tiến trình hòa bình và tái thiết.

Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định lại sự ủng hộ đối với tiến trình hòa bình do người Afghanistan dẫn dắt và làm chủ, trong đó có sự tham gia của phụ nữ và thanh niên.

Đại sứ cũng bày tỏ mong muốn các bên liên quan sớm đạt thỏa thuận ngừng bắn dài hạn để tạo môi trường ổn định và thuận lợi cho quá trình đàm phán hòa bình.

Đại sứ chia sẻ quan ngại về sự gia tăng bạo lực ở Afghanistan, kêu gọi các bên liên quan tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, bảo đảm tiếp cận nhân đạo và y tế một cách đầy đủ.

Đại sứ Đặng Đình Quý đánh giá cao các nỗ lực của Liên hợp quốc, UNAMA, các quốc gia và tổ chức khu vực cùng các đối tác quốc tế khác trong thúc đẩy tiến trình hòa bình và phát triển ở Afghanistan; đồng thời cảm ơn các nỗ lực của Indonesia và Đức - hai nước đồng chủ trì các văn kiện của Hội đồng bảo an về Afghanistan trong hai năm qua.

Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban bắt đầu đàm phán hòa bình tại Doha (Qatar) từ ngày 12/9 vừa qua. Tuy nhiên, các vụ tấn công và xung đột vẫn nổ ra tại nước này và có xu hướng phức tạp trong thời gian gần đây.

Theo thông tin từ UNAMA, Afghanistan là một trong những điểm xung đột đẫm máu trên thế giới hiện nay, với gần 6.000 dân thường đã thương vong trong 9 tháng đầu năm.

Ngoài ra, Afghanistan cũng đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng nhân đạo trầm trọng, với hơn 11,15 triệu người (chiếm hơn 1/3 dân số) đối mặt với mất an ninh lương thực khẩn cấp trong năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục