Việt Nam luôn đồng hành cùng Lào trong 40 năm phát triển

Trong suốt 40 năm xây dựng và phát triển đất nước, nền kinh tế Lào, đặc biệt là trong 30 năm đổi mới vừa qua, đã có những bước phát triển ngoạn mục.
Việt Nam luôn đồng hành cùng Lào trong 40 năm phát triển ảnh 1Patusay - một trong những điểm du lịch nổi tiếng ở trung tâm thủ đô Vientiane. (Ảnh: Phạm Kiên/Vietnam+)

40 năm trước, sau nhiều năm kháng chiến khó khăn gian khổ, với muôn vàn hy sinh, mất mát, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, người dân Lào đã giành được chính quyền, xóa bỏ chế độ quân chủ, khai sinh ra nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Việc nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào được thành lập là một bước ngoặt to lớn trong lịch sử của Lào, đánh dấu sự kết thúc cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên nhân dân Lào thực sự làm chủ vận mệnh của chính mình, làm chủ hoàn toàn đất nước, mở đường cho sự phát triển, phồn vinh và thịnh vượng.

Những thành tựu nổi bật

Trong suốt 40 năm xây dựng và phát triển đất nước, nền kinh tế Lào, đặc biệt là trong 30 năm đổi mới vừa qua, đã có những bước phát triển ngoạn mục. Kinh tế Lào luôn tăng trưởng liên tục với tốc độ cao.

Nếu giai đoạn 1981-1985, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ tăng trung bình 5,5%, đến giai đoạn 2011-2014, GDP của Lào đã tăng với tốc độ trung bình là 8,05%/năm. Theo dự kiến, trong năm tài khóa 2014-2015, GDP của Lào sẽ tăng khoảng 7,5%.

Năm 1980, GDP bình quân đầu người của Lào chỉ đạt 118 USD/người, nhưng đến năm 2015, con số này đã lên đến hơn 1.800 USD/người, gấp 16 lần so với năm 1985.

Lào cơ bản đã hoàn thành công tác xóa nghèo cho nhân dân, theo đó, đến năm 2015, tỷ lệ này chỉ còn ở mức 6,8%.

Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa, tỷ lệ của ngành nông lâm giảm từ 46,2% trong năm tài khóa 1999-2000 xuống còn 23,7% trong năm 2014-2015.

Ngành công nghiệp đã tăng từ 7,9% trong năm 1999-2000 lên 29,1% trong năm 2014-2015 và dịch vụ tăng từ 35,9% trong năm 1999-2000 lên 47,2% trong năm 2014-2015.

Đặc biệt, nhờ ứng dụng kỹ thuật khoa học và công nghệ mới vào sản xuất, song song với việc đầu tư phát triển hệ thống kênh mương thủy lợi, nông nghiệp Lào đã có sự phát triển toàn diện trong 40 năm qua. Nếu trước đây, Lào sản xuất gạo không đủ ăn, phải nhập khẩu từ nước ngoài về thì hiện nay Lào đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo.

Phát triển năng lượng cũng là một trong những thành tựu nổi bật của Lào trong những năm qua, nếu trước giải phóng, cả nước Lào chỉ có 3 đập thủy điện có công xuất lắp đặt 36MW, chỉ đủ cấp điện cho khoảng 19.000 hộ gia đình ở các đô thị lớn, thì nay, sản lượng điện hàng năm tại Lào đã là hơn 6.000MW, không những thừa dùng trong nước mà còn mang đi xuất khẩu.

Hiện tỷ lệ điện tăng trung bình hàng năm của Lào vào khoảng trên 29% và đến nay, đã có gần 90% dân số Lào được sử dụng điện.

Trong lĩnh vực giao thông, nếu năm 1975, cả nước Lào chỉ có 1.400km đường trải nhựa, việc đi lại giữa thủ đô Vientiane và các tỉnh vô cùng khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa, thì năm 2014, con số này đã là 7.230km. Điều này đã giúp cho việc đi lại của người dân giữa các vùng miền trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết, kể cả vào mùa mưa.

Giáo dục cũng là một thành tựu nổi bật của Lào trong 40 năm qua. Nếu trước đây, Lào có tới 95% người dân bị mù chữ, thì ngày nay, nhờ sự quan tâm đầu tư bài bản và quyết liệt của Đảng và Chính phủ, hệ thống giáo dục của Lào đã có những bước phát triển toàn diện, năm 2015 này, đất nước Lào anh em đã công bố phổ cập giáo dục tiểu học trên toàn quốc.

Một thành tựu nữa không thể không nhắc tới trong sự phát triển 40 năm qua của đất nước Lào là ngành ngoại giao. Nhờ thực hiện đường lối hòa bình độc lập, hợp tác cùng phát triển, vai trò vị thế của Lào ngày một được nâng cao. Trước giải phóng, Lào chỉ có quan hệ ngoại giao với 43 nước, thì nay đã có quan hệ với 155 nước trên thế giới.

Sự đồng hành của Việt Nam

Trong suốt 40 năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ hai nước, hợp tác về kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa Lào và Việt Nam đã phát triển rộng khắp và ngày ngày càng đi vào chiều sâu.

Quan hệ về chính trị, ngoại giao và hợp tác trên lĩnh vực Quốc phòng-An ninh giữa Lào và Việt Nam đã được tăng cường chặt chẽ, ngày càng gần gũi, tin cậy, sâu sắc và rộng rãi hơn trước.

Việt Nam luôn đồng hành cùng Lào trong 40 năm phát triển ảnh 2Quân đội nhân dân Lào ngày càng được chính quy hóa, hiện đại hóa. (Ảnh: Phạm Kiên/Vietnam+)

Việc gặp gỡ giữa lãnh đạo cấp cao của hai Đảng-hai Chính phủ, Quốc hội, các bộ, vụ cục, ban ngành trung ương và địa phương đã được thúc đẩy một cách sôi nổi, thường xuyên với nhiều hình thức đa dạng, ngày càng phong phú.

Các tuyên bố chung và nhiều thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao của hai Đảng-hai Chính phủ, từ trung ương cho tới địa phương đã được sự quan tâm, tổ chức triển khai sâu sắc, các hoạt động chào mừng kỷ niệm những ngày lễ lớn của hai nước được tổ chức thường xuyên.

Quan hệ hợp tác về kinh tế không ngừng được vun đắp, tăng cường, hội nhập vững vàng với kinh tế khu vực và thế giới.

Đầu tư của Việt Nam vào Lào có xu thế gia tăng liên tục, tính đến thời điểm hiện tại, Chính phủ Lào đã cấp phép cho 412 dự án của các nhà đầu tư Việt Nam vào Lào, với tổng trị giá đầu tư khoảng gần 4 tỷ USD, đứng thứ 3 trong danh sách những nước đầu tư vào Lào.

Quan hệ thương mại giữa song phương tiếp tục được đẩy mạnh với giá trị hàng hóa trao đổi năm sau cao hơn năm trước, trong đó, chỉ riêng trong trong 5 tháng đầu năm 2015, con số này đã đạt 571 triệu USD.

Không chỉ trong quan hệ kinh tế-chính trị, quan hệ đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào-Việt Nam còn nở rộ và thể hiện ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành khác nhau như: Hợp tác giáo dục và phát triển nhân lực.

Đến nay số lượng cán bộ, sinh viên, nghiên cứu sinh Lào đang học tập, nghiên cứu tại Việt Nam lên đến hơn 9.295 người, trong khi lượng học sinh Việt Nam đang học tập tại Lào khoảng trên 400 người.

Ngoài ra, để giúp Lào phát triển nguồn nhân lực, Chính phủ Việt Nam còn tập trung vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, điều hành, quản lý giáo dục, thiết bị dạy và học trong nhiều ngành nghề ở trung ương và địa phương của Lào./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục